cô đơn tuổi teen

❓“Làm sao để bớt cảm giác cô đơn ạ? Em cảm thấy hoang mang và lạc lõng. Cảm giác không ai hiểu mình. Cảm giác buồn và mông lung lắm ạ. Em thấy như em ngày càng thu mình hơn, không muốn nói chuyện với ai.”

❓“Nhiều lúc em cảm thấy mình “đơn thương độc mã” nên không có động lực bước tiếp. Cảm giác kể cả khi mình thành công thì vẫn cô độc.”

❓“Cảm giác không ai quan tâm mình: sinh nhật hay hoạt động gì cũng lủi thủi 1 mình, nhiều lúc có sự việc gì đấy xảy ra muốn tìm một người tâm sự cũng khó.”

❓“Làm thế nào để bớt cô đơn ạ? Làm thế nào để xóa bỏ đi lớp vẻ ngoài năng động đi để trở về lại chính mình?”

Trên đây là một vài trong nhiều câu hỏi về sự cô đơn mà các con học sinh chia sẻ trong chương trình hội thảo Chăm sóc sức khỏe tinh thần học đường do ĐH RMIT Việt Nam tổ chức gần đây.

Cô đơn được ví như một “đại dịch” toàn cầu với Thế hệ Z – những người trẻ sinh từ năm 1997 đến đầu những năm 2000 – là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Theo nghiên cứu được thực hiện trên 20.000 người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) tại Mĩ, thế hệ Z là thế hệ trải nghiệm sự cô đơn thường xuyên nhất. Tại Úc, một khảo sát khác cho thấy cứ 3 người trẻ thì có 1 người cô đơn. Không dừng lại ở Mĩ hay Úc, hay Anh, vấn đề tâm lý này đang lan rộng cả sang các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Hiện chưa có nghiên cứu nào về thực trạng cô đơn tại Việt Nam, tuy nhiên một vài khảo sát xã hội cũng giúp chúng ta có thêm góc nhìn về vấn đề này. Chẳng hạn, theo một khảo sát thăm dò được thực hiện bởi báo Thanh niên, không ít các bạn trẻ thị thành đang cảm thấy “cô đơn ngay giữa chốn đông người”.

Đứng trước thực trạng đó, cha mẹ có bao giờ tự hỏi “Con mình có đang cô đơn?” “Cô đơn có chừa con mình ra?”

Để giúp cha mẹ xác định được con mình có đang phải trải qua cảm giác cô đơn thường trực hay không, nếu có, làm sao để giúp con tìm ra cách đối mặt với nó và có một đời sống tinh thần khoẻ mạnh hơn, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Thạc sỹ Tâm lý Phạm Thanh Mai, chuyên ngành Tâm lý học Phát triển Trẻ em và Thanh thiếu niên, Đại học Toulouse Jean – Jaurès, CH Pháp, một trong những tham vấn viên tâm lý được sinh viên vô cùng yêu mến tại Đại học RMIT, cơ sở Hà Nội.

Cô đơn không đồng nghĩa với “một mình”

“Con hướng ngoại, nhiều bạn bè, có thể cô đơn không?” Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Nhiều người trong chúng ta vẫn hiểu nhầm rằng nếu con hướng nội sẽ dễ cô đơn hơn, ngược lại, nếu con mình là người hướng ngoại, năng nổ, nhiều bạn bè thì không phải lo con bị cô đơn.

Trên thực tế, các con hướng nội hoàn toàn có thể cảm thấy thoải mái và tự tại khi ở một mình và sử dụng khoảng thời gian đó một cách có ý nghĩa (thư giãn, theo đuổi thú vui riêng,…). Ngược lại, các con hướng ngoại với nhiều bạn bè và nhiều hoạt động có khả năng cảm thấy thiếu hụt các tương tác sâu sắc và có ý nghĩa.

