“Đến với nhau là sự khởi đầu, ở bên nhau là phát triển, có thể làm việc cùng nhau là thành công” – Henry Ford
Nếu được hỏi, phần lớn chúng ta khá ngại làm việc nhóm. Nguyên nhân sợ làm việc nhóm khác nhau ở mỗi người, nhưng nguyên nhân chung nhất có lẽ là sợ làm việc với người khác mình. Người đó giỏi hay dở? Có bất đồng ý kiến với mình không? Khi mâu thuẫn xảy ra thì giải quyết thế nào? Nỗi e dè này nếu không được khắc phục sẽ biến thành trở ngại rất lớn cho sự nghiệp hiện tại và tương lai, bất kể bạn làm việc ở ngành nghề nào đi nữa. Chính vì vậy, sinh viên RMIT được đặt vào môi trường làm việc nhóm thường xuyên và được dạy các phương pháp làm việc nhóm hiệu quả.
Sau đây là một trong số những nội dung học về làm việc nhóm của sinh viên RMIT, về 4 giai đoạn phát triển của một nhóm, và những chuẩn bị cần thiết cho từng giai đoạn để bạn tham khảo:
- Giai đoạn “trăng mật”: khi nhóm mới hình thành, mọi người chỉ mới biết nhau nên ai cũng lịch sự tử tế. Ở giai đoạn này, bắt buộc phải soạn ra “nội quy nhóm”, tức những cung cách hành xử nào được khuyến khích, khi có tranh cãi sẽ xử trí ra sao. Ví dụ, mọi người phải lắng nghe trước khi trả lời, không tấn công cá nhân…
- Giai đoạn “bão tố”: đây là lúc mâu thuẫn bắt đầu, những khác biệt bắt đầu va chạm nhau, tranh cãi xuất hiện từ nhỏ đến lớn. Đây là lúc phải chiếu theo nội quy nhóm để hành xử, nếu không công việc sẽ thất bại hoặc nhóm có nguy cơ tan rã.
- Giai đoạn “nhịp nhàng”: đây là lúc bão tố đi qua, các thành viên đã hiểu nhau hơn, quen thuộc cách làm việc của nhau nên phối hợp nhịp nhàng, ít nảy sinh mâu thuẫn hoặc nếu có cũng được giải quyết nhanh gọn. Thời điểm này khả năng làm việc của nhóm ở đỉnh cao.
- Giai đoạn “giải tán” hoặc “tái khởi động”: sau khi xong nhiệm vụ, các ràng buộc trong nhóm cũng chấm dứt. Hoặc sau khi làm việc cùng một thời gian, nhóm bắt đầu xuất hiện sự lơ là, nhàm chán. Lúc này, hoặc nhóm sẽ giải tán, hoặc phải có một yếu tố mới xuất hiện (ví dụ thành viên mới, dự án mới), và mọi việc sẽ quay lại điểm bắt đầu.
Làm việc nhóm không nên trở thành nỗi sợ, sự hên xui hay “chịu đựng” cho qua. Nếu được trang bị đủ kỹ năng và kiến thức, làm việc nhóm sẽ là những cơ hội học hỏi quý báu, đưa hiệu quả công việc lên cao và cho ta những người bạn mới. Đây là điều mà đại học RMIT đang làm cho sinh viên của mình, để các em thoải mái, tự tin khi làm việc nhóm, sẵn sàng cho sự nghiệp tương lai của mình.