Chỉ con cách ứng xử lịch sự trước những lời góp ý

Trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời, cha mẹ có còn nhớ bản thân cũng từng có lúc nghĩ rằng mình “biết tuốt” hay không? Đó là cái cảm giác mình nghĩ mình đã hiểu hết mọi thứ, và khi ấy, việc phải chấp nhận một lời nhận xét hay góp ý từ ai đó thật khó khăn làm sao.

Ngày nay, khi đã trải qua nhiều chuyện hơn và cũng trở thành những người trưởng thành thông thái hơn, có bao giờ cha mẹ nhìn các con và tự nhủ: có vẻ các bạn trẻ này cũng đang bước vào giai đoạn “khó bảo” rồi đây!

Trong bài viết này, RMIT sẽ tổng hợp một số bí kíp để cha mẹ có thể hướng dẫn con biết cách kìm hãm cái tôi cá nhân và nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn. Từ đó, con sẽ dần dần học được cách lắng nghe, cũng như biết cách ứng xử phù hợp khi nhận được những lời góp ý đối với từng trường hợp khác nhau.

Xây dựng tư duy phát triển

Nếu chỉ liên tục khen ngợi những việc làm đúng, nghĩa là cha mẹ đang ủng hộ tư duy phân biệt “phải – trái, đúng – sai”. Đáng tiếc rằng, đây không phải cách tốt để con phát triển. Sự thật là trên đời không phải chuyện gì cũng trắng đen rõ ràng như vậy.

Thay vào đó, mọi việc dù tích cực hay tiêu cực đi chăng nữa, thì cũng đều hữu ích với con. Thay vì gán cho những sai lầm là thất bại, cha mẹ có thể củng cố tư duy phát triển của con bằng cách chỉ ra giá trị tích cực của mỗi lần sai sót. Ví dụ như việc làm sai một bài tập nào đó chính là dấu hiệu cho thấy con cần củng cố kiến thức ở phần này.

Công thức ở đây chính là: khuyến khích khi con tiếp nhận lỗi sai, sửa đổi, và tiến bộ hơn ở những lần tiếp theo.

Nếu sống chung với lối tư duy phát triển, những lời nhận xét hay góp ý chính là công cụ hữu ích nhất giúp đưa con tiến gần hơn với phiên bản tốt nhất của chính mình. Ngay cả trước những lời chỉ trích nặng nề nhất, con vẫn có khả năng nhìn thấy được bản chất và giá trị của nó để học hỏi những bài học.

Luyện tập cách phản hồi

“Hãy giả vờ cho đến khi thực sự làm được” (Fake it till you make it) – một phương châm sống nổi tiếng mang ý nghĩa khuyến khích con hãy giả vờ làm một điều gì đó thật tốt, và rồi sẽ có lúc con đạt được điều đó thật. Phương châm này cũng có thể được áp dụng trong việc hướng dẫn con phản hồi như thế nào ngay khi nhận được lời góp ý.

Thông thường, con có thể sẽ mất bình tĩnh hoặc trở nên nóng nảy ngay sau khi nghe được lời nhận xét về bản thân mình. Với trạng thái tinh thần như vậy, không phải bạn trẻ nào cũng có thể phản ứng một cách bình tĩnh hay chờ đợi đến khi cảm xúc lắng xuống.

Để chuẩn bị cho những tình huống như vậy, hãy cùng con luyện tập trước một số “mẫu câu” khi ở nhà. Ví dụ như:

– “Con hiểu rồi ạ, con cảm ơn”

– “Cảm ơn vì đã chỉ ra lỗi của con để con có thể sửa kịp thời”

– “Đúng là như vậy nhỉ”

Đây không phải một tuyệt chiêu để “đối phó”, chúng sẽ thật sự hữu ích để con giảm bớt áp lực khi rơi vào tình huống chẳng biết phải đối đáp thế nào cho hợp lý. Khi đã có sẵn trong tay những “mẫu câu”, con đã có thể chủ động ngăn chặn một vài cuộc tranh luận không thật sự cần thiết. 

Tìm cách cư xử phù hợp với những tình huống khác nhau

💡Lời phê bình hoặc góp ý đến từ những người lớn

Cha mẹ nên trò chuyện với con một cách chân thành và sâu sắc để nắm bắt được vấn đề. Bởi những lời nhận xét đến từ người lớn có thể mang nhiều tầng nghĩa sâu xa, khiến con cảm thấy nặng nề và khó xử lý hơn, đôi khi sẽ cần sự can thiệp và giúp đỡ từ cha mẹ.

Cụ thể, hãy nói với con rằng bạn biết con đang buồn, thất vọng hoặc tức giận, và rằng có cảm xúc như vậy cũng không sao. Tuy nhiên việc có những biểu hiện tiêu cực đối với mọi người sẽ gây bất lợi cho con trong cuộc sống, và con cần nói cho cha mẹ biết đầu đuôi câu chuyện là như thế nào thì cha mẹ mới có thể hỗ trợ con được.

💡 Lời phê bình hay góp ý đến từ bạn bè đồng trang lứa

Ở đây, cha mẹ nên cố gắng lắng nghe và khuyến khích con nói ra cảm xúc của mình. Tại đây, cha mẹ không nên đưa ra bất kỳ lời bình luận nào trừ phi con chủ động có mong muốn lắng nghe những lời khuyên từ cha mẹ. Thay vào đó, cha mẹ nên đặt những câu hỏi để giúp con đối diện với vấn đề và chấp nhận những cảm xúc mà con đang cảm thấy.

Tiếp đó, thông thường khi một đứa trẻ bị tổn thương, chúng sẽ học được cách làm điều tương tự với người khác. Đây là cơ hội tốt để cha mẹ chỉ cho con về việc lời nói có thể làm tổn thương người khác đến thể nào. Từ đó, giải thích rằng nếu con tức giận và hành động bồng bột, thì sẽ có tận hai người bị tổn thương và khó chịu. Nếu vấn đề không quá phức tạp, cha mẹ có thể để con tự tìm cách giải quyết tình huống này sau đó.

💡 Không phải lời góp ý nào cũng mang ý tốt

Luôn dặn con đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ nếu cảm thấy cần thiết. Bởi không phải ai cũng góp ý vì muốn tốt cho con. Tuy nhiên, nếu không hành xử khéo léo, thì con có thể vô tình bị kéo vào những rắc rối không cần thiết trong cuộc sống.

Cách con phản ứng trước những lời góp ý sẽ phần nào quyết định cách mà mọi người đối xử với con. Chính vì thế, cha mẹ đừng ngần ngại yêu cầu con luyện tập cách đối mặt với những tình huống khó xử ngay khi còn trẻ tuổi!


👇 Đọc thêm các bài viết liên quan:

Hãy dạy con cách “bất lịch sự”

Nâng cao kĩ năng giao tiếp cho con tuổi teen

EQ và tầm quan trọng của EQ trong xã hội hiện đại

👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.