Trong bài viết trước, chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ, cựu Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, đồng thời là chuyên viên hướng nghiệp cá nhân, đã giúp các con học sinh và các anh chị phụ huynh hiểu được định nghĩa và phân biệt sự khác nhau giữa Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics cũng như triển vọng nghề nghiệp của ngành này.
Chắc chắn các anh chị phụ huynh sẽ có câu hỏi: “Vậy con tôi có phù hợp với chuyên ngành này hay không?“, hay “Tại sao nên lựa chọn ngành học này?“, “Ai nên học ngành này và làm cách nào để giúp con có sự chuẩn bị tốt nhất?“… Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin cơ bản giúp các con học sinh và anh chị phụ huynh đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này.
Tại sao con nên học ngành Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics?
Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics được xếp vào khối ngành kinh tế và chương trình học sẽ bao gồm các kiến thức liên quan đến 2 lĩnh vực là Kinh tế và Vận tải.
Có 2 lý do chính để quý phụ huynh nên cân nhắc lựa chọn ngành học này cho con.
Lý do đầu tiên là nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động rất lớn như đã được phân tích trong phần một, nên con bạn dễ dàng tìm được công việc sau khi ra trường. Đây cũng là ngành rất phù hợp cho các bạn trẻ có đam mê ‘start-up” khi hai yếu tố quan trọng nhất để khởi nghiệp ban đầu chỉ là nhân lực/năng lực cá nhân và xây dựng được mạng lưới khách hàng riêng.
Lý do thứ hai là sự đa dạng về môi trường làm việc và các vị trí công việc phù hợp với những con có đặc điểm tính cách và thế mạnh cũng như mong muốn khác nhau.
Còn thêm một lý do phụ nữa là nói riêng về năng lực học tập thì đây là ngành có thể phù hợp với nhiều nhóm học sinh có phong cách học tập khác nhau từ những bạn mọt sách đến những bạn thích học theo kiểu thực hành và thực tiễn miễn là các bạn trẻ chọn được chương trình giảng dạy phù hợp. Con bạn chỉ cần học đủ tốt môn Toán và các môn xã hội nói chung; học tốt môn tiếng Anh và sở hữu các kỹ năng mềm xã hội để có xuất phát điểm tốt.
Con như thế nào thì hợp với ngành Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics?
Nếu cha mẹ có tìm hiểu về hướng nghiệp thì sẽ hiểu rằng ngành học là một phạm trù lớn trong hướng nghiệp. Điều quan trọng nhất là sinh viên sau khi ra trường tìm được môi trường làm việc/vị trí công việc phù hợp nhất với sở thích, năng lực và tính cách của bản thân thì sẽ phát huy được những điểm mạnh và phát triển nghề nghiệp thuận lợi. Có hai loại môi trường chính dành cho sinh viên học chuyên ngành này là: (1) các công ty chuyên cung cấp dịch vụ logistics; (2) các công ty sản xuất hàng hóa nơi có phòng ban về quản lý chuỗi cung ứng.
Phụ huynh/học sinh có thể bắt đầu tìm hiểu xem con em/mình có phù hợp với ngành học này hay không bằng việc làm bài trắc nghiệm tính cách Holland. Đây là một lý thuyết hướng nghiệp được phát triển bởi một nhà tâm lý học người Mỹ tên là John Holland, phân chia các nhóm đặc điểm tự nhiên của con người thành 6 nhóm là Kỹ thuật, Nghiên cứu, Nghệ thuật, Xã hội, Quản lý và Nghiệp vụ để kết nối với bản đồ thế giới nghề nghiệp. Một người không chỉ có một trong sáu nhóm đặc tính đó mà có thể có hai hoặc nhiều hơn, tạo thành các thiên hướng nghề nghiệp khác nhau. Quý phụ huynh có thể tìm hiểu kỹ về đặc điểm sở thích và khả năng của 6 nhóm Holland trong các bài viết trước đây của chúng tôi trong mục Hướng nghiệp.
Trong bài viết này, chúng tôi xin tóm lược đặc điểm của 2 nhóm Holland quan trọng nhất mà một học sinh mong muốn định hướng theo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng cần phải có đó là nhóm Nghiệp vụ và nhóm Quản lý. Nếu như nhóm Nghiệp vụ là nhóm “nhất thiết” phải có và có đủ mạnh thì nhóm Quản lý là nhóm cần có để phát triển tốt trong nghề nghiệp. Lưu ý để mọi người hiểu rằng từ “Quản lý” ở đây là tên gọi của 1 nhóm đặc điểm tự nhiên trong lý thuyết Holland , không đồng nghĩa với từ “quản lý” chỉ chức danh hay vị trí công việc.
Nhóm Nghiệp vụ: Những người sở hữu đặc điểm của nhóm Nghiệp Vụ thường là những người tỉ mỉ, chỉn chu và tự giác cao trong công việc, cẩn trọng, có trách nhiệm cao, nhạy bén với con số và các phép tính toán, có khả năng để ý đến chi tiết và luôn đúng giờ.
Các bạn trẻ có nhóm Nghiệp vụ cao nhất (đi kèm với nhóm Quản lý hoặc Xã hội) khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics sẽ phù hợp hơn với các vị trí công việc ở các công ty cung cấp dịch vụ logistics hoặc bộ phận logistics trong các nhà máy sản xuất vì đây là các công việc đòi hỏi phải thiết lập và tuân thủ các qui trình, chi tiết tỉ mỉ, luôn làm việc với các dữ liệu, áp lực thời gian cao.
