Ở độ tuổi của con, sự so đo và đố kỵ có thể bắt nguồn từ những điều rất đời thường như mong muốn sở hữu những thứ bạn bè có mà bản thân con lại không có: ví dụ như sự quan tâm và định hướng của bố mẹ, những món quà đắt đỏ, những chuyến du lịch xa hoa, v.v… Hay đến từ mạng xã hội, rằng mình không đẹp lung linh như người ta, không có thành tích gì để khoe, đăng cái gì lên thì cũng chẳng được nhiều lượt tương tác như bạn bè, v.v…
Mới đầu, những sự so đo, tính toán này tưởng như vô hại, nhiều bố mẹ còn cho rằng chúng sẽ trở thành động lực cho con mà chẳng hay biết rằng không phải đứa trẻ nào cũng cảm thấy như vậy. Có khi những tổn thương khởi nguồn từ sự so sánh lại trở thành vết hằn sâu trong tâm lý, khiến con hình thành thói quen đánh giá, soi xét người khác và không bao giờ hài lòng với cuộc sống của mình.
Tệ hơn nữa, con có thể vì không biết trân trọng những điều mình có, luôn khao khát cuộc đời của người khác mà quay sang trách móc bố mẹ, hà khắc với bản thân và luôn cảm thấy tự ti, thua kém bạn bè. Một thái độ sống như vậy chắc chắn sẽ chỉ mang lại đau khổ.
Việc thế hệ ngày nay mang trong mình tâm ly so đo, hay cảm thấy đố kỵ cũng không phải điều gì lạ. Bởi con sinh ra và lớn lên trong một môi trường thường xuyên phải đối mặt với sự so sánh từ những người xung quanh: từ chuyện học tập, phát triển bản thân cho đến hoàn cảnh gia đình. Chưa kể rằng sự phát triển kinh tế và công nghệ có thể khiến cho hoạt động giao tiếp của con bị gián đoạn. Đôi khi muốn được quan tâm một chút mà bố mẹ đều bận, muốn trò chuyện một chút mà chẳng ai sẵn sàng dành thời gian, có khi con chỉ quanh quẩn cả ngày với bài vở, màn hình máy tính và tâm trạng rối bời của bản thân.
Không phải ông bố bà mẹ nào cũng để ý được nhưng chuyện như vậy, thậm chí còn tạo thêm áp lực cho con bằng cách so sánh con với bạn bè mà không mảy may quan tâm tới xuất phát điểm khác nhau của từng đứa trẻ. Có thể trước đây, bố mẹ cũng từng phải chịu đựng việc bị so sánh để rồi nay vô thức làm những điều tương tự. Thế nhưng nếu bố mẹ không thể mở lòng và thay đổi, rất có thể con sẽ phải mang trong mình sự tự ti, sự phẫn nộ và niềm tin độc hại rằng mình sinh ra đã không giỏi giang như người ta cả đời.
Sự thật là cuộc đời này không có cái gì là không phải đánh đổi để đạt được cả. Tài năng thiên bẩm hay sự chênh lệch về điều kiện tài chính là có thật, nhưng tất cả sẽ mãi chỉ là viên đá thô nếu không được rèn giũa. Khi để sự so đo và đố kỵ xâm chiếm tâm trí, bố mẹ sẽ chẳng bao giờ thấy được sự cố gắng của con, và ngược lại, con cũng không thể hiểu được rằng bố mẹ đã và đang nỗ lực đến thế nào.
Tất cả chúng ta cần hiểu rằng ai cũng chỉ là một con người mà thôi. Họ là chính bản thân họ, chứ không phải một thứ hạng, đẳng cấp hay một danh hiệu nhất thời nào đó. Xã hội là thứ sẽ thay đổi mỗi ngày, và cả con người cũng vậy. Đừng để so đo hay đố kỵ trở thành lý do để làm tổn thương người khác, nếu không có ai đó sẵn sàng dừng lại, thế giới sẽ chẳng thể trở nên hạnh phúc hơn. Hãy tập trung phát triển bản thân thật tốt và rồi ai cũng sẽ có cơ hội của riêng mình!
👉 Đọc thêm các bài viết hay và bổ ích về cách Nuôi dạy con tại ĐÂY.
👉 Tham gia Nhóm RMIT & Cha mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.