CẦN VÀ MUỐN: GIÚP CON QUẢN LÝ VÀ CÂN ĐỐI NHU CẦU TRONG CUỘC SỐNG

Chúng ta đang sống trong một xã hội khuyến khích tiêu dùng với rất nhiều quảng cáo thúc đẩy việc mua sắm chi tiêu trên các kênh truyền thông. Trong một xã hội như vậy, việc hướng dẫn một bạn trẻ sắp bước sang tuổi 18 cách chi tiêu và sắp xếp cuộc sống sao cho hợp lý là rất quan trọng.

Cần và Muốn: Khác biệt là gì?

Cần là những thứ quan trọng, bắt buộc phải có để tồn tại. Ví dụ thức ăn, chỗ ở, quần áo mặc. Ngược lại, muốn là tất cả những gì một người thích, tuy nhiên không quá quan trọng đến mức phải có mới tồn tại được. Ví dụ điện thoại iPhone 13 đời mới nhất, siêu xe sang hay quần áo hàng hiệu.

Dạy con giá trị của thời gian và sự làm việc chăm chỉ

Một bạn trẻ cần hiểu được giá trị của những đồng tiền khó khăn mới kiếm được. Tuy nhiên, cha mẹ không nên chỉ ‘ôn nghèo kể khổ’ sau đó vẫn chiều chuộng con bằng những thứ con đòi hỏi. Thay vào đó, hãy ngồi cùng con phân tích về số tiền bỏ ra để mua một món đồ hoặc khuyến khích con làm để đạt được điều con muốn.

Cha mẹ có thể cùng con tính toán 1 giờ của cha mẹ hoặc 1 giờ của con đi làm trị giá bao nhiêu tiền, với một món đồ con muốn mua chia cho số tiền một giờ, con đã bỏ đi bao nhiêu giờ để mua được món đồ đó. Ví dụ, để mua một chiếc iPhone 13 giá 21 triệu, với mức lương 15.000/giờ con đi làm thêm, khi chia ra con cần bỏ ra 1400 giờ làm, tương đương 175 ngày làm việc 8 tiếng để mua được chiếc điện thoại mới. Sau khi phân tích, cha mẹ hãy để con tự quyết định chi tiêu.

▪ Đọc thêm: Dạy con về tiền – tài chính cá nhân khi bước vào đại học | 3 bài học cha mẹ nên dạy con về tiền

Dạy con về sự ưu tiên

Để dạy con về ‘cần’ và ‘muốn’, sắp xếp thứ tự ưu tiên và việc vô cùng quan trọng. Cha mẹ có thể hướng dẫn con sắp xếp thứ tự ưu tiên thông qua rất nhiều cách khác nhau. Ví dụ, hướng dẫn con viết ra danh sách các việc cần làm trong ngày, sau đó sắp xếp theo thứ tự ưu tiên việc nào làm trước, việc nào làm sau. Hoặc hướng dẫn con lập danh sách các món đồ con muốn mua sắm trong năm 2022, hoặc trong tháng, sau đó sắp xếp thứ tự ưu tiên mua của từng món.

Cần và muốn không chỉ giới hạn ở “vật chất”

Khi chúng ta nói về cần và muốn, chúng ta có thể chỉ đang nghĩ tới vật chất hay các món đồ. Tuy nhiên, cần và muốn có thể áp dụng ở các khía cạnh khác trong cuộc sống như các hoạt động hàng ngày hoặc về mặt tinh thần.

Cha mẹ có thể hướng dẫn các con lập ra các hoạt động con thường làm hàng ngày (cả học hành, vui chơi) trong 1 tuần hay 1 tháng vừa qua. Sau đó con tự đánh dấu xem đâu là việc “cần” và đâu là việc “muốn”. Ví dụ “tập thể dục buổi sáng” là việc “cần”, “đi chơi khuya với bạn” là việc “muốn”. Sau đó, con có thể xem xem trong một tuần/tháng qua con đã làm bao nhiêu việc cần và muốn. Có thể tăng việc cần nào thêm không hay giảm việc muốn nào không?

Điều quan trọng là cha mẹ chỉ đóng vai trò hướng dẫn, không nên can thiệp quá sâu và bắt ép con phải làm việc này hay không nên làm việc này. Hãy hướng dẫn cho con các phương pháp kể trên và cha mẹ đóng vai trò đồng hành, đặt câu hỏi và đưa ra ý kiến cá nhân từ góc nhìn của cha mẹ và chấp nhận các quyết định con đưa ra.

▪ Đọc thêm: Lagom – cuộc sống cân bằng khi ta biết đủ


👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác hay đọc thêm các bài viết về Nuôi dạy con.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.