cô đơn tuổi teen

PHẦN 2: CHA MẸ CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ GIÚP CON BỚT CÔ ĐƠN?

Trong phần 1, RMIT đã giới thiệu về một số nguyên do dẫn đến việc các con cảm thấy cô đơn thường trực và những tác động tiêu cực của nó tới sức khoẻ thể chất và tinh thần của các con. Có lẽ nếu quan tâm tới con, nhiều cha mẹ đã thực sự giật mình vì đôi lúc đã vô tình coi nhẹ những cảm xúc tiêu cực của con mình.

Điều đáng mừng là các nghiên cứu cũng chỉ ra kết nối giữa cha mẹ và con cái có khả năng cải thiện trải nghiệm cô đơn ở thanh thiếu niên và người trẻ trưởng thành, đồng thời giúp giảm các tác động tiêu cực của cô đơn lên sức khỏe thể chất và tâm lý.

Trong phần 2 này, chúng tôi sẽ giúp cha mẹ trang bị một số kiến thức và gợi ý thiết thực để giúp con giảm cảm giác cô đơn và học cách đối diện với sự cô đơn tốt hơn.

Nhận diện các dấu hiệu của con đang cô đơn

Một trong những bước đầu tiên cha mẹ có thể làm là để tâm quan sát các biểu hiện trong hành vi, suy nghĩ và cảm xúc của con để nhận biết sớm con có thể đang cô đơn hay không. Dưới đây là một số các biểu hiện thường gặp cho thấy cô đơn có thể là khó khăn con đang gặp phải:

🔶Biểu hiện cảm xúc buồn bã hay chán nản

🔶 Dễ nổi cáu hay giận dữ hoặc có thể trở nên nhạy cảm, dễ khóc

🔶 Thu mình, tránh giao tiếp với mọi người (dành nhiều thời gian ở một mình trong phòng; từ chối tham gia các buổi họp mặt, hoạt động tập thể, ngủ nhiều hơn mức bình thường; né tránh giao tiếp với người khác)

🔶 Không còn hứng thú hay từ chối tham gia các hoạt động trước giờ con yêu thích hoặc không muốn thử tham gia các hoạt động mới

🔶 Nói những điều không tích cực về bản thân (con có vẻ tự ti, đưa ra những nhận xét không tốt về mình “chẳng làm được gì”, “ai cũng giỏi trừ con”,…)

🔶 Sử dụng chất kích thích hoặc có hành vi có nguy cơ gây nghiện (có thể là thuốc lá, đồ uống có cồn, cần sa hoặc dành quá nhiều thời gian cho việc chơi game, ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong cuộc sống)

Đưa cô đơn thành chủ điểm trò chuyện cùng con

Đừng tự cho rằng con có đang cô đơn hay không. Như đã viết ở trên, những bạn được cho là hướng ngoại, năng nổ cũng hoàn toàn có thể gặp vấn đề về cô đơn. Và cũng lưu ý rằng, trải nghiệm cô đơn cũng thay đổi theo hoàn cảnh và thời gian.

Vậy nên cha mẹ hãy trò chuyện cùng con đều đặn để nắm bắt những thay đổi kịp thời. Việc quan sát hành vi và tâm trạng của con cũng giúp ích trong việc tiên đoán liệu con có đang gặp khó khăn.

Nếu con trở nên thu mình hơn, ít hẳn giao tiếp với mọi người hay từ chối tham gia hoạt động cùng nhóm bạn, đó có thể là dấu hiệu báo rằng con đang cô đơn. Việc con trở nên nhạy cảm, buồn, dễ cáu giận khác với trước đây cũng có thể là chỉ báo tương tự.

Thắt chặt hơn kết nối với con

👉 Trò chuyện cùng con. Đừng để các cuộc trò chuyện trở nên xã giao. Hãy thực sự dành thời gian để lắng nghe con. Nếu con không phải người dễ chia sẻ, hãy kiên nhẫn và đặt các câu hỏi cụ thể hơn về cuộc sống của con thay vì chỉ “hôm nay đi học thế nào?”. Cha mẹ có thể hỏi về bạn bè của con, điều gì con đang quan tâm hay hứng thú, con có gặp khó khăn gì với bạn bè hay trường lớp không,… Nếu có khi nào con không muốn nói chuyện, đừng ép uổng hay tỏ ra thất vọng. Điều đó hoàn toàn bình thường. Cha mẹ có thể nói với con rằng cha mẹ hiểu và sẽ dành thời gian nếu con muốn trò chuyện vào lúc khác.

