“Chẳng lối tắt nào có thể đưa con tới những nơi thực sự đáng tới.” – Beverly Sills

Những điều con đạt được một cách dễ dàng, liệu có để lại trong con cảm xúc gì đặc biệt không? 

Sự lười nhác sinh ra tâm thế ỷ lại. Tâm thế ỷ lại tạo ra hàng loạt những “gói mì ăn liền”: công thức viết mở bài cho đề nghị luận văn học, 3 bước chứng minh một bài hình không gian, mẹo làm trắc nghiệm Tiếng Anh để “ăn” nhiều điểm nhất,… Những “lối tắt” ấy giúp con “ăn bớt” một chút thời gian học bài, nhưng rồi tư duy, kỹ năng và kiến thức sẽ “trôi tuột” đi đâu mất?

Thói quen ở trường học lặng lẽ bám riết theo con cho tới tận khi đi làm. Con chuẩn bị CV để đi xin việc, cũng phải tìm nhanh một bản mẫu trên mạng, tải về mà xào xáo. Con chuẩn bị tài liệu để thuyết trình, cũng phải xin tài liệu cũ từ các anh chị năm trước để “tiết kiệm thời gian” trình bày. Con cần làm nhiệm vụ gì, cũng chăm chăm tìm kiếm “template” (bản mẫu). Những “lối tắt” ấy vẫn giúp con “làm xong công việc”, nhưng liệu đến khi nào con mới có thể trở nên khác biệt và đạt được những thành tích vượt trội?

Trong khi đó, nếu như con chịu khó “đi đường dài”, con sẽ bất ngờ trước những gì mình thu lượm được trên cả chặng hành trình ấy. Con có thể mất công mất sức luyện tập đều đặn và hăng say; con không ngừng học hỏi, trau dồi những kiến thức mới; con không ngại thử thách mình với những nhiệm vụ khó nhằn; con chủ động xung phong tham gia vào những dự án mới. Dấn thân càng sâu, trải nghiệm càng nhiều, kiến thức và vốn sống của con càng phong phú. Thành công sau những cố gắng và nỗ lực không ngừng mới là thứ thành công rực rỡ và đáng nhớ.

Suy cho cùng, con đừng ngại đi đường dài hay đường gập ghềnh gian khó. Thứ gì đến với mình dễ dàng, cũng dễ dàng biến mất. Thứ gì có được sau thật nhiều khó khăn, nhất định sẽ bền lâu. Muốn chạm tới thành công, con đừng ngại việc khó!

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.