Cha mẹ là chủ doanh nghiệp thì hướng con đi học những ngành để sau này về quản lý doanh nghiệp của gia đình; cha mẹ là bác sĩ sẽ hướng con học ngành y… Cha mẹ làm nghệ thuật thì không muốn con theo nghệ thuật do sợ con cực khổ giống như mình. Tất cả những điều trên là những ví dụ điển hình của “bẫy” kinh nghiệm cá nhân, loại bẫy mà nhiều cha mẹ dễ gặp phải trong việc trò chuyện định hướng nghề nghiệp cùng con.
Nếu con ngoan hoặc đồng tình với ý kiến cha mẹ, không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra. Tuy nhiên nếu con phản bác, đi ngược lại với những lời khuyên trên, rất có thể có những xung đột giữa cha mẹ và con cái.
Trong bài viết này, chúng tôi xin được chia sẻ một góc nhìn của anh Lê Tuấn Anh, chuyên gia hướng nghiệp đồng thời là một cựu sinh viên RMIT, tác giả 4 cuốn sách về hướng nghiệp và hiện đang làm quản lý hướng nghiệp tại TopCV – một trong những nền tảng tuyển dụng hàng đầu Việt Nam, để cùng cha mẹ phân tích một vài nguyên nhân và giải pháp để xử lý vấn đề này.
❓❓ VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
Trong hướng nghiệp có khái niệm “cha mẹ trực thăng” (helicopter parent), ý nói về những cha mẹ quan tâm quá mức đến những trải nghiệm và vấn đề của con, đặc biệt là trong việc học. Cha mẹ trực thăng được đặt tên như vậy bởi giống như chiếc trực thăng, họ “bay lơ lửng trên đầu”, giám sát mọi khía cạnh của cuộc sống của con họ liên tục.
Một lý do chính của việc “cha mẹ trực thăng” xuất phát từ tình thương. Thời xưa cha mẹ ra đời khó khăn, không có ai hướng dẫn, vượt qua nhiều thử thách trở ngại mới có được ngày hôm nay. Vì thương và không muốn con phải trải qua những khó khăn đó, cha mẹ mong muốn đảm bảo cho con thành công bằng cách “mở đường cho con”. Cha mẹ có xu hướng nhìn vào những nỗi sợ mình đã trải qua và áp đặt nỗi sợ ấy sang con, từ đó chỉ nhìn thấy điểm yếu kém của con mà bỏ qua các điểm mạnh.
Tuy nhiên, việc “mở đường” sẵn cho con chưa chắc đã là một giải pháp hay. Với thế hệ Gen Z hiện nay (sinh năm 1996 đổ về sau), là một thế hệ rất cá tính và thích có được những lựa chọn của riêng mình, việc “cha mẹ trực thăng” thường làm con khó chịu vì bị kiểm soát và làm xấu đi mối quan hệ giữa cha mẹ và con.
❓❓ GIẢI PHÁP LÀ GÌ?
Hiểu rằng con đang sống trong thời đại số.
Gen Z được xem là thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên trọn vẹn trong thời đại công nghệ số. Một thuật ngữ mô tả Gen Z khác đó là thế hệ “Phigital” (Physical + Digital), được hiểu là với một bạn trẻ hiện nay, không có ranh giới giữa ảo và thật. Cha mẹ cần rất chú ý điều này, để không nói với con những điều như “con đừng tin những điều trên mạng” hay “trên mạng chỉ toàn là ảo”, những điều này không phù hợp với Gen Z.
Nếu như ngày xưa cha mẹ thần tượng các ca sĩ bolero, các diễn viên, thời nay các con thần tượng những người làm YouTube, những người chơi game (streamer). Cha mẹ cần hiểu điều này để không đánh giá những sở thích của con là “lố lăng”, “linh tinh”. Ngừng đánh giá và chấp nhận sự khác biệt là bước tiến đầu tiên vô cùng quan trọng để cha mẹ hiểu con hơn.
Cha mẹ hãy thử tưởng tượng lại xem, nếu không có những vấp ngã, khó khăn trong quá khứ, liệu chúng ta có trở thành người như ngày hôm nay? Vì vậy, nếu chúng ta cứ chăm chỉ “trải thảm” cho con đi, cố gắng “bịt” hết các hố để con không ngã, liệu con có thể trưởng thành hơn hay không? Tôi hiểu rằng cha mẹ nào cũng rất thương con, tuy nhiên cha mẹ đôi khi hãy tập “buông” con ra một chút, cho con không gian để trải nghiệm những điều con thực sự muốn. Cha mẹ có thể kiểm soát phần nào, ví dụ như không để con làm việc phạm pháp, ảnh hưởng đến sức khỏe, còn lại việc có thể thất bại là điều cha mẹ nên để cho con tự do.
Đôi khi con đòi làm một việc gì đó, phản ứng đầu tiên của cha mẹ là tức giận hoặc la mắng con – đây không phải là một giải pháp tốt.
Lấy ví dụ, trong một ca tư vấn hướng nghiệp cùng 1 cặp mẹ-con trước đây, tôi từng được mẹ nhờ nói chuyện với con gái sau khi đã tức giận và mắng con vì con đòi “đi xăm hình ở ngực”. Sau khi hỏi bạn trẻ lý do, bạn nói “con muốn được nổi tiếng và con thấy nhiều chị trên mạng xăm và được nhiều người biết đến”.
Từ câu trả lời này, có thể hiểu rằng vấn đề chính không phải chuyện “xăm hình”, vấn đề ở đây là “sự công nhận” bạn trẻ này đang mong muốn từ xã hội. Khi hiểu được điều này, chúng ta có thể hướng dẫn cho con nhiều cách thức khác để đạt được sự công nhận một cách lành mạnh hơn. Khi cha mẹ và con có thể đối thoại được với nhau, những khác biệt và vấn đề có thể từ từ được giải quyết.
👉👉 LỜI KẾT
Thế hệ trẻ hiện nay là một thế hệ trẻ thích dấn thân, thử nhiều điều mới và đóng góp cho xã hội. Chính vì vậy, có thể các con sẽ muốn theo đuổi những lĩnh vực còn rất lạ lẫm với cha mẹ như truyền thông, thiết kế, sản xuất phim, digital marketing…
Để giúp con hiểu hơn về những lĩnh vực này và cha mẹ biết thêm về lựa chọn của con, cha mẹ và con có thể đọc thêm các bài viết hay về chủ đề Hướng nghiệp tại ĐÂY