Những kiến thức, lý thuyết suông trên những trang sách đôi khi không thể giúp đỡ sinh viên sẵn sàng với những thay đổi mỗi ngày ở thực tế. Vì thế, một giảng viên vừa có kiến thức chuyên ngành, vừa am hiểu chuyên môn từ trải nghiệm của chính mình sẽ giúp sinh viên có cái nhìn thực tiễn vào ngành nghề muốn hướng tới. Cô Trần Thị Ngọc Thanh – giảng viên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp là một trong những giảng viên làm được điều đó.
Với sinh viên ngành Truyền thông tại cơ sở Nam Sài Gòn, cô Thanh là người đặt sinh viên mình vào nhiều góc độ khác nhau của Truyền thông qua các lớp Creative Advertising (Quảng cáo sáng tạo), Advertising Media (Các kênh quảng cáo),… Kết hợp với kinh nghiệm hành nghề và làm việc với nhiều đối tác lớn qua các agency (công ty dịch vụ) như JWT, Cheil Worldwide, và Young & Rubicam, sinh viên được thực hành ngay những kỹ năng và kiến thức thiết thực cho công việc.
Điều gì đặc biệt nhất trong các lớp học của cô?
Tôi cho rằng điều đặc biệt RMIT hỏi đó là kiến thức thực tiễn.Tôi luôn cố gắng chứng minh cho sinh viên thấy những kiến thức trên giảng đường có thể ứng dụng vào thực tiễn như thế nào qua những ví dụ và trải nghiệm cá nhân.
Cô có thể mô tả phương châm giảng dạy của mình trong 3 từ?
Phương châm của tôi là “6 chữ T”: Thức thời – tương tác – thực tiễn.
Kinh nghiệm nào đáng nhớ nhất trong những năm làm việc ở lĩnh vực marketing/ truyền thông của cô?
Có lần nọ tôi được một người bạn mời mua điện thoại với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Một trong số đó là việc trở thành thành viên cao cấp với nhiều đặc quyền từ thương hiệu. Và tôi là người đã nghĩ ra ý tưởng “hội thành viên” cho hãng điện thoại đó cùng với nhóm của mình. Thật vui khi thấy ý tưởng của mình hiệu quả và “đánh trúng” khách hàng tiềm năng.
Điều gì khiến cô thấy hào hứng nhất ở ngành này?
Mỗi ngày làm truyền thông là một ngày hoàn toàn mới: thử thách mới, con người mới, công việc mới và cả nhiều địa điểm mới.
Khi nào mới là thời điểm thích hợp để học truyền thông?
Học truyền thông không bao giờ là quá trễ vì đó là nhân tố quan trọng của mọi lĩnh vực ngành nghề. Lấy đại dịch Covid-19 làm ví dụ, chúng ta phải công nhận chiến lược đẩy lùi dịch bệnh của nhà nước ta thành công tốt đẹp một phần là nhờ truyền thông hiệu quả.
Theo cô, tố chất như thế nào thì hợp để theo đuổi ngành này?
Có nhiều lời đồn rằng ngành này chỉ hợp với những bạn trẻ hướng ngoại – điều này là không đúng.
Miễn là học sinh tò mò và có hứng thú với con người, thích sự khác biệt khi làm việc trong một tập thể, thì đây chính là lĩnh vực dành cho các em.
Cô có thể gửi gắm vài lời khuyên cho các bạn học sinh muốn theo học Truyền thông chuyên nghiệp tại RMIT không?
Các bạn học sinh nên hình thành thói quen đọc. Cho dù bận đến mấy với lịch học, hãy cố gắng dành 10 phút mỗi ngày để đọc. Các bạn có thể đọc tin tức hoặc cập nhật tình hình thời sự một chút. Tuy vậy, phụ huynh nên khuyến cáo các bạn đừng chỉ “đọc cho vui” mà hãy tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau để hiểu sâu từng câu chuyện một cách đa chiều nhất.
Khi vào đại học, tư duy phân tích phản biện còn quan trọng hơn cách các bạn sử dụng ngôn từ. Điểm IELTS cao là tốt, nhưng chưa đủ để là một sinh viên truyền thông giỏi.