Khi bước vào cuộc sống trưởng thành, chẳng phải ai cũng là một người bạn vui vẻ, tốt tính, và lương thiện. Đến một môi trường mới, bị hiểu lầm, bị nói xấu, bắt đầu một công việc mới, sếp thiên vị, đồng nghiệp cướp công… đều là những giả thuyết có thể xảy ra.

Việc gặp gỡ những con người mới với đa dạng tính cách, hay thậm chí chẳng hợp với con một chút nào là điều đương nhiên sẽ phải đối mặt trong cuộc sống. Có những tình huống con có thể né tránh, nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng dễ dàng như vậy.

RMIT hy vọng rằng các con có thể tìm được những gợi ý hữu ích để ứng xử khi gặp những đối tượng “khó nhằn” trong cuộc sống thông qua bài viết ngày hôm nay. Thay vì phải âm thầm chịu đựng hay đè nén cảm xúc của mình, vẫn có những giải pháp tốt hơn, khéo léo hơn, để con vừa giải quyết được vấn đề mà vẫn vừa có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và phát triển lòng tin giữa các bên vốn đã có sự bất đồng.

Làm gì khi phải làm việc cùng người “xấu tính”?

Người “xấu tính” này có thể là bất cứ ai. Đó có thể là một người bạn cùng lớp có thói quen ngồi lê đôi mách, thích nói xấu, thích can thiệp vào những chuyện không phải của mình. Trong trường hợp tiêu cực hơn, người bạn đó thậm chí còn có thể cố ý gây gổ, tạo mâu thuẫn, bắt nạt con và sẵn sàng dùng mưu kế để thỏa mãn cái tôi cá nhân của mình.

Khi phải học chung lớp, làm chung nhóm với những người như vậy, con có thể sẽ bị xao nhãng và cuốn vào những thị phi không đáng có. Và thậm chí còn có nguy cơ bị “nhiễm” các thói hư tật xấu của họ lúc nào không hay.

Để đối diện với kiểu người này, con có thể tham khảo một số phương án dưới đây:

👉👉 Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa và tìm cách xoa dịu

Khi tìm ra được nguyên nhân sâu xa, con sẽ có nhiều cơ hội khắc phục được vấn đề hơn. Nhìn chung, sự xấu tính của một ai đó thường bắt nguồn từ nỗi sợ hãi. Tuy điều này không đúng với tất cả các trường hợp, nhưng thông thường, họ gây khó dễ cho người khác là bởi họ cảm thấy vị thế của bản thân bị đe dọa. Hoặc có thể họ đang phải đối mặt với nhiều tổn thương tâm lý cá nhân khác.

Với đối tượng này, con có thể xoa dịu tình hình bằng cách thường xuyên thể hiện sự biết ơn và kính trọng. Ngay cả khi có mâu thuẫn xảy ra, thì những hành động tử tế từ trước đến nay vẫn sẽ mang lại lợi thế cho con.

👉👉Xem lại cách hành xử của bản thân

Điều này tuy có thể hơi khó nghe, song không phải lúc nào người bị công kích cũng hoàn toàn đúng. Để kiểm chứng thì con có thể xin ý kiến khách quan từ những người bạn đáng tin cậy khác xung quanh xem bản thân liệu có mắc phải lỗi sai gì trong quá khứ không.

👉👉 Phản ứng công khai để tự vệ

Trong trường hợp đối phương cố ý công kích một cách rõ ràng, ví dụ như trêu đùa quá trớn, hoặc cố tình kể những câu chuyện bịa đặt và sai sự thật để hạ thấp danh dự của con, thì việc tự vệ là hành động cần thiết.

Con có thể nêu tên chiến thuật công kích của đối phương, ví dụ như: “Mình không nghĩ nói sai sự thật về người khác là điều một người tử tế nên làm”. Sau đó tuyên bố rằng bản thân cảm thấy không được tôn trọng và yêu cầu họ dừng lại một cách công khai.

Giải pháp này thường sẽ hiệu quả với những người có tính hung hăng và không được lòng người khác. Họ có thể cảm thấy xấu hổ khi bị lên án ở nơi đông người và sẽ cố gắng không lặp lại hành vi này nữa. Và họ cũng sẽ ý thức được rằng con không phải một người yếu đuối, không biết bảo vệ bản thân. 

Làm gì khi đối diện với người hay căng thẳng?

Những người hay căng thẳng vô cùng nhạy cảm. Cụ thể, đó có thể là một người bạn có tinh thần không ổn định, rất dễ bị xúc động và rơi vào trạng thái mất cân bằng. Đối tượng này không phải người xấu, họ thậm chí có thể là những người rất tốt bụng. Nhưng họ lại rất dễ trở nên gay gắt, căng thẳng khi phải đón nhận lời góp ý hay chỉ trích từ người khác.

Vấn đề của kiểu người này chính là họ có thể gây ảnh hưởng đến sự tiến bộ của cả nhóm, dễ khiến mọi người mất lòng. Họ cũng vì tự ái mà có khả năng sẽ công kích ngược lại người khác. Nhưng vì sự nhạy cảm của họ nên chẳng mấy ai dám đứng ra giải quyết vấn đề, đặc biệt là khi các con con trẻ và sợ phải làm tổn thương người khác. Từ đó khiến mọi hoạt động trở nên miễn cưỡng và không thoải mái.

