Theo một nghiên cứu năm 2021 của PwC, Creator Economy hay còn được biết đến với tên gọi “nền kinh tế sáng tạo” sẽ vượt xa mức tăng trưởng kinh tế trung bình thế giới 4.6%, qua đó đánh bại mức tăng trưởng của tất cả các nền kinh tế khác khoảng 4.2%. Nền kinh tế sáng tạo là gì mà lại có sức hút và tiềm năng phát triển lớn đến vậy? Cha mẹ hãy cùng RMIT tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Định nghĩa nền kinh tế sáng tạo

Hiểu một cách nôm na, nền kinh tế sáng tạo là nền kinh tế lấy người sáng tạo nội dung (content creator) làm trọng tâm với nguyên lý hoạt động rất đơn giản: bạn tạo ra sản phẩm từ óc sáng tạo của bản thân và kiếm thu nhập từ đó. Sản phẩm đầu ra ở đây rất đa dạng, có thể là những video, những thước phim bạn tự dựng, những bài hát, bản nhạc, khóa học online hay các bài blog, v.v.

Nói đến nền kinh tế sáng tạo, phần lớn các kết quả từ Google trả về sẽ đề cập đến một vài công việc hay nghề nghiệp tiêu biểu như nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội hay KOL (người nổi tiếng / có ảnh hưởng trên mạng Internet). Tuy nhiên, về mặt bản chất, nền kinh tế sáng tạo rộng và có tính bao quát hơn nhiều. Theo định nghĩa và phân loại của UNCTAD (Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển), nền kinh tế và công nghiệp sáng tạo không chỉ gói gọn ở sáng tạo nội dung trên mạng Internet, mà còn bao gồm:

—Sáng tạo di sản văn hóa, bao gồm các biểu hiện văn hóa truyền thống;

— Nghệ thuật thị giác và nghệ thuật biểu diễn;

— Các ngành công nghiệp nghe nhìn;

— Xuất bản và truyền thông in ấn;

— Thiết kế;

— Các dịch vụ sáng tạo, bao gồm quảng cáo và kiến trúc.

Nói cách khác, từng thước phim quảng cáo bạn xem trên tivi, từng mẫu thiết kế áp phích (poster) hay bao bì sản phẩm, từng mẫu váy thời thượng bạn thấy, hay từng bài viết tuyên truyền trên báo mạng… đều là những sản phẩm của nền kinh tế và công nghiệp sáng tạo. 

Triển vọng nghề nghiệp nhóm ngành sáng tạo

Theo kết quả khảo sát trong năm nay của Appota, một đơn vị truyền thông tại Việt Nam, thu nhập của các nhà sáng tạo nội dung có thể lên đến hàng nghìn USD mỗi tháng, thậm chí mỗi tuần, tùy thuộc mức độ nổi tiếng và lượng người theo dõi. Với những nhà sáng tạo nội dung có tần suất xuất hiện dày đặc, việc kiếm được hàng triệu USD trong vòng một vài năm là việc không hề nằm ngoài tầm tay.

Bên cạnh sáng tạo nội dung, Thiết kếTruyền thông cũng là 2 lĩnh vực vô cùng tiềm năng không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thị trường việc làm thế giới. Theo khảo sát về lương của Career Builder, lương tháng trung bình của Thiết kế có 3-5 năm kinh nghiệm tại Việt Nam có thể lên tới 1000-1800 USD, những vị trí quản lý thì mức lương có thể cao hơn nhiều. Còn ở nước ngoài, mức lương thường thấy cũng không thấp, ví dụ ở Mỹ là 60 nghìn đô Mỹ/năm, tại Úc là 80 nghìn đô, hay 38 nghìn bảng tại Anh. Truyền thông cũng là một ngành chưa từng có dấu hiệu hạ nhiệt, bất kể trước hay sau đại dịch. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông Việt Nam, Truyền thông là một trong số ít ngành hiếm hoi tăng trưởng bền vững trong suốt đại dịch COVID, với mức doanh thu đạt 3,4 triệu tỉ đồng trong năm 2021, tăng 9% so với năm 2020.

