chuan bi gi tu cap 3 de hoc thiet ke ung dung sang tao rmit

Nếu con bạn có mắt thẩm mỹ tốt và một tâm hồn nghệ thuật thì “Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo” là một trong những ngành vô cùng thích hợp bởi con sẽ được khuyến khích phát huy óc sáng tạo một cách tối đa. Tuy nhiên, có không ít cha mẹ và các em học sinh vẫn còn lờ mờ về ngành và cho rằng, chỉ cần có năng khiếu là sẽ có thể học tốt ngành học này.

Thực tế có đúng vậy không? Và người trong ngành nói gì về những điều kiện cần và đủ trước khi chính thức nhập học ngành học này? Thầy Manny Ling – chủ nhiệm cấp cao ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo tại RMIT – gợi ý một số điều con cần chuẩn bị từ cấp 3 để học tập hiệu quả ngành này ở đại học.

RMIT không có bài kiểm tra năng khiếu đầu vào. Và chương trình Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo tập trung đào tạo phát triển tư duy sáng tạo thay vì phát triển kĩ năng vẽ hay sử dụng phần mềm. Vì thế, các bậc phụ huynh và các em học sinh không cần lo lắng nếu mình vẽ chưa đẹp hay chưa sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dụng.

Tuy nhiên, nếu các em có thời gian, hãy tranh thủ tìm hiểu thêm một số kiến thức nền tảng về hội họa từ sớm. Tôi được biết một số sinh viên của chúng tôi tự mày mò học vẽ hoặc tham gia các lớp học ngoài từ khi còn học cấp 3. Nhiều bạn còn tạo cho mình thói quen mang theo một cuốn sổ hoặc máy tính bảng để thuận tiện lưu giữ ý tưởng và phác họa mọi lúc mọi nơi. Đây đều là những thói quen “nhỏ mà có võ”, giúp nuôi dưỡng tình yêu dành cho nghệ thuật từ sớm và tạo dựng kho tàng ý tưởng riêng của bản thân.

RMIT không có yêu cầu đặc biệt về tiếng Anh liên quan đến lĩnh vực thiết kế. Các em chỉ cần đáp ứng yêu cầu tiếng Anh đầu vào là IELTS học thuật 6.5 (không kỹ năng nào dưới 6) hoặc tương đương. Chúng tôi sẽ giới thiệu đến sinh viên các thuật ngữ và từ vựng liên quan đến ngành trong suốt quá trình học. Tuy nhiên, không vì thế mà các em nên chủ quan, lơ là trau dồi ngoại ngữ.

Các em học sinh cấp 3 nên học và phát triển toàn diện 4 kỹ năng tiếng Anh để có thể giao tiếp hiệu quả với giảng viên và bạn bè – những người đến từ rất nhiều nơi trên thế giới và sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp. 

Tại RMIT, kết quả học tập của sinh viên sẽ không chỉ được đánh giá qua các tác phẩm mà còn đòi hỏi các em thực hiện các buổi thuyết trình, làm việc nhóm và giao tiếp với khách hàng. Vì vậy, kỹ năng giao tiếp (thông qua lời nói, văn bản, hình ảnh, v.v.) và làm việc nhóm đóng vai trò rất quan trọng trong suốt hành trình học đại học cũng như khi gia nhập ngành công nghiệp sáng tạo sau này. Quản lý thời gian cũng là một kỹ năng mềm quan trọng khác để đảm bảo các bài tập hay sản phẩm được nộp đúng hạn và khối lượng công việc được quản lý một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.


Các em có thể trau dồi những kỹ năng này thông qua các hoạt động ngoại khóa đòi hỏi làm việc nhóm và thuyết trình nhiều để trở nên tự tin, dạn dĩ hơn và quen dần với việc phải làm việc trước áp lực thời gian.

Thật sai lầm khi cho rằng làm nghệ thuật chỉ cần sáng tạo là đủ, không cần nghiên cứu. Thay vào đó, các em nên rèn kỹ năng nghiên cứu, mày mò, tìm hiểu tác phẩm của các nhà thiết kế hàng đầu và học hỏi phong cách, triết lý thiết kế của họ cũng như tự mình nghiệm ra điều gì làm nên thành công của các tác phẩm nổi tiếng.

Tất cả những sách báo, tài liệu về thiết kế đều có thể được tìm thấy trên mạng. Trước khi nhập học, phụ huynh có thể khuyến khích các em tìm hiểu thêm về tác phẩm của một số nhà thiết kế trứ danh như Stefan Sagmeister, Paula Scher, David Carson, Alan Flecther, Hayao Miyazaki, Quentin Blake, Nick Park, Zaha Hadid, Antoni Gaudi, Thomas Heatherwick, John Maeda, Olafur Eliasson, v.v.

Thành công là kết quả của sự chuẩn bị kỹ càng. Mong rằng các em học sinh sẽ có sự chuẩn bị thật tốt từ sớm để gặt hái trái ngọt trên giảng đường đại học! 


👉 Đọc thêm các bài viết liên quan về ngành Cử nhân Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo trên Chuyên trang RMIT & Cha mẹwebsite RMIT

👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.