Trên các diễn đàn dành cho học sinh, sinh viên, có không ít bài viết của các bạn trẻ chia sẻ những rào cản mình gặp phải khi mở lời nói với cha mẹ về khó khăn tâm lý của bản thân.
Với một số bạn, đó là việc cha mẹ chưa dành đủ thời gian lắng nghe để rồi đưa đến kết luận “nó chỉ đang làm quá lên”. Với một số bạn khác đó lại là những lời răn dạy được đưa ra chưa đúng thời điểm.
Trong tình huống nào, việc “lệch pha” này giữa cha mẹ và con cái cũng đều tạo ra những căng thẳng nhất định và có thể ảnh hưởng không mấy tích cực tới các bạn đang trải qua khó khăn tâm lý.
Từ phía góc nhìn của cha mẹ, chúng tôi hiểu rằng đây là chủ điểm không dễ dàng để trò chuyện cùng con, và mặc dù cha mẹ nào cũng muốn hỗ trợ con một cách tốt nhất nhưng đôi khi chưa biết phải làm sao.
Chúng tôi xin giới thiệu với cha mẹ một số chỉ dẫn hữu ích nhằm giúp cha mẹ tiếp cận chủ điểm này cùng con từ Thạc sỹ Tâm lý Phạm Thanh Mai, chuyên ngành Tâm lý học Phát triển Trẻ em và Thanh thiếu niên, Đại học Toulouse Jean – Jaurès, CH Pháp, hiện đang là tham vấn viên tâm lý tại Đại học RMIT, cơ sở Hà Nội.
1. Điều chỉnh góc nhìn của bản thân về khó khăn tâm lý
Nhiều bậc phụ huynh có phản ứng né tránh khi con cái đề cập đến khó khăn tâm lý với mình. Điều này có thể do ảnh hưởng của những quan niệm không mấy tích cực từ trước tới nay về vấn đề này. Nếu chúng ta hình dung về khó khăn tâm lý như một đề tài cấm kị hay bế tắc, hẳn nhiên chúng ta sẽ e dè, cảm thấy không thoải mái và có xu hướng “né được đến đâu hay đến đó”.
Trên thực tế, khó khăn tâm lý cũng phổ biến như bất kỳ vấn đề sức khỏe thể chất nào khác. Các vấn đề tâm lý thường gặp như căng thẳng, lo âu hay trầm cảm đều có ở tất cả chúng ta lúc này hay lúc khác. Việc con đang trải qua một vài khó khăn tâm lý lúc này không có nghĩa là các vấn đề đó sẽ mãi như vậy. Điều đó cũng không có nghĩa con “chưa nỗ lực đủ” hay “yếu ớt”. Cùng với sự hỗ trợ phù hợp và kịp thời, con sẽ học được các kỹ năng để đối diện và xử trí các vấn đề này. Một số những kỹ năng về chấp nhận và điều hòa cảm xúc còn có ích cho con trong nhiều phương diện khác của cuộc sống chứ không chỉ về sức khỏe tâm lý, chẳng hạn như con sẽ giải quyết các mâu thuẫn trong các mối quan hệ tốt hơn, duy trì động lực và tính nhẫn nại tốt hơn… Phụ huynh sẽ thấy việc chấp nhận và cùng con đối diện với khó khăn đem lại nhiều lợi ích lâu dài hơn là né tránh.
