Một trong những cơ hội rất hấp dẫn và ‘đáng tiền’ khi con học tập tại Đại học RMIT là cơ hội được tham gia chương trình trao đổi sinh viên 6 tháng – 1 năm tại một cơ sở ở nước ngoài.

Với cha mẹ các em sinh viên năm 1 mới vào RMIT chưa rõ về khái niệm trao đổi này, hoặc cha mẹ các em sinh viên có ý định đi trao đổi, việc lên kế hoạch cẩn thận là vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, để con một mình sang nước khác học tập cũng là một sự lo lắng của nhiều cha mẹ vì sự khác biệt môi trường, văn hóa, ngoại ngữ hay lo lắng về khả năng tự lập và thích nghi của con.

Với cha mẹ các em sinh viên năm 1 mới vào RMIT chưa rõ về khái niệm trao đổi này, hoặc cha mẹ các em sinh viên có ý định đi trao đổi, việc lên kế hoạch cẩn thận là vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, để con một mình sang nước khác học tập cũng là một sự lo lắng của nhiều cha mẹ vì sự khác biệt môi trường, văn hóa, ngoại ngữ hay lo lắng về khả năng tự lập và thích nghi của con.

Có nhiều chương trình trao đổi khác nhau về thời gian và địa điểm, phù hợp với nhu cầu riêng của các con. Cụ thể các con có thể dành 1-2 học kì ham gia:

Trao đổi sang cơ sở Melbourne: đây là lựa chọn được nhiều bạn cân nhắc nhất vì cơ hội được học tập tại Melbourne, Úc. Các con vẫn sẽ vẫn ghi danh toàn thời gian tại RMIT Việt Nam khi tham gia chương trình liên thông/trao đổi và tiếp tục thanh toán học phí bình thường cho RMIT Việt Nam.

Trao đổi sang cơ sở Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông: RMIT giảng dạy một số ngành tại một số cơ sở đối tác ở những đất nước trên vì vậy các con cũng có thể tham gia trao đổi nếu thích các đất nước này.

Trao đổi sang đối tác RMIT ở trên 35 đất nước khác nhau: Các đối tác đa dạng từ châu Âu, châu Á, tới châu Mỹ như Pháp, Tây Ban Nha hay Canada, Mỹ hoặc Thái Lan, Hàn Quốc.

Các nội dung tiếp theo dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ kĩ hơn về các bước chuẩn bị khi tham gia chương trình trao đổi sang cơ sở Melbourne.

Điều kiện tham gia chương trình trao đổi cho các con không quá khó, chỉ cần: (1) Hoàn tất ít nhất hai học kỳ (72- 96 tín chỉ) và (2) Đạt được điểm trung bình tối thiểu là 2,0/4,0 tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.

Nếu cha mẹ và các con đã có ý định tham gia chương trình trao đổi sinh viên ngay từ những ngày đầu nhập học, cha mẹ có thể hướng dẫn hoặc khuyến khích các con chuẩn bị sắp xếp lịch trình học môn học nào vào kì nào, để từ đó đạt đủ điều kiện tham gia chương trình và học được các môn học thú vị tại cơ sở trao đổi.

Từ kinh nghiệm cá nhân của tác giả khi tham gia chương trình trao đổi trước đây, tôi để dành những môn học là thế mạnh của RMIT cơ sở Melbourne và những môn học tự chọn để học những môn không có tại Việt Nam.

Nếu cha mẹ không quá rành về các môn học của con, cha mẹ có thể hướng dẫn con tìm đến bộ phận Hỗ trợ sinh viênPhòng Du học và Trao đổi sinh viên của RMIT Việt Nam để các con được các anh chị tư vấn viên tư vấn kĩ hơn. 

Mặc dù khi tham gia chương trình trao đổi con vẫn sẽ đóng học phí tại cơ sở Việt Nam như bình thường, tuy nhiên sẽ có thêm những khoản phí phát sinh bao gồm:

Trước: lệ phí đăng ký, phí khám sức khỏe – bảo hiểm y tế, phí visa, vé máy bay khứ hồi

Trong: tiền thuê nhà, sinh hoạt phí của con trong thời gian con học, tiền học phí

Một số kênh thông tin liên quan đến chi phí tại thành phố Melbourne, Úc – một điểm đến phổ biến của sinh viên RMIT khi đi trao đổi – để cha mẹ có thể tham khảo:

Phí sinh hoạt và thuê nhà (tiếng Việt)

Phí sinh hoạt và thuê nhà (tiếng Anh)

Đối với các em đi trao đổi tại các quốc gia khác, do các điểm đến khá đa dạng ở các nước và các châu lục khác nhau, các con có thể tự tìm hiểu thông tin ở từng điểm đến hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ bộ phận liên quan tại RMIT.

Cha mẹ nên cùng các con viết ra và thảo luận về các con số chi phí này, đây cũng là một cách để cha mẹ dạy các con về việc tự lập trong cuộc sống và biết cách quản lý chi tiêu cá nhân.

Từ kinh nghiệm cá nhân của tác giả, sinh viên cần chuẩn bị khoản chi phí 10,000 AUD đến 12,000 AUD (Đô Úc) cho mỗi học kỳ (6 tháng).

