Làm thế nào khi con "buông thả"?

Khi con bước vào tuổi dậy thì, sẽ có những giai đoạn khiến cha mẹ đau đầu để hiểu con. Tại sao con không chịu tâm sự với mình? Tại sao điểm kì này của con rớt từ top 10 xuống gần cuối lớp? Tại sao con muốn thử những thứ không tốt như thuốc lá, yêu đương, son phấn? Video ngắn dưới đây với sự tư vấn của chuyên gia tâm lí Nguyễn Thị Tâm (Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Can thiệp tâm lý Hồn Việt) có lẽ sẽ là một lời giải đáp cho bạn.

“Nút thắt” dậy thì

Theo ý kiến từ chuyên gia tâm lý, thực ra những hành động như “thử yêu”, trốn một vài tiết học hay điệu đà hơn không nghiêm trọng đến mức “lêu lổng”, “buông thả”. Đây vốn là những phản ứng tâm lí thông thường khi con bước vào tuổi dậy thì. Bởi lẽ, chớm bước vào giai đoạn trở thành người lớn, con muốn khẳng định bản thân, muốn mình trở nên nổi bật hơn, đồng thời muốn trải nghiệm nhiều hơn trước những điều mới mẻ trong cuộc sống.

Khi không hiểu được tâm lí này, các bậc cha mẹ thường có xu hướng nghi ngờ, cho rằng con hư hỏng, từ đó quản lí, gò ép con quá mức. Với tâm thế “làm con phải nghe lời cha mẹ”, con sẽ phản ứng lại bằng cách vừa tự vệ vừa phản kháng – không cãi nhưng cũng không nghe theo lời cha mẹ. Từ đó, dẫn đến tình trạng xích mích, bất hoà khá phổ biến giữa cha mẹ và con cái mà biểu hiện rõ thấy nhất chính là câu nói “dạo này con bé/ thằng bé nhà tôi về nhà chả nói năng câu nào cả”.

Làm thế nào để “gỡ nút”?

Câu trả lời tuỳ thuộc vào từng tính cách, từng gia đình, tuy nhiên, nhìn chung, các bậc cha mẹ nên để con được trải nghiệm thế giới này – trong giới hạn cho phép. Chúng ta không nên tô toàn màu hồng về cuộc sống trước mắt con. Con cần biết cả những mảng tối trong cuộc sống. Có thể là qua việc thật, có thể chỉ qua các câu chuyện. Khi đặt ra các giới hạn, hãy giải thích cặn kẽ cho con về nguyên nhân của việc đó. Việc cha mẹ dạy dỗ con cái cũng giống như vẽ một bức tranh, cha mẹ hãy vẽ ra các con đường và giải thích. Tôn trọng ý kiến của con thì con cũng sẽ tôn trọng ý kiến của mình.

Vậy, làm thế nào khi con “thử” quá đà? Liệu cha mẹ có nên “dựng tường đóng cổng” để bảo vệ con? Liệu có nên phạt con? Nói như thế nào để con có thể hiểu được vấn đề?

Hãy xem video dưới đây để khám phá câu trả lời.

 

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.