👉 Cho con thấy cha mẹ quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ. Khi đang trong cuộc trò chuyện với con, hãy thật sự để tâm đến những gì con nói. Nếu cha mẹ có lúc nào yêu cầu con không dùng điện thoại trong giờ ăn cơm để cả nhà cùng trò chuyện, hãy làm tương tự khi con đến tìm mình. Nếu cha mẹ đang thực sự có ưu tiên khác, hãy cho con biết và cùng con tìm ra một khoảng thời gian phù hợp sau đó để trò chuyện.

👉 Tham gia hoạt động chung cùng nhau. Những hoạt động hàng ngày đơn giản có thể là cơ hội để cha mẹ kết nối cùng con. Trò chuyện với con trên đường đi học hay mua sắm, cùng xem phim hay nấu ăn, các chuyến đi chơi chung cả nhà… đều là các cơ hội để hai bên dành thời gian cho nhau. Đừng ngần ngại hỏi con để có các ý tưởng mới về các hoạt động chung mà cả hai có thể cùng làm với nhau.

Giúp con kết nối với người khác

👉 Thảo luận để tìm kiếm giải pháp. Nếu cha mẹ phát hiện con đang gặp vấn đề với sự cô đơn, hãy hỏi con xem con đã suy nghĩ như thế nào về việc đó và liệu con đã có ý tưởng gì để giúp mình. Nếu có, con cần cha mẹ tham gia vào như thế nào để giúp con. Nếu con chưa biết phải làm gì, đó là cơ hội để cả hai bên cùng tìm kiếm giải pháp

👉 Khuyến khích con nắm bắt các cơ hội kết nối với mọi người. Chẳng hạn như động viên con tham gia câu lạc bộ hay tìm kiếm việc làm thêm. Lưu ý: đừng áp đặt hay giục giã, điều này tạo ra áp lực không cần thiết lên con và có thể khiến con thu mình hơn. Hãy đưa ra các gợi ý dần dần và cùng con đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất với con ở thời điểm đó. Đồng thời khuyến khích con thử nghiệm cái mới và những cơ hội mới

👉 Tạo ra các cơ hội cho con gặp gỡ mọi người. Gợi ý một vài người thân thiết trong gia đình mà con yêu quý để trò chuyện cùng con hoặc tìm kiếm thông tin về các hoạt động cộng đồng tại nơi sinh sống để gợi ý con tham gia. Đôi khi, chỉ bằng việc đi chơi cuối tuần đã có thể giúp cải thiện cảm giác cô đơn ở con khi con được đến một không gian mới và kết nối với một số người thân thiết.

Cân nhắc tham vấn tâm lý cá nhân cho con nếu cần thiết

Với một số con, việc thiết lập kết nối với mọi người có thể đặt ra nhiều thách thức hơn. Trong trường hợp cha mẹ nhận thấy con gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với người khác (gia đình, bạn bè,…) và điều này đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con, tham vấn cá nhân có thể là lựa chọn cần thiết.

Tham vấn tâm lý có thể giúp con hiểu rõ hơn về bản thân mình trong mối quan hệ với người khác. Điều này sẽ giúp con định vị bản thân và duy trì các mối quan hệ tốt hơn.

Tham vấn cũng sẽ giúp con hình thành các kĩ năng cần thiết để thiết lập và phát triển quan hệ xã hội, chẳng hạn như điều hòa cảm xúc trong tình huống căng thẳng, giải quyết xung đột.

Ngoài ra, qua tham vấn con cũng sẽ hiểu hơn về trải nghiệm cô đơ và học cách tạo sự thoải mái cho mình khi ở một mình cũng như khi bên cạnh người khác.

Cô đơn là một vấn đề không nhỏ với các con thế hệ Z nhưng điều đó không có nghĩa đó là thế hệ luôn cảm thấy cô đơn. Bằng cách chia sẻ để thấu hiểu trải nghiệm của con cũng như cùng con xây dựng các kĩ năng đối diện với sự cô đơn, cha mẹ sẽ giúp con nâng cao chất lượng đời sống xã hội và tận hưởng một cuộc sống viên mãn hơn.


👉Đọc Phần I : Con bạn có đang cô đơn?

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.