Khác với thế hệ của cha mẹ, tấm bằng đại học như tượng trưng cho tấm vé thông hành để tiến tới một cuộc sống thành công và hạnh phúc, thì thế hệ ngày nay lại đang băn khoăn không biết liệu bản thân có thực sự cần bằng đại học hay không. Đây là một câu hỏi không dễ để nhanh chóng tìm ra câu trả lời. Nhưng việc hiểu đúng và đủ về ý nghĩa của tấm bằng đại học thì hoàn toàn có thể mang đến cho tất cả chúng ta một cái nhìn sáng suốt hơn.
1. Tấm bằng hay tấm vé thông hành?
Sống trong thời đại công nghệ, sự bùng nổ của internet khiến con có thể học hỏi gần như mọi thứ con muốn trên đời. Và điều đó đôi khi khiến con có suy nghĩ rằng liệu việc đến trường đại học và nỗ lực chỉ vì một tấm bằng có thực sự cần thiết? Đây là nỗi băn khoăn không chỉ với bản thân con và các bạn trẻ, mà còn là của cả những công ty lớn và nhà tuyển dụng. Liệu bằng đại học có nên là yếu tố bắt buộc khi tuyển nhân sự mới vào công ty, hay chỉ cần đánh giá năng lực và thái độ là đủ?
Sự băn khoăn này có thể khiến cha mẹ ngạc nhiên, nhưng đó là bởi cha mẹ chưa thực sự hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của tấm bằng đại học. Cho dù là bằng đại học hay bất cứ thứ gì trên đời, mọi thứ chỉ mang lại giá trị khi con biết vì sao mình cần chúng. Để tấm bằng trở thành tấm vé dẫn đến thành công, con cần biết mình phải đi đâu, muốn làm công việc như thế nào, muốn học hỏi những điều gì suốt quãng thời gian học đại học và muốn sử dụng tấm bằng để khẳng định cho điều gì. Có như vậy, con mới có đủ động lực để thực sự tập trung học hỏi suốt năm tháng đại học.
2. Hành trình tạo nên giá trị, tấm bằng không tạo nên giá trị
Tấm bằng không chỉ là trang giấy in chữ mà nó đại diện cho hành trình dài trau dồi và rèn luyện bản thân của con. Tất nhiên không phải tấm bằng nào cũng giống nhau bởi đại học cho con cơ hội, nhưng giá trị của nó lại nằm ở việc con đã tận dụng cơ hội đó như thế nào và học hỏi được bao nhiêu.
Ví dụ như trường đại học cho con cơ hội gặp gỡ những người bạn có xuất thân từ khắp mọi nơi. Đây có thể là trở ngại, cũng có thể là sự gặp gỡ thay đổi cả cuộc đời. Bởi thông qua việc va chạm với các mối quan hệ khác nhau, cá tính của con sẽ bị tác động mãnh liệt, điều đó có thể khiến con khép mình lại hoặc mở lòng và biết tôn trọng những cá thể đa dạng khác hơn.
Hoặc có thể kể đến những kiến thức chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực mà trường đại học cung cấp, đây là thứ mà những khóa học ngắn hạn hay internet không thể bao quát hết được. Việc tham gia học tập, nghiên cứu và thực hành sẽ giúp con được thử, được sai và rút kinh nghiệm trước khi thực sự áp dụng mọi kiến thức vào công việc. Tuy nhiên có thẩm thấu và mang kiến thức vào thực tiễn được hay không thì lại phụ thuộc phần lớn vào ý thức của con.
3. Vậy, có bắt buộc phải có bằng đại học?
Rất nhiều ngành nghề đòi hỏi chúng ta bắt buộc phải có bằng cấp, điển hình là một số nghề nghiệp liên quan đến y, luật, sư phạm, nghiên cứu v.v… Nếu đây là con đường con lựa chọn, thì việc chinh phục một tấm bằng đại học, thậm chí là nhiều bằng cấp cao hơn nữa là điều cần thiết. Bởi những kiến thức chuyên sâu được đào tạo bài bản xuyên suốt quá trình học đại học sẽ là nền tảng không thể thiếu khi hành nghề sau này.
Tuy nhiên cũng có một số ngành nghề không bắt buộc phải có bằng đại học, như đầu bếp, barista (pha chế cafe), bartender (pha chế rượu)… Để theo đuổi con đường này, con có thể đi học tại cơ sở đào tạo nghề, đào tạo ngắn hạn và cung cấp cho con chứng chỉ hành nghề, hoặc chỉ đơn giản tự học và tự đi làm để trải nghiệm. Nếu con làm tốt, chắc chắn sẽ có người trả tiền cho con. Trong trường hợp con lựa chọn chinh phục những nhóm ngành này, con cũng có thể cân nhắc theo học cử nhân các ngành có liên quan gần, ví dụ Quản trị Du lịch và Khách sạn nếu con muốn làm về Du lịch hoặc Nấu ăn, hay Khởi nghiệp cũng là một ngành tiềm năng, bởi sớm muộn trong tương lai, con cũng sẽ muốn có một doanh nghiệp riêng về lĩnh vực mà mình lựa chọn. Nếu đi theo con đường này, hãy lưu ý đến chất lượng kiến thức và kỹ năng mình thật sự nhận được thi theo học tại các trường đại học, thay vì chỉ chú ý đến tấm bằng.
Không ai có thể ép con chăm chỉ học tập và rèn luyện khi con thật sự không muốn. Do vậy thay vì vội vàng lãng phí thời gian, tiền bạc vào một tấm bằng chưa rõ dùng để làm gì, thì điều quan trọng trước hết cha mẹ nên làm vẫn là cùng con xác định mục tiêu nghề nghiệp và từ đó lựa chọn một con đường phù hợp nhất.
4. Hành trình có thể đến từ bất cứ đâu
Không phải ai cũng dễ dàng xác định được bản thân muốn trở thành ai và làm gì vào thời điểm tuổi đời còn rất trẻ. Ngay cả con cùng các bạn trẻ đều đã và đang trên hành trình hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Mục tiêu của con có thể là một sự nghiệp, hay cũng có thể chỉ đơn giản là cải thiện các kỹ năng, mở rộng mối quan hệ hay tìm hiểu bản thân mà thôi. Hành trình đó có thể là đại học hoặc không, nhưng tất cả đều chỉ có ý nghĩa khi con chịu trải nghiệm, chịu vấp ngã và học được bài học.
Đối với những công ty hay nhà tuyển dụng, chắc chắn họ cũng sẽ có những tiêu chuẩn để chọn lựa các ứng viên của riêng mình. Bằng đại học không phải tất cả, con hoàn toàn có thể thuyết phục những nhà tuyển dụng bằng toàn bộ nhiệt huyết và năng lực của mình. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào tính chất công việc và hoàn cảnh khác nhau, con cũng vẫn có thể lựa chọn việc sở hữu một tấm bằng đại học để rút ngắn quãng đường dẫn đến một công việc phù hợp.
Kết lại, mỗi con đường sẽ mang lại điều hay và những bài học riêng. Và đáp án đúng nhất cho câu hỏi “Có cần bằng đại học hay không?” chỉ có thể là: Bằng đại học là sự công nhận cho những trải nghiệm và kiến thức của con, nhưng con có thể làm gì với tất cả những kiến thức và trải nghiệm đó mới là sự công nhận lớn nhất của cuộc đời. Thay vì lo lắng với những băn khoăn của con trẻ về sự cần thiết của bằng đại học, cha mẹ hãy cố gắng thấu hiểu và khuyến khích con hết mình học hỏi dù ở bất cứ đâu.