Cha mẹ có nhận thấy, chúng ta thường dành thiện cảm cho những người ý tứ, biết điều, biết cư xử phù hợp với môi trường, hoàn cảnh…, và ngược lại, không mấy ưu ái những ai vô duyên, bất lịch sự, thiếu tôn trọng người khác…? Đó là bởi vì trong tâm trí chúng ta và cộng đồng nói chung đã định sẵn những quy tắc ngầm về ứng xử, hành động phù hợp bối cảnh. Trong tiếng Anh có một cụm từ chuyên dùng để chỉ khái niệm này: “common sense”. Cụm từ này mang nhiều ý nghĩa nhưng trước giờ khó có thể chuyển ngữ hay cắt nghĩa hoàn chỉnh và đầy đủ ra tiếng Việt.
Cha mẹ và con cái có thể gặp được common sense ở khắp nơi trong cuộc sống:
Đi mua đồ mà chưa đến lượt thì phải xếp hàng.
Khi sử dụng thang máy phải chờ người bên trong ra hết rồi mình mới bước vào.
Trong lớp học cần tôn trọng giáo viên, giữ trật tự và hợp tác xây dựng bài giảng.
Trong quan hệ với người khác nên tế nhị, không nên trong lúc bạn buồn vì tăng cân mà mình chê bạn mập.
Ở chỗ công cộng không cười nói hô hố, trong nhà hàng lịch sự cần nói với âm lượng vừa phải đủ nghe.
….
Như vậy, common sense có thể được hiểu là lẽ thường, là những ý thức, hành động và cách đối nhân xử thế sao cho hợp lý và an toàn. Những ý thức, hành động này đa phần không được ghi vào luật hay quy định, nhưng là các quy ước bất thành văn được cộng đồng thống nhất và tuân theo trong ứng xử. Đây cũng là các tiêu chuẩn ngầm của cộng đồng khi đánh giá ai đó. Làm trái các quy ước này, bạn sẽ trở thành người vô duyên, bất lịch sự, thiếu tế nhị, còn nếu thuận theo, bạn sẽ được đánh giá là người lịch thiệp, văn minh, đáng tôn trọng.
Thực hiện những quy tắc ứng xử cơ bản này không cần đến trí tuệ cao, sự thông minh hay kiến thức uyên bác. Điều này lý giải cho việc có rất nhiều người tuy không học nhiều, không đỗ đạt cao nhưng vẫn được xã hội kính trọng, do biết ứng xử thấu tình đạt lý, biết tôn trọng người khác.
Thực tế cho thấy, những người nắm vững các quy tắc ứng xử cơ bản có xu hướng giành được thiện cảm của người khác hơn, giao tiếp hay công việc, học hành sẽ thuận lợi hơn, mục đích dễ đạt được hơn và thành công (nếu có) sẽ ở mức cao hơn.
Lời khuyên cho cha mẹ – Giúp con phát triển common sense thế nào
Vì common sense bao phủ mọi khía cạnh của cuộc sống, tình cảm và công việc, nên để con hiểu rõ và áp dụng thành thói quen những quy tắc ứng xử này cần một quá trình học hỏi và luyện tập. Do đó, cha mẹ cần ý thức rèn luyện ứng xử cho con từ khi còn nhỏ, đặc biệt từ giai đoạn thiếu niên, khi con đang có những thay đổi định hình về nhân sinh quan và nhân cách.
Cha mẹ nên:
Cùng con thiết lập bảng/danh sách các quy tắc ứng xử cơ bản. Luôn để ý và nhắc nhở con áp dụng các quy tắc này trong các hoạt động hàng ngày của mình. Mục tiêu là để các quy tắc này trở thành thói quen và phản xạ của con trong các tình huống nhất định.
Với những tình huống con chưa từng gặp hoặc chưa được học, hướng dẫn con cách so sánh lợi và hại trước khi đưa ra quyết định. Dặn con nghĩ kỹ trước khi làm hoặc nói, sao cho mình không phải hối hận về sau.
Cùng con thực hành thói quen lắng nghe nhiều hơn thể hiện. Dạy con cách quan sát kỹ môi trường xung quanh mình, để ý cách giao thiệp của mọi người để học cái hay và tránh cái dở.
Hướng dẫn con tìm kiếm một người có kinh nghiệm về ứng xử và con tin tưởng để làm cố vấn, và nhờ họ quan sát, đưa ra đánh giá khách quan về lối ứng xử của con và điều chỉnh nếu cần. Tùy gia đình và tùy bạn trẻ, người cố vấn này có thể chính là cha mẹ, thầy cô ở trường, thầy cô gia sư hay một chuyên gia tâm lý.
Một số năm trở lại đây, môn kỹ năng sống được chú trọng hơn và đưa vào giảng dạy trong nhà trường, cung cấp cho các bạn trẻ nhiều thông tin hữu ích về ứng xử phù hợp bối cảnh. Tuy nhiên, có rất nhiều quy ước không bao giờ xuất hiện trong sách vở dạy kỹ năng , chỉ khi cha mẹ lưu tâm tự chỉ dạy cho con và chỉ dạy thường xuyên, con mới có thể trở thành một người biết ứng xử hài hòa và hợp lý.
👉 Đọc thêm các bài viết hay và bổ ích về cách Nuôi dạy con tại ĐÂY.