Bắt nạt ảo (cyberbullying) là hình thức đe doạ hoặc quấy rối người khác thông qua các phương tiện công nghệ thông tin. Bắt nạt ảo có muôn hình vạn trạng, từ chửi bới qua internet, gửi tin nhắn thoá mạ, khiêu khích, hay tung video và hình ảnh riêng tư của người khác lên mạng. Tuy là “ảo” nhưng cyberbullying nguy hiểm không kém, thậm chí hơn cả bắt nạt ngoài đời thực. Người bắt nạt ảo được nấp sau màn hình, không sợ bị ai biết danh tính, nên họ thoải mái trút phần tối của bản thân mình lên người khác. Chính vì thế bắt nạt ảo thường dai dẳng, đông đúc và cũng độc ác hơn bắt nạt ngoài đời thực. Những bộ luật xử phạt dành cho bắt nạt ảo còn rất ít, trong khi đó trên thế giới và tại Việt Nam, ngày càng có nhiều nạn nhân – phần lớn ở độ tuổi teen – tự tử vì bị bắt nạt ảo.
Vậy cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con mình trước thực trạng này?
Trước khi cyberbullying diễn ra
Trong thời đại sống chung với công nghệ thông tin, ai cũng có nguy cơ bị bắt nạt ảo. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, sau đây là những cách ba mẹ có thể làm để giúp teen tránh xa cyberbullying.
Cùng con xây dựng giá trị bản thân
Tuổi teen là giai đoạn các con đang định hình chính mình. Mình là ai, mình có tài không, có đẹp không, có được yêu quý không…Các con rất quan tâm đến những gì người khác nói về mình và hình ảnh của mình trong mắt người khác. Thế nên, thay vì để con định hình chính mình bằng đám đông xa lạ trên Internet, ba mẹ hãy làm điều đó cùng con. Quan sát con bằng ánh mắt yêu thương và kiên nhẫn. Chỉ ra và thường xuyên nhắc nhở cho con nhớ những giá trị tốt đẹp nơi bản thân mình. Thừa nhận những thành tựu, điểm mạnh và cả điểm yếu của con. Khen ngợi con đúng việc đúng lúc. Khi con ý thức được giá trị của bản thân mình, mình là ai, mình có điểm mạnh điểm yếu gì, con sẽ không cần lệ thuộc vào sự chú ý hay bị ảnh hưởng bởi sự ghét bỏ trên Internet nữa.
Lắng nghe không phán xét
Nhiều teen cho biết khi giãi bày bản thân trên internet, họ cảm thấy an toàn và được lắng nghe. Trong khi nói với ba mẹ teen sợ sẽ bị phán xét, la mắng và giảng đạo. Ba mẹ hễ nghe con mình nói sẽ rất khó tránh khỏi sự lo lắng, muốn khuyên con, muốn đưa ra giải pháp hay giải quyết thay con. Ba mẹ hãy dặn mình chỉ nghe thôi, và chậm lại một chút trước khi phản ứng. Hãy xem teen đang chỉ muốn nói ra, xin lời khuyên hay cần giúp đỡ. Ba mẹ cũng có thể hỏi lại, “chuyện này ghê nhỉ, mẹ thấy mẹ có thể làm như thế này, con có cần mẹ giúp con không?”, hoặc đặt ra thời hạn “nếu đến tháng sau mà vấn đề vẫn tiếp tục, ba sẽ can thiệp nhé.” Cho teen lựa chọn, và tôn trọng câu trả lời cuả teen. Lắng nghe teen là cả một nghệ thuật, nhưng là bước cực kỳ quan trọng để được con tin tưởng, có chuyện gì con sẽ kể ngay. Nhiều nạn nhân của bắt nạt ảo âm thầm chịu đựng không dám kể với ai, và ba mẹ họ chỉ được biết con mình bị bắt nạt sau khi các bạn tự tử.
Yêu đời sống thực
Dạy con và cùng con tạo ra một đời sống thực phong phú đáng sống để con không rúc vào thế giới ảo. Cho con học nhạc cụ, chơi thể thao, đọc sách, đi du lịch với gia đình. Giảm thời gian con tiếp xúc với internet và công nghệ thông tin, ví dụ tắt wifi vào tối thứ 7.
Con đang bị bắt nạt ảo
Trong trường hợp xấu nhất, bắt nạt ảo đang diễn ra và con bạn là nạn nhân, ngoài tiếp tục thực hiện 3 điều trên, bạn còn có thể làm những việc sau:
Mặc kệ bọn bắt nạt
Hãy tận dụng điều mà kẻ bắt nạt ảo đang tận dụng, đó là ở yên sau màn hình, không đọc, không phản ứng. Những người bắt nạt ảo thường là một đám đông có quá nhiều nỗi nhàm chán và buồn bực, vì vậy họ cần tìm kiếm một nạn nhân để cảm thấy bản thân mình không đến nỗi. Họ không hề quan tâm đến con, tất cả mọi lời lẽ chửi bới họ trút ra đều phản ánh những gì trong lòng họ mà thôi. Bạn và con không cần để tâm.
Tạm thời xa rời Internet
Có thể tạm thời ngắt Internet tại nhà, bảo con tạm khóa các tài khoản trên mạng xã hội. Cho con biết bạn không làm vậy để trừng phạt con, mà ở thời điểm này đây là cách tốt nhất để con được an toàn. Hãy cho con biết bạn vẫn yêu thương và tôn trọng con cho dù mọi người nói gì đi nữa. Tranh thủ thời gian này ở gần con, ăn uống cùng con hoặc đưa con đi chơi.
Bảo đảm an toàn cho con ở đời thực
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, đám đông bắt nạt ảo còn kéo sang cả đời thực, ví dụ là các học sinh cùng trường nói xấu, cô lập và bắt nạt con ở trường. Lúc này ba mẹ cần can thiệp mạnh tay hơn, bằng cách nói chuyện với thầy cô chủ nhiệm, ban giám hiệu hoặc cha mẹ của những bạn bắt nạt. Trong trường hợp bất khả kháng vượt quá sức chịu đựng, có thể cân nhắc chuyển trường cho con. Cái con cần là sự an toàn và yên ổn, không phải là thắng thua với đám đông.
Nhờ pháp luật can thiệp
Nếu mối nguy từ bắt nạt ảo trở nên rõ ràng và đáng ngại hơn, ví dụ phá hoại nhà cửa xe cộ của gia đình hoặc gửi thư hăm doạ tận nhà, thì đã đến lúc bạn nhờ đến sự can thiệp của chính quyền. Dù luật xử phạt cho bắt nạt ảo chưa có, nhưng rất nhiều hành động của người bắt nạt ảo vi phạm luật pháp từ nhẹ đến nặng. Bạn có quyền thu thập bằng chứng bắt nạt ảo và yêu cầu điều tra để bảo vệ gia đình mình.
Ở đời, thứ gì mặt phải càng nhiều thì mặt trái càng lớn. Internet cũng vậy. Ngoài việc là kho kiến thức khổng lồ của nhân loại, Internet còn ẩn chứa nhiều hiểm hoạ và bắt nạt ảo là một trong số đó. Ba mẹ và teen hãy tự trang bị cho mình kiến thức và bản lĩnh để bảo vệ mình, hoặc vượt qua với những bài học đắt giá.