Chiến lược ôn thi nước rút dành cho các sĩ tử lớp 12

Thời gian tới được coi là giai đoạn “chạy nước rút” – khi các con bắt đầu bước vào những ngày cuối cùng trước khi kì thi đại học chính thức diễn ra. Trong thời điểm này, việc “nhồi nhét” ôn tập là hoàn toàn không nên. Thay vào đó, cha mẹ nên cùng con vạch ra một chiến lược khôn ngoan để có thể chuẩn bị kỹ lưỡng nhất và đón bắt đúng “đỉnh cao phong độ” khi bước vào phòng thi. 

Ôn nhiều không bằng ôn đúng 

Không phải cứ “lao đầu vào học” là sẽ có kết quả tốt. Ôn tập dàn trải rất mệt mỏi, thậm chí, càng học càng thấy hoang mang. Biết mình nên ôn gì, ôn như thế nào sẽ giúp con bứt phá tốt hơn. 

Cụ thể, khi thời gian không còn nhiều, con cần xác định rõ 2 thứ: mục tiêu điểm số và năng lực của bản thân. Ví dụ, nếu con quyết tâm đạt điểm cao, việc phát triển, đào sâu các nội dung khó lúc này sẽ là cần thiết và đúng lúc. Trong khi đó, nếu con đã được nhận vào một trường đại học quốc tế, chỉ cần đủ điểm tốt nghiệp, việc ôn lại thật chắc các kiến thức cơ bản đã tích lũy sẽ là một lựa chọn ít áp lực hơn.

Đặc biệt, các con học sinh nên xây dựng cho mình lộ trình ôn tập hợp lý – cân bằng giữa thời gian tổng ôn và thời gian luyện đề. Theo đó, giai đoạn tổng ôn là thời gian rà soát lại kiến thức theo từng chuyên đề, dạng đề. Sau khi đã nắm chắc kiến thức, các con cần liên tục luyện đề để biết cách ứng dụng lý thuyết vào bài tập, đồng thời làm quen với cấu trúc và thời gian làm đề. 

Tâm lý ổn định là chìa khoá cho những “bài thi thăng hoa”

Đây là vấn đề tưởng đơn giản nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả bài thi. Có nhiều con vào phòng thi bỗng cảm thấy mình như một người khác – tư duy nhanh hơn, kiến thức “ùa về” dễ dàng. Ngược lại, với những con chưa chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý, việc quên, nhầm lẫn hay hoảng sợ đến bế tắc trong phòng thi là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

Để tránh tình trạng ấy, cha mẹ nên giúp con thư giãn tư tưởng. Không nên thi thử quá nhiều, cũng không nên đọc hay tham gia vào các nhóm trò chuyện theo dạng “đoán đề”, “học tủ”. Việc cần chuẩn bị kĩ là đọc quy chế thi, quy chế tuyển sinh để nắm chắc phương pháp làm bài, chọn được ngành học, môi trường đúng với khả năng và nguyện vọng của mình. Bên cạnh đó, tư tưởng độc lập, tự tin làm bài bằng chính năng lực của mình sẽ giúp ổn định tâm lý khi bước vào phòng thi. Câu nói “Không cần quan tâm quá đến người ngồi bên cạnh, chỉ cần con làm bài hết sức mình là được” vì thế tuy đơn giản nhưng lại có sức mạnh cổ vũ tinh thần rất lớn trong những giây phút quan trọng này.

Chăm sóc sức khỏe cần được ưu tiên 

Những ngày này, gia đình nào cũng ưu ái các con, đặc biệt là trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Nhưng ngoài việc bồi bổ các thực phẩm bổ dưỡng, “không để con phải làm việc gì”, thì rèn cho con một chế độ sinh hoạt khoa học mới là điều thực sự quan trọng. Lúc này, cha mẹ nên sát sao hơn trong việc ăn – ngủ của con. Ôn thi có vất vả cũng không nên bỏ bữa hay liên tục thức trắng đêm. Con cũng không nên dùng nhiều chất kích thích như cà phê, nước tăng lực hay bánh kẹo để chống lại cơn buồn ngủ hay mệt mỏi. Khi cơ thể lên tiếng tức là đã có điều gì đó chưa ổn, cần phải điều chỉnh. Đặc biệt trong một tuần cuối cùng, con nên luyện ngủ từ khoảng 10 giờ tối, dậy vào lúc 5-6 giờ sáng để trí não quen dần với việc hoạt động từ sớm – thích hợp với giờ giấc của kì thi. 

Con người khác máy móc, có lúc căng thì chắc chắn phải có lúc chùng. Giai đoạn học tập để tích lũy kiến thức căng thẳng nhất đã dần qua đi, những ngày cuối cùng này con cần để cho não tạm nghỉ ngơi. Chỉ như vậy, vào lúc cần thiết, con mới có thể “bung tỏa” hết những gì tốt nhất mà mình có được. Đó là chiến lược tốt cho những ngày “nước rút” vốn căng thẳng này. 

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.