Có thể hiểu cảm giác cô đơn gắn bó mật thiết với cảm nhận cá nhân về chất lượng – thay vì số lượng – các mối quan hệ mà một người có. Chất lượng của các mối quan hệ cá nhân này thường được đánh giá bởi một số tiêu chí như mức độ thường xuyên có tương tác trực tiếp người-người; có các mối quan hệ có ý nghĩa, được lắng nghe và thấu hiểu; có những người đáng tin cậy bên cạnh để hỗ trợ khi cần thiết.

Thêm vào đó, cô đơn là một trải nghiệm cảm xúc mang tính hoàn toàn cá nhân. Điều đó có nghĩa là nếu con cảm thấy cô đơn, vậy thì con đang thực sự cô đơn. Không một ai khác có thể nói con có đang cô đơn hay là không.

Vì sao con lại cô đơn?

Với các con thuộc thế hệ Z đang ở trong giai đoạn có những bước chuyển tiếp lớn trong cuộc đời, như chuyển cấp học, nhập học đại học, đi du học, rời xa gia đình lần đầu tiên, tìm việc làm,… Những bước chuyển này có khả năng tạo ra đứt gãy trong các liên kết xã hội của các con (tách khỏi nhóm bạn, gia đình, rời xa cộng đồng), từ đó làm tăng trải nghiệm cô đơn. Mặc dù mối quan hệ giữa cô đơn và cô lập về mặt xã hội không chặt chẽ, việc số lượng các tương tác với gia đinh và bạn bè bị giảm thiếu có tác động tương đối đến trải nghiệm cô đơn.

Thêm vào đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người trẻ trong giai đoạn tuổi 20 thường có xu hướng coi trọng số lượng hơn là chất lượng các tương tác xã hội trong tương quan với nhóm tuổi từ 30 – 50. Điều này phần nào lý giải lý do vì sao thế hệ Z dễ cảm thấy cô đơn hơn, đặc biệt trong trường hợp mất đi các mối quan hệ có ý nghĩa.

Nhìn một cách bao quát hơn, sự cô đơn của thế hệ Z cũng là hệ quả của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra trên toàn cầu. Lối sống thành thị thiên về chủ nghĩa cá nhân “của ai biết người nấy” cùng với ảnh hưởng của thị trường tự do, đề cao tính cạnh tranh của mỗi người dẫn đến khả năng được kết nối và được thuộc về bị tác động sâu sắc. Các nền tảng xã hội được phát minh như một cách giúp con người kết nối với nhau hơn, tuy nhiên, trên thực tế lại có mặt trái không nhỏ là cổ xúy cho trào lưu so đo và cạnh tranh giữa các cá nhân.

Tác động của cô đơn đến sức khỏe của con

Việc con thường xuyên cảm thấy cô đơn liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần:

Về mặt thể chất: các nghiên cứu đã chỉ ra cô đơn làm tăng nặng các nguy cơ về béo phì và tim mạch. Theo một số nghiên cứu, cô đơn có khả năng làm giảm tuổi thọ tương đương việc hút 15 điếu thuốc một ngày.

Đáng lo hơn, về mặt tâm lý, cô đơn có khả năng làm tăng nặng các vấn đề tâm lý như trầm cảm và lo âu. Trải nghiệm cô đơn thường xuyên là một trong các yếu tố gây hình thành hoặc tăng nặng lo âu xã hội (nỗi sợ hãi hay lo lắng thái quá về việc người khác sẽ đánh giá, phán xét hay tấn công mình dẫn đến thu mình, né tránh giao tiếp và tương tác với người khác)

Trầm cảm và cô đơn cũng liên quan mật thiết với nhau. Thiếu đi những mối quan hệ tin cậy và có ý nghĩa có khả năng làm trầm trọng thêm các biểu hiện của trầm cảm. Đồng thời, trầm cảm lại khiến cho người chịu ảnh hưởng có xu hướng càng thu mình, tránh né tương tác, và do đó, cô đơn hơn.

👉👉 Đọc phần 2: Cha mẹ có thể làm gì để giúp con bớt cô đơn?

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.