Là cha mẹ, chúng ta luôn muốn điều tốt nhất cho con mình: từ việc giúp con biết phân định phải trái, đúng sai đến việc dạy con trưởng thành về cảm xúc. Ước mơ của hầu hết cha mẹ là con mình sẽ lớn lên với sự tự tin, thông thái, cân bằng về cảm xúc và thích nghi tốt với xã hội.
Mặc dù những mong mỏi của cha mẹ hoàn toàn đúng đắn và lành mạnh, đôi khi cách mà cha mẹ dạy con lại không giúp đạt được những mong mỏi này, thậm chí có thể còn có thể mang hình thức của thao túng tâm lý và ảnh hưởng không tích cực đến sự phát triển của con.
Chúng tôi xin giới thiệu với cha mẹ một bài viết hữu ích nhằm giúp cha mẹ tìm hiểu thêm về chủ điểm này và những cách để cha mẹ có thể tránh được việc thao túng tâm lý con mình từ Thạc sỹ Tâm lý Phạm Thanh Mai, chuyên ngành Tâm lý học Phát triển Trẻ em và Thanh thiếu niên, Đại học Toulouse Jean – Jaurès, CH Pháp, hiện đang là tham vấn viên tâm lý tại Đại học RMIT, cơ sở Hà Nội.
Thao túng tâm lý là gì?
Thao túng tâm lý xảy ra khi một người tìm cách giành và áp đặt quyền lực lên người khác bằng những phương thức giả dối hoặc mang tính bóc lột. Có nhiều hình thức thao túng tâm lý khác nhau. Bài viết này tập trung vào một hình thức phổ biến mà phụ huynh rất có thể đang mắc phải – gaslighting, hay còn được hiểu là một dạng thao túng tâm lý khiến cho người bị thao túng trở nên hoang mang và nghi ngờ chính thế giới quan, cảm xúc hay sự tỉnh táo của bản thân. Cho đến hiện tại, chưa có một thuật ngữ tiếng Việt nào có thể dịch và truyển tải chính xác ý nghĩa của từ gaslighting. Vậy nên, trong bài viết này, tạm thời sử dụng cụm thao túng tâm lý với nghĩa của từ gaslighting.
Với định nghĩa nêu trên, có thể cha mẹ cho rằng chỉ có kẻ xấu mới thao túng tâm lý người khác. Trên thực tế, bất kì ai trong chúng ta cũng có thể vô tình thao túng người khác, cho dù ý định của chúng ta ban đầu là tốt. Chúng ta cùng xem xét ví dụ sau: một người họ hàng thường đem con ra so sánh với con của họ theo chiều hướng “dìm” con xuống. Điều này khiến con bực bội và nói lại với cha mẹ. Cha mẹ cười xòa và nói “Ôi có cái gì đâu. Có thể mà cũng bực. Con đang nhạy cảm quá”. Có thể ý định của cha mẹ lúc đó là giúp con bỏ qua cơn giận và học cách thích nghi với những điều không dễ chịu trong cuộc sống.
Thế nhưng, phản ứng đó của cha mẹ cũng có thể trở thành một dạng thao túng tâm lý ngấm ngầm nếu cha mẹ thực sự chối bỏ sự thật là việc bị so sánh như vậy là bất công và phản ứng giận dữ của con với sự bất công đó là một phản ứng hợp lý (không có nghĩa con được quyền đối xử bất lịch sự với người họ hàng đó! Nhưng con có quyền cảm thấy tức giận). Bên cạnh sự chối bỏ trải nghiệm thực mà con có, trong câu nói trên, cha mẹ còn vô tình “buộc tội” con là nguyên nhân của vấn đề – đó là do con làm quá lên chứ thực ra không có gì cả. Trong khi, trên thực tế, hành vi so sánh khập khiễng của người họ hàng mới là vấn đề ở đây.
Hệ quả của thao túng tâm lý lên con
Hệ quả nhãn tiền của hành vi thao túng tâm lý là khiến cho con trở nên hoang mang và mất tin tưởng vào chính khả năng nhận định và phán đoán của bản thân. Điều này dẫn đến vô số những hệ quả không mong muốn khác chẳng hạn như giảm sút sự tự tin, thu mình, giảm năng lực tìm tòi và sáng tạo.
Việc phủ nhận cảm xúc của con và cho rằng nó là thái quá, về lâu dài, vô tình đẩy con vào xu hướng che giấu hoặc tự phủ nhận cảm xúc của chính mình. Đây cũng là một trong những yếu tố dẫn đến các vấn đề tâm lý thường gặp bao gồm cả lo âu và trầm cảm. Hình dung, con không thể chia sẻ được nỗi buồn hay sự lo lắng của mình với ai vì nỗi lo bị phán xét là “đang làm quá”. Những cảm xúc đó sẽ không được hóa giải mà cứ dồn nén lại trở thành gánh nặng tâm lý cho con.