Khi đã xác định được số tiền cần chi, cha mẹ và các con có thể thảo luận về phương án gửi tiền. Tiền mặt hay qua thẻ ngân hàng? Con cầm theo bao nhiêu khi sang, bao lâu thì cha mẹ gửi thêm? Con có dự định làm thêm để kiếm thêm thu nhập hay không?

Trước khi tham gia chương trình trao đổi con sẽ cần đến một số các phòng ban của trường hoặc cơ quan chính quyền để chuẩn bị một số giấy tờ cần thiết. Với nhiều bạn sinh viên công việc này có thể gặp khó khăn và bỡ ngỡ, đây là lúc cha mẹ có thể dùng kinh nghiệm của mình để đồng hành cùng con. Hãy đồng hành nhưng không nên làm hộ tất cả mọi thứ, vì đây là cơ hội rất tốt để cha mẹ dạy con về tính tự lập và chủ động.

Một số giấy tờ cha mẹ và các em cần chú ý bao gồm:

✔️ Bảo hiểm sức khỏe
✔️ Visa (cần scan nhiều giấy tờ (giấy khai sinh, hộ khẩu gia đình, chứng minh tài chính, xác nhận số dư tài khoản,…)
✔️ Vé máy bay
✔️ Bản kế hoạch học tập (nộp cho trường)

Với các giấy tờ phải nộp cho trường, nhà trường đã có Phòng Du học và Trao đổi sinh viên hỗ trợ rất chi tiết, ngoài ra cũng có rất nhiều các công ty tư vấn hỗ trợ về visa và vé máy bay, cha mẹ và các em có thể tham khảo.

Khi hồ sơ giấy tờ đã xong xuôi, đây là lúc cha mẹ có thể hỗ trợ cho con trong việc tìm nhà tại thành phố mà con sẽ tới học. Theo kinh nghiệm cá nhân tác giả bài viết này đi trao đổi tại Úc, các bạn sinh viên tham gia trao đổi thường bay sang Úc trước khi kì học bắt đầu khoảng 2-4 tuần để tranh thủ tìm nhà và thích nghi với môi trường mới.

Với các con mới lần đầu ở riêng, nhiều bạn sẽ bỡ ngỡ về các thủ tục thuê nhà (đặt cọc, nội thất, làm việc với môi giới…), ngoài ra cũng cần cân nhắc các yếu tố về khoảng cách từ nhà đến trường, độ an toàn khu vực thuê…

Đọc thêm: Bí quyết tìm thuê nhà phù hợp tại Melbourne cho con khi đi trao đổi sinh viên

Việc tìm nhà tại các nước/thành phố khác về cơ bản cũng tương tự. Các con có thể tự tìm hiểu thông tin ở từng điểm đến hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ bộ phận liên quan tại RMIT.

Với đa số gia đình, đây có thể là lần đầu tiên cha mẹ và các con sống xa nhau trong một khoảng thời gian dài. Chắc chắn không tránh khỏi những sự bỡ ngỡ, nhớ nhà, cha mẹ nhớ con hoặc ‘shock’ văn hóa mới.

Với các con, cha mẹ hãy hướng dẫn, chuẩn bị cho các con rằng:

✔️ Con sẽ phải tự mình giặt giũ quần áo, nấu nướng, rửa bát, dọn nhà…
✔️ Con sẽ phải biết cân đối tài chính chi tiêu cá nhân
✔️ Con cần có thái độ lạc quan và suy nghĩ tích cực để đương đầu với những sự khác biệt trong thời gian đầu mới sang một đất nước mới
✔️ Con cần sẵn sàng tinh thần cho việc nhớ nhà, nhớ cha mẹ

Cha mẹ hãy cho con hiểu rằng, những bỡ ngỡ ban đầu khi mới đến một đất nước mới là chuyện hoàn toàn bình thường, con có thể yếu đuối, có thể làm sai một số việc nhưng hãy xem đó là một trải nghiệm để trưởng thành.

Với cha mẹ, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần:

✔️ ‘Buông’ con, để con tự lập trong nhiều việc như đã nhắc ở trên
✔️ Quen dần với việc trong ngày có thể không liên lạc nói chuyện cùng con
✔️ Cha mẹ cũng cần lạc quan, tích cực để là chỗ dựa cho con khi con đang gặp khó khăn

Trên đây là một số bước chuẩn bị cho cha mẹ để có thể hỗ trợ các con trong hành trình tham gia chương trình trao đổi sinh viên Đại học RMIT. Chúng tôi hi vọng cha mẹ và các em sẽ có được những thông tin bổ ích và có được một kì trao đổi thật chất lượng.


👇 Đọc thêm các bài viết liên quan:

Bí quyết tìm thuê nhà phù hợp tại Melbourne cho con khi đi trao đổi sinh viên – RMIT & CHA MẸ

Những điều cha mẹ có thể làm để hỗ trợ thời gian con học tập tại nước ngoài 

Cho con du học, cha mẹ lên kế hoạch thế nào để không phải “gồng”?

👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.