Nhóm Quản lý: Những người sở hữu đặc điểm của nhóm Quản lý thường là những người phù hợp với công việc kinh doanh; là nhóm người yêu thích và có khả năng lãnh đạo, thuyết phục người khác, quyết đoán, năng động, có tham vọng, giao tiếp tốt. Khi được kết hợp với nhóm Nghiệp vụ, nhóm này mới có thể làm việc trong lĩnh vực Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics vì đây là công việc luôn cần chú ý đến chi tiết.
Các bạn trẻ có nhóm Quản lý cao nhất, theo đó là nhóm Nghiệp vụ thì sẽ phù hợp hơn và phát triển tốt hơn ở môi trường làm việc là các phòng ban Quản lý chuỗi cung ứng ở các doanh nghiệp sản xuất hoặc phòng phát triển kinh doanh của công ty cung cấp dịch vụ logistics nơi yêu cầu của công việc như đề cập trong phần một là thiên về dự báo, lập kế hoạch chiến lược, làm việc với rất nhiều phòng ban và các đối tác liên quan để thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Nói chung là như vậy nhưng khi đi vào cụ thể từng cá nhân thì cần xem xét kỹ năng lực học tập, đặc điểm tự nhiên, tính cách, các kỹ năng có được mới xác định được vị trí công việc nào là phù hợp nhất với bản thân. Nếu quí vị phụ huynh có điều kiện thì nên tham vấn với các chuyên viên hướng nghiệp để con có kế hoạch phát triển nghề nghiệp tốt nhất.
Phụ huynh có thể làm gì để giúp con phát triển phù hợp với định hướng chuyên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics?
Có rất nhiều lựa chọn về con đường học tập cho chuyên ngành này, nhưng tựu chung, để có thể thành công trong nghề nghiệp, con luôn cần rèn luyện không ngừng để phát triển, nâng cao trình độ, thành thạo nghiệp vụ, có các kỹ năng mềm xã hội cần thiết và có định hướng phát triển phù hợp. Điều cốt yếu nhất mà thị trường lao động đòi hỏi người lao động của ngành này bên cạnh kiến thức chuyên ngành là năng lực về ngoại ngữ và IT, các kỹ năng mềm xã hội.
Phụ huynh có thể giúp con phát triển phù hợp với định hướng ngành bằng một số hoạt động sau:
👉Xác định sớm năng lực học tập của con để lựa chọn môi trường học phù hợp;
👉Thúc đẩy và tạo điều kiện cho con học tốt ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc…);
👉Cho con làm bài trắc nghiệm Holland để xác định con có nhóm đặc tính cá nhân phù hợp với chuyên ngành này hay không;
👉Tạo điều kiện cho con rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thương lượng, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng làm nhiều việc cùng lúc , kỹ năng quản lý thời gian, ….
Khi con bạn có sự chuẩn bị sớm và hiểu biết đầy đủ về thị trường lao động, xây dựng được con đường phát triển nghề nghiệp cho bản thân thì sẽ luôn ở vị thế cạnh tranh cao hơn các bạn đồng trang lứa.
Đào tạo Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics tại RMIT
RMIT là một trong những đơn vị giáo dục đi đầu về đào tạo ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics tại Việt Nam. Đặc biệt, các môn học về logistics trong chương trình đã được chứng nhận chất lượng chuyên môn bởi Viện Quản lý Logistics và Vận tải Úc (CILTA), tổ chức chuyên đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo về Logistics và Vận tải tại Úc.
Theo học tại đây, sinh viên không chỉ lên lớp nghe giảng trực tiếp mà thường xuyên phải làm dự án theo nhóm, tham dự hội thảo và hội nghị chuyên đề của ngành. Các chuyên gia trong ngành thường xuyên được trường mời đến chia sẻ kinh nghiệm, cố vấn cho sinh viên.
RMIT có mạng lưới kết nối với doanh nghiệp rất rộng lớn, bao gồm nhiều công ty đa quốc gia như Acumatica, Bel, Coats, Colgate-Palmolive, Damco, Datalogic, Decathlon, DKSH, DHL, Geodis Wilson, Lazada, L’Oreal, Linfox, Marriott Renaissance, Metro C&C, Nestle, Perfetti Van Melle, Tân Sơn Nhất, và Unilever… Do đó, cơ hội để sinh viên tiếp xúc và đi thực tập, có việc làm tại các doanh nghiệp vô cùng phong phú.
Chính vì vậy, sau chương trình học, sinh viên RMIT có được nền tảng vững chắc trong lĩnh vực cung ứng và hậu cần, bao gồm giám sát quy trình, vận chuyển, phân phối, thiết kế và quản lý chuỗi cung ứng cũng như phát triển các kỹ năng cần thiết khác để tiến xa trong ngành.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ trở thành những ứng viên sáng giá trong mắt nhà tuyển dụng bởi kiến thức chuyên môn sâu rộng và kỹ năng lãnh đạo quan trọng.
Để tìm hiểu chi tiết về ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics, cha mẹ vui lòng đọc tại ĐÂY.
Phụ huynh và các con có thể tìm đọc lại các bài viết trong cùng chuỗi bài về ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics tại đây:
👉 Bài 1: Hiểu đúng về ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics để hướng nghiệp cùng con
👉 Bài 3: Những định kiến sai lầm về nghề nghiệp trong ngành Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics
👉 Bài 4: Những công việc và con đường nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng & Logistics
👉 Trải nghiệm thực tế của sinh viên RMIT ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics
Comments