Có một tin cực vui, đó là theo báo cáo từ Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu (GII), Việt Nam hiện đang nằm trong top 50 nền kinh tế sáng tạo bậc nhất thế giới, sánh vai các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ, và Philippines. Với mức sống ngày càng nâng cao, con người ngày càng ưa chuộng cái đẹp và gia tăng nhu cầu giải trí cũng như tiếp thu nội dung mới mẻ, rất nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán ngành kinh tế sáng tạo tại Việt Nam sẽ tiếp tục có sự nhảy vọt lớn trong một vài năm tới.

Ngoài ra, nhóm ngành sáng tạo có một điểm rất đặc trưng, đó là sự linh hoạt, không gò bò như những nền kinh tế khác. Vì vậy, người làm trong ngành sáng tạo có thể tự do, linh hoạt làm việc về mặt thời gian lẫn không gian. Không hiếm những nhà thiết kế, YouTuber hay KOLs làm 2-3 công việc cùng một lúc, tự do đa dạng hóa nguồn thu nhập mà không bị, hoặc ít bị ràng về thời gian và sức lực cho một doanh nghiệp hay tổ chức cố định. Chính bởi có nhiều nguồn thu nhập, họ sẽ không bao giờ phải lo lắng nếu xảy ra biến cố như mất việc hay doanh nghiệp đóng cửa vì dịch bệnh như những công nhân viên chức văn phòng như đại đa số chúng ta. Bên cạnh đó, thu nhập (bất kể chủ động hay thụ động) từ các công việc sáng tạo đều có tính bền vững và ít rủi ro hơn hẳn các hình thức đầu tư như chứng khoán, bitcoin.

Người làm sáng tạo kiếm tiền bằng cách nào?

Một trong những lý do khiến nền kinh tế sáng tạo được dự đoán sẽ tăng trưởng vượt trội và đánh bại các nền kinh tế khác nằm ở sự đa dạng trong cách tạo thu nhập cho cá nhân và đóng góp vào dòng chảy tiền tệ.

Cụ thể, với những người có tư duy kinh doanh tốt và mong muốn làm chủ, họ hoàn toàn có thể thành lập những doanh nghiệp đi sâu vào sáng tạo như nhãn hiệu thời trang, công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo, đơn vị sản xuất phim, phát hành sách, v.v.

Với những bạn trẻ yêu thích sự ổn định và không có nhu cầu làm chủ, các bạn có thể làm việc tại bộ phận Truyền thông – Marketing tại các doanh nghiệp từ nhỏ tới lớn. Bên cạnh đó, phần lớn các bạn trẻ làm trong ngành sáng tạo đều có ít nhất một trong những kỹ năng như sáng tạo nội dung đa phương tiện, viết lách, thiết kế, dựng phim, chạy chiến dịch truyền thông, v.v. Vì thế, các bạn ít khi chỉ có thu nhập từ một nguồn, mà thường sẽ nhận dự án ngoài để làm và kiếm thêm thu nhập trong thời gian rảnh rỗi.

Với các bạn trẻ yêu tự do, không thích gò bó, họ hoàn toàn có thể làm việc độc lập ở vị trí freelancer hoặc sáng tạo nội dung và phát hành trên các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, nếu thu hút một lượng khán giả nhất định, các bạn sẽ có thể kiếm tiền trực tiếp từ nền tảng (YouTube, TikTok…), nhận booking quảng cáo từ các nhãn hàng, bán sản phẩm sáng tạo như thiết kế, khóa học, bản nhạc, v.v. Nói kiếm tiền từ sản phẩm sáng tạo có tính bền vững là bởi một video, một bản nhạc hay một mẫu thiết kế chỉ cần sản xuất một lần nhưng có thể được đăng tải và được mua (rất) nhiều lần bởi người dùng Internet. Vì vậy, mức thu nhập của người làm sáng tạo không có giới hạn nếu sản phẩm tạo ra thực sự chất lượng và đem lại giá trị.


Đọc thêm các bài viết liên quan:

Hướng nghiệp cho con thuộc nhóm Nghệ thuật theo trắc nghiệm Holland

Chuỗi bài viết: Hiểu đúng về nghề Thiết kế để hướng nghiệp cho con

Trải nghiệm thực tế của sinh viên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp (RMIT)

 Tìm hiểu ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo và ngành Thiết kế Truyền thông số của RMIT

Tìm hiểu ngành Truyền thông Chuyên nghiệp tại RMIT

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.