Khi cân nhắc về chất lượng giáo dục của trường đại học, cha mẹ thường quan tâm tới hai yếu tố “đầu vào” và “đầu ra”. Tuy nhiên, trước xu hướng ôn thi với sự cạnh tranh khốc liệt về điểm số của học sinh, có thể thấy cha mẹ vẫn đặt niềm tin nhiều hơn vào những trường đại học có đầu vào tốt. Vậy suy cho cùng, “đầu vào” hay “đầu ra” mới là tiêu chí xác đáng hơn để đánh giá chất lượng giảng dạy và học tập của một đơn vị giáo dục?
1. Đầu vào tốt tác động như thế nào tới môi trường đại học?
Không thể phủ nhận rằng đầu vào tốt tạo ra một môi trường học tập lý tưởng. Sinh viên có tố chất, có năng lực, có sự ganh đua, từ đó nhìn vào nhau để phấn đấu. Những bạn trẻ này vốn đã có nền tảng tốt, có tư duy vượt trội, có ý chí quyết tâm học hành, nên dù vào môi trường nào, các bạn cũng có thể nắm bắt cơ hội và gặt hái những thành công nhất định.
Lấy ví dụ, một học sinh có khả năng tự học sẽ dễ dàng đạt điểm số cao trong kỳ thi đại học và đỗ vào ngôi trường mơ ước. Ở đại học, bạn sinh viên này dành phần lớn thời gian đọc sách, tự nghiên cứu tài liệu, chủ động đặt câu hỏi cho giảng viên. Những sinh viên năng động hơn có thể tham gia các câu lạc bộ hoặc đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. Khi ra trường, bạn được nhận vào những công ty tốt nhờ kết quả rèn luyện và tham gia hoạt động ngoại khoá. Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy đầu ra xuất sắc này phụ thuộc phần nhiều vào chính bản thân học sinh. Sẽ không có căn cứ xác đáng để đánh giá chất lượng giảng dạy của ngôi trường mà bạn ấy theo học trong trường hợp này.
Vậy nên, đầu vào tốt thường kéo theo đầu ra tốt, nhưng rất khó để xác định điều gì góp phần lớn hơn vào đầu ra này – bản thân học sinh hay chất lượng giảng dạy của nhà trường.
2. Khi nào đầu ra tốt có thể chứng tỏ chất lượng giảng dạy tốt?
Đó là khi chất lượng đầu vào không quá xuất sắc nhưng chất lượng đầu ra lại có sự khác biệt rõ rệt. Sinh viên khi mới vào trường có thể còn đôi chút lười nhác, chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc học tập, hoặc chưa phải là những học sinh xuất sắc vượt trội. Tuy nhiên, môi trường giáo dục tốt sẽ là nơi các con được khuyến khích để tìm ra điểm mạnh của riêng mình, biết mình thích lĩnh vực nào, hợp với các hoạt động gì. Nhờ đó, những sinh viên sẽ có bước thay đổi đột phá sau những năm đại học.
Sự thật là có những bạn học sinh không phù hợp với việc học lý thuyết khô khan, nhưng lại cảm thấy thích thú và có nhiều ý tưởng sáng tạo khi được tự tay thực hiện các dự án nghệ thuật hoặc xử lý các tình huống kinh doanh trong doanh nghiệp. Cũng có những bạn học sinh chịu áp lực quá lớn khi phải học đều các môn dẫn tới kết quả thi đại học không tốt, nhưng lại có niềm say mê bất tận với những con số và ký tự trong bài toán lập trình. Trong những trường hợp này, môi trường giảng dạy hiện đại và cấp tiến sẽ giúp các bạn tìm hiểu bản thân sâu sắc hơn và tiếp cận với những hoạt động, dự án chuyên sâu và thực tiễn hơn. Từ đó, các bạn có cơ hội làm mới bản thân cả về mặt kiến thức và kỹ năng, trở nên tự tin và chắc chắn hơn khi gia nhập vào thị trường lao động sau đại học.
Vậy là, trường hợp đầu vào chưa xuất sắc nhưng đầu ra đáng ngưỡng mộ là một căn cứ hoàn toàn hợp lý để đánh giá chất lượng giảng dạy của nhà trường. Bởi xét cho cùng thì sự thành công và hạnh phúc của mỗi người không đến từ việc “hơn người khác” mà từ việc “hiểu và phát huy khả năng của chính mình.
Câu chuyện chọn trường đại học dựa trên chất lượng “đầu vào” hay “đầu ra” vẫn sẽ luôn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. RMIT tin rằng lựa chọn này nên được cha mẹ cân nhắc dựa trên tính cách và khả năng học tập của các con. Nếu con tự làm chủ được việc học và luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng, con học tập ở môi trường nào cũng sẽ đạt thành quả tốt đẹp. Ngược lại, nếu như con chưa đủ tự giác hoặc chưa có động lực tự vươn lên, việc lựa chọn những trường đại học có đầu ra tốt nên được cha mẹ ưu tiên hơn cả.