2. Lắng nghe trước. Đừng vội đưa lời khuyên
Có khi nào cha hay mẹ gặp phải tình huống mình chỉ muốn được nói ra những gì đang khiến mình khó chịu nhưng có một người cứ không nghe xong ra sức bảo mình phải làm thế này thế kia không? Cảm giác của cha mẹ lúc đó thế nào? Hẳn là sẽ khá ức chế phải không cha mẹ? Đó là lý do vì sao khi con chọn chia sẻ với mình khó khăn của con, điều đầu tiên cha mẹ có thể làm là lắng nghe con thay vì bảo con phải làm gì. Cha mẹ sẽ có thời gian để cùng con giải quyết vấn đề sau đó. Thường thì khi con đã có cơ hội được nói ra và lắng nghe, con sẽ ở tâm thế tập trung giải quyết vấn đề tốt hơn. Dưới đây là một vài gợi ý để lắng nghe con tốt hơn:
Tập trung vào con. Nếu cha mẹ đang dở tay làm gì đó, nếu dừng hoạt động đó lại được, hãy dừng và quay sang con. Cử chỉ này cho con thấy cha mẹ thực sự quan tâm. Nếu cha mẹ thực sự không thể trò chuyện với con lúc đó, có thể nói với con cha mẹ rất vui vì con chọn chia sẻ với mình và cha mẹ muốn nói chuyện cùng con sớm nhất có thể. Sau đó, cùng con chọn một khoảng thời gian phù hợp để tiếp tục. Và đừng quên khoảng thời gian đã sắp xếp này.
Phản hồi lại những gì con nói bằng giọng nhẹ nhàng. Cha mẹ có thể thử chia sẻ cảm xúc với con, “Ừ, điều đó đúng là không công bằng với con”, “ừ, thế thì bực thật nhỉ”, “mẹ thấy là con đang khá lo lắng đấy”. Cha mẹ cũng đừng ngại hỏi lại con nếu có điều gì đó chưa rõ ràng.
Đặt câu hỏi. Hỏi thêm thông tin về các vấn đề của con. Khó khăn đó bắt đầu từ khi nào? Có tình huống nào cụ thể khiến con đặc biệt khó chịu hay không? Con nghĩ điều gì sẽ có ích cho con lúc này? Cha mẹ có thể làm gì cho con? Thay vì đưa lời khuyên, cha mẹ sẽ thấy có thể con đã có sẵn khá nhiều ý tưởng để giúp chính mình. Nếu không, việc đặt câu hỏi cũng chính là cách để giúp con động não về cách giải quyết mà không khiến con cảm thấy bị áp đặt.
3. Cùng con thảo luận về phương án giải quyết
Sẽ rất tốt nếu cha mẹ và con cùng thảo luận một chút về kế hoạch tiếp theo. Nếu trong trường hợp cha mẹ thấy con cần có hỗ trợ chuyên nghiệp, hãy cùng con vạch một kế hoạch tìm kiếm các sự trợ giúp cùng một vài mốc thời gian để cả hai bên cảm thấy rõ ràng và chắc chắn hơn mình cần làm gì. Cha mẹ cũng có thể gợi ý con chủ động trò chuyện với mình khi có những thay đổi xảy ra. Ngay cả khi sau cuộc trò chuyện, con cảm thấy ổn và có vẻ không thấy cần thêm sự trợ giúp, luôn luôn là điều tốt nếu cha mẹ khuyến khích con tiếp tục chia sẻ với mình nếu tình huống khác đi hay nếu con gặp phải vấn đề nào khác ngoài khả năng đối diện của con lúc đó.
4. Một vài lưu ý khác cho cha mẹ
- Trong một số trường hợp các bạn có vấn đề tâm lý lâu dài và phức tạp hơn, điều đó không có nghĩa đó là lỗi ở cha mẹ hay là vì cha mẹ đã không nỗ lực đủ để cho con một môi trường phát triển tốt. Các vấn đề tâm lý đôi khi có nguyên nhân rất phức tạp là sự kết hợp của nhiều yếu tố từ bẩm sinh cho tới môi trường.
- Trong một vài trường hợp, nếu nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn hay tính mạng của con, cha mẹ sẽ cần quyết định hành động ngay lập tức. Nói với con về việc cha mẹ lo lắng cho sự an toàn của con và những gì cha mẹ định làm (vd. liên hệ với cơ sở y tế, gọi điện cho trường,…) Điều này giúp chuẩn bị cho con với những gì sắp diễn ra.