Để có được sự tổng hoà hạnh phúc, sức khỏe và sự thịnh vượng trong cuộc đời
“Sức khỏe là sự thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ là không có bệnh hay tật” – đây là định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về sức khỏe con người trong tuyên ngôn Alma Ata năm 1978.
Dựa trên định nghĩa này, RMIT giới thiệu với các bậc phụ huynh và các bạn trẻ mô hình “Bánh xe hạnh phúc” hay 5 yếu tố quan trọng nhất làm nên sức khỏe toàn diện của một con người.
Mô hình này (bao gồm nhiều biến thể khác nhau, chúng tôi đã giản lược thành mô hình như trong hình minh họa) được Tiến sĩ Mark Hyman, Giám đốc Y khoa tại Trung tâm Y tế Chức năng Cleveland Clinic, đồng thời là tác giả của nhiều tác phẩm bán chạy nhất của Thời báo New York Times, nghiên cứu và giới thiệu nhằm giúp mọi người tìm ra gốc rễ của một cuộc sống khoẻ mạnh, hạnh phúc về cả thể chất lẫn tinh thần.
Chúng tôi hy vọng, thông qua việc lưu ý và thực hành tốt năm cột trụ này, mỗi người có thể chủ động kiểm soát và tạo dựng được một sức khỏe thể chất và tinh thần như bản thân mong muốn.
🌱🌱 Dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng mật thiết đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Trong Đông y, đồ ăn thức uống thậm chí còn được coi là thuốc để chữa bệnh và điều dưỡng cơ thể. Nếu bạn muốn có làn da đẹp, hãy giảm bớt các đồ uống có caffein. Nếu cần kiểm soát cân nặng, các chuyên gia khuyên bạn hạn chế tinh bột và đường, tránh xa đồ ăn mang năng lượng rỗng như bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhanh…
Một chế độ dinh dưỡng không lành mạnh có thể là nguồn cơn gây ra các vấn đề từ đơn giản như thừa cân, suy kiệt, trầm cảm, hay nghiêm trọng hơn như tiểu đường, bệnh lý tim mạch, thậm chí ung thư… Hãy tiêu thụ những thực phẩm tươi theo mùa hơn là đồ đông lạnh hoặc chế biến sẵn, chú trọng món luộc hấp thay vì chiên nướng. Hãy học cách thiết lập thực đơn cân bằng cả vi chất và năng lượng, học cách đọc nhãn thực