Một số giải pháp được đưa ra chính là:

👉👉 Diễn tập với một người bạn trung lập

Để chắc chắn rằng mọi hành động của bản thân như giọng nói, cử chỉ không mang tính công kích, phán xét, căng thẳng hay có nguy cơ tác động tiêu cực tới người bạn nhạy cảm đó, con có thể diễn tập trước một người bạn khác và xin nhận xét từ họ. Trong lúc diễn tập, con hãy thoải mái nói hết những ý kiến, tâm tư, tình cảm của bản thân. Sau đó, cùng người bạn của mình rút kinh nghiệm, và thay đổi những phần chưa hợp lý.

👉👉Thấu hiểu cảm giác căng thẳng, động viên, lắng nghe

“Mình thấy cậu dạo này có vẻ rất căng thẳng. Mọi chuyện có ổn không?”

“Dạo này cậu có vẻ bận rộn quá nhỉ, có điều gì khó khăn không?

Bằng cách chia sẻ như vậy, con có thể giúp họ giải tỏa bớt phần nào sự căng thẳng để làm việc hiệu quả hơn. Song, vẫn nên giữ khoảng cách để hạn chế tiêu hao quá nhiều năng lượng cho những câu chuyện của họ.

👉👉 Chia nhỏ những yêu cầu

Thay vì đưa ra một yêu cầu lớn, hãy cố gắng giảm tải mức độ nghiêm trọng của vấn đề xuống bằng cách chia nhỏ những yêu cầu hay mong đợi của con. Điều quan trọng là đừng khiến họ cảm thấy bị quá tải hơn nữa. Ví dụ như khi xảy ra mâu thuẫn, thay vì yêu cầu họ phải xuất hiện để nói chuyện với cả nhóm về vấn đề đó, hãy thử bắt đầu với một lời đề nghị nhỏ hơn như gặp nhau để giúp đỡ về bài tập, hoặc cùng đi ăn và mua sắm. 

Làm gì khi giao tiếp với người “tai hại”?

Kiểu người tai hại ở đây có thể hiểu là những người không chịu lắng nghe, ít nói, kiệm lời, hay chỉ trích người khác nhưng lại có tính lười nhác, trì hoãn và vô trách nhiệm. Nhóm đối tượng này gây rất nhiều khó khăn, và con không thể trao đổi và thống nhất ý kiến với họ từ những vấn đề tiểu tiết, nhỏ nhặt cho tới vấn đề lớn hơn.

Nếu không kịp thời xử lý có thể dẫn đến những mâu thuẫn lâu dài do con liên tục thỏa hiệp và không muốn mất thời gian trao đổi với họ. Tuy nhiên vẫn có một số gợi ý sau đây mà con có thể áp dụng:

👉 Chọn 1 cách diễn đạt đơn giản, ngắn gọn, đúng sự thật

Không nói giảm nói tránh cũng không lòng vòng ngay cả khi đó là tình huống xấu. Đừng ngại thiếu tế nhị với nhóm người này. Bởi thà như vậy thì vẫn còn hơn là không thể hiểu được đúng ý nhau.

Đọc thêm: Hãy dạy con cách “bất lịch sự”

👉 Xác định rõ điểm yếu hay vùng dễ bị tổn thương của mình

Những người tai hại thường rất giỏi trong việc công kích nhắm vào điểm yếu của người khác. Thông qua việc chủ động kiểm soát sự yếu đuối của bản thân, mức độ ảnh hưởng của những đợt công kích bất ngờ có thể được giảm nhẹ đi phần nào.

Ví dụ như thay vì hoàn thành tốt phần việc của mình, người bạn đó lại chỉ trích khả năng lãnh đạo của con, rằng con phân công không hợp lý hoặc không biết để ý đến “hoàn cảnh riêng” của bạn ấy. Nếu con có thể giữ được bình tĩnh, con có thể ý thức được rằng bản thân đã làm hết sức và bạn ấy chỉ đang đổ lỗi thay vì thừa nhận sự thiếu trách nhiệm của mình. Từ đó, con có thể kiểm soát được tình hình, tránh được những cuộc trao đổi ảnh hưởng đến cảm xúc và lệch trọng tâm.

👉 Sử dụng ngôn từ có chừng mực và giọng điệu trung lập

Trước hết, ngôn ngữ là một thứ rất đa dạng. Vì vậy hãy cố gắng sử dụng từ ngữ chừng mực nhất có thể. Đặc biệt là khi trao đổi bằng văn bản, hãy hạn chế tối đã những cách diễn đạt có thể gây hiểu lầm hay chất chứa cảm xúc.

Cuối cùng, giữ một giọng nói trung lập là điều cần thiết để duy trì bầu không khí ôn hòa. Tốt nhất là hãy hành động khi cả hai đang ở trong trạng thái cảm xúc cân bằng. 


👉 Đọc thêm: 3 cách giúp con kiểm soát tốt những mối quan hệ khi trưởng thành | Hai kiểu người điển hình con nên hạn chế tiếp xúc

👉 Đọc thêm các bài viết hay về cách nuôi dạy và làm bạn với con tại ĐÂY

👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.