Ngày nay, dẫu điều kiện học tập của các con đã tốt hơn rất nhiều so với thế hệ của cha mẹ, việc lựa chọn và phát triển nghề nghiệp từ sớm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bài viết này sẽ phân tích 3 lý do chính khiến các con còn lúng túng trong những bước đầu tiên vào thế giới nghề nghiệp này, từ đó giúp cha mẹ hiểu và hỗ trợ con một cách hiệu quả hơn.

Cân bằng giữa kiến thức và kỹ năng trong chương trình giáo dục

Ở Việt Nam, chương trình học thường chỉ chú trọng vào việc giảng dạy kiến thức, nhằm giúp con vượt qua được các kì thi sát hạch, tuyển sinh then chốt. TS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, cho rằng “sau 2 lần giảm tải, chương trình giáo dục Việt Nam đã linh hoạt, khoa học và hợp lý hơn, nhưng vẫn còn những phần nội dung quá tải… Bên cạnh đó cũng có những nội dung đang bị thiếu tải.” Trong đó, định hướng nghề nghiệp chính là một trong các chương trình còn chưa được xem trọng đúng mức. Kết quả là nhiều con có thể đủ điểm để vào các trường “top” nhưng học cả năm trời mới phát hiện ra đây không phải là ngành nghề, môi trường mình thực sự yêu thích và phải bắt đầu lại từ đầu. 

Để có thể giải quyết vấn đề này, cha mẹ nên cùng con chủ động tìm kiếm ngành nghề phù hợp – tham gia câu lạc bộ hoặc trải nghiệm các lớp học thử. Song hành với đó, việc lựa chọn chương trình đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành ở bậc đại học cũng sẽ là một bước đệm cần thiết để con sẵn sàng bước ra thị trường lao động khi tốt nghiệp.

Từ bỏ quan niệm “vào đại học rồi tính”

Ở thế hệ của cha mẹ, lựa chọn nghề nghiệp tương lai bị giới hạn nhiều bởi yếu tố tài chính, sự ổn định. Bên cạnh đó, thị trường việc làm cũng không đa dạng như ngày nay. Vì thế, tới thế hệ của con, mục tiêu định hướng cũng thường bị cha mẹ và nhà trường phớt lờ, hoặc có ý thức phải triển khai nhưng không biết làm thế nào cho đúng. Điều này vô tình khiến các con bỏ lỡ rất nhiều mốc thời gian quan trọng để chuẩn bị tốt nhất cho những bước đầu tiên của sự nghiệp, đặc biệt là vào cuối cấp 3 – thời điểm nên xác định được lĩnh vực mình sẽ theo đuổi. 

Việc bắt đầu chọn nghề nên được triển khai từ cấp 2, cấp 3 – khi con bắt đầu có những tiếp xúc đầu tiên với thế giới nghề nghiệp đa dạng và cũng dần xác định được cá tính, khả năng của mình.

Tìm kiếm và đánh giá kỹ lưỡng các chương trình đào tạo

Ngay cả khi đã xác định được ngành học rồi, tìm được một chương trình đào tạo phù hợp cũng không phải là điều đơn giản. Đặc biệt, với một số ngành, chuyên ngành đặc thù hoặc mới xuất hiện như Công nghệ Đám mây, Học máy, Trí tuệ nhân tạo, Tiếp thị Kỹ thuật số, Quản trị Doanh nghiệp Thời trang, Sản xuất phim Kỹ thuật số, Quản trị Nguồn nhân lực…, các lựa chọn chất lượng cũng sẽ ít đi hoặc vượt quá điều kiện của gia đình. 

Ví dụ, trong ngành công nghệ, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh Phí Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam đang có gần một triệu lao động làm việc trong ngành Công nghệ thông tin nhưng các chương trình đào tạo của ngành này trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng có tỷ lệ tuyển đạt khoảng 10 đến 15% trên tổng số ứng viên. Nhân lực Công nghệ thông tin sau khi ra trường thường phải đào tạo lại ít nhất ba tháng mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Sẽ cần thời gian để cha mẹ và con có thể lựa chọn được một một chương trình đáp ứng được những điều kiện cần thiết về giảng viên, danh tiếng của trường, độ cập nhật của giáo trình, cơ sở vật chất hay học phí. Chính vì thế, để có thể giúp các con có được lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất, câu trả lời luôn là bắt đầu từ sớm. Như vậy, gia đình sẽ có nhiều phương án để so sánh, đồng thời có sự chuẩn bị kỹ càng nhất cho bước đi quan trọng này.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.