Điều nguy hiểm hơn nữa nằm ở việc, nếu sự phủ nhận được lặp lại đủ lần, sẽ hình thành ở con niềm tin rằng con luôn sai hay luôn là nguyên nhân của vấn đề. Đây là một yếu tố nguy cơ rất lớn khiến con có khả năng trở thành nạn nhân của những mối quan hệ độc hại với những kẻ xấu chỉ muốn lợi dụng con. Bởi lẽ, thay vì việc nhận ra kẻ xấu đó đang đối xử bất công với con, con có thể cho rằng đó là phần lỗi ở con vì con quá nhạy cảm hay đang quá đòi hỏi.
Những hành vi thao túng tâm lý cha mẹ cần lưu tâm
Phủ nhận cảm xúc:
Thường biểu hiện qua những câu nói “có vậy thôi mà cũng…”, “con đang nhạy cảm quá” hay “sao con cứ phải làm quá lên?” Nhất là trong trường hợp cha mẹ chưa dành thời gian để tìm hiểu vì sao tình huống khiến con cảm thấy như vậy là gì.
Biểu hiện rõ nhất qua câu nói cửa miệng của nhiều bậc phụ huynh “trẻ con thì biết gì”.
Đôi khi, cha mẹ có thể đưa ra những quyết định không hẳn là tốt nhất cho con. Nhưng thay vì công nhận điều đó (việc không hề dễ dàng chút nào!), cha mẹ cố gắng tránh né bằng lời lý giải “đó là vì muốn tốt cho con”.
▪ Đọc thêm: Làm bạn khi con trao đổi việc học, làm cha mẹ khi con cái xin đi chơi
Minh họa rất thường gặp trong đời sống hàng ngày: cha mẹ, có thể vì công việc mệt mỏi mà tâm trạng vốn đã không vui. Về nhà, thấy con đang xem tivi mà chưa cắm cơm (có thể vì giờ bình thường cắm cơm là 6 rưỡi, mà nay mới có 6 giờ nên con chưa cắm), cha mẹ giận dữ và quát con. Con thấy ngạc nhiên và giải thích lại là chưa đến giờ. Cha mẹ, đang sẵn cơn giận trong người, tát con. Sau đó, dù nhận ra mình đã hành xử thái quá, thay vì xin lỗi con, cha mẹ nói rằng “vì con mà lúc đó cha/mẹ mới cáu như vậy” hoặc “nếu con cắm cơm rồi thì cha/mẹ đã không thế”.
Cách phòng tránh các hành vi thao túng tâm lý với con
Hạn chế việc “gán” cho con những “chiếc nhãn” như “lười biếng”, “thiếu ý chí”, “quá nhạy cảm” hay bất cứ “chiếc nhãn” nào khác mang hàm ý quy kết bản chất con là không tốt.
Khi con bày tỏ quan điểm hay chia sẻ về cảm xúc của bản thân, thay vì lập tức “lái” con theo ý kiến của cha mẹ (“con đừng nên như vậy”, “con phải làm thế này chứ”…), cha mẹ có thể thử kìm mình lại một chút, nhắc nhở bản thân rằng đây là trải nghiệm của con và con có lý do để thấy như vậy. Sau đó, cha mẹ có thể tóm lại những gì cha mẹ hiểu từ câu chuyện của con. Cũng có thể đặt câu hỏi để hiểu hơn về tình huống đó, chẳng hạn điều gì ở tình huống đó khiến con cảm thấy như vậy hoặc điều gì khiến con lựa chọn hành động như con đã làm. Điều này vừa giúp con thấy được tôn trọng và thấu hiểu, vừa giúp cha mẹ có thêm hiểu biết về cách con đang xử lý vấn đề của mình. Nếu có điểm nào đó chưa ổn, việc lắng nghe này sẽ giúp cha mẹ có thêm cơ sở để đưa ra lời khuyên hay định hướng cho con.
▪ Đọc thêm: Tạo điểm chung – bí quyết để làm bạn với con tuổi teen
Làm cha mẹ không hề dễ dàng. Công việc có thể mệt mỏi, cuộc sống gia đình có thể áp lực và con cái đôi khi có thể có những cách hành xử thiếu chín chắn. Nhưng cảm xúc của mỗi người trước tiên là trách nhiệm của chính người đó. Và điều này cũng đúng với các bậc phụ huynh. Cha mẹ cần học cách công nhận và tự điều chỉnh các cảm xúc không dễ chịu của bản thân thay vì dồn nó lên con. Một gợi ý khá hữu ích ở đây đó là cha mẹ có thể hít một vài nhịp thở sâu hoặc thậm chí dành một khoảng thời gian một mình nếu đó là điều cần thiết để cha mẹ bình ổn cảm xúc trước khi tương tác với con. Đây cũng là cách cha mẹ làm mẫu cho con trong việc làm chủ cảm xúc của bản thân mình.
👉 Tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các phụ huynh khác
👉 Đọc thêm các bài viết hay về cách Nuôi dạy & Làm bạn với con.