Các bậc làm cha mẹ luôn coi những lời trách mắng là liều “thuốc đắng dã tật” giúp con nhanh chóng sửa chữa lỗi lầm. Thế nhưng, ranh giới giữa sự thành thật và gây tổn thương là rất mong manh. Nhận ra đâu là lúc nên phê bình, đâu là lúc nên giữ lặng im là bài học cần thiết cho cả cha mẹ và các con.

Trong công việc, thẳng thắn sẽ tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả giao tiếp. Con không thể né tránh lỗi sai khi quên làm bài tập hoặc nộp chậm bài thu hoạch. Tương tự, ở môi trường làm việc sau này, con cũng cần tôn trọng kỉ luật chung và biết cách góp ý với “đồng đội” của mình. 

Tuy nhiên, cá tính thẳng thắn ấy rất cần đi kèm sự tinh tế. Bởi chúng ta không phải là những cỗ máy răm rắp tuân theo những mệnh lệnh cài sẵn. Chúng ta có lúc mệt mỏi, có lúc thất vọng. Chúng ta là con người với những cảm xúc nhiều biến động của mình. 

Vì thế, con nên thông cảm cho người bạn cùng đội chưa kịp luyện phần thuyết trình vì tối qua mẹ bạn ốm. Con cũng cần tế nhị để ngăn lại lời chê: “sao dạo này béo thế” với cô bạn đang vật lộn với thực đơn ăn kiêng của mình. Để biết khi nào nên thẳng thắn, con chỉ cần hiểu thêm về những người xung quanh mình và học cách chấp nhận những lí do riêng của họ. 

Cha mẹ nên làm gương cho con từ chính hành động của mình – lắng nghe con nhiều hơn, lựa chọn thời điểm phù hợp để góp ý, chọn từ ngữ nhẹ nhàng hơn, và quan trọng hơn cả, hiểu rằng, chính con cũng đang rất nỗ lực để trưởng thành hơn mỗi ngày. 

Bởi, tôi vẫn nghĩ rằng, “cha mẹ chỉ đang nói thẳng để con tiến bộ thôi” chưa bao giờ là một lí do tốt để làm tổn thương những cô cậu tuổi teen đầy nhạy cảm này. 

Vậy, theo anh chị, chúng ta nên dạy con theo cách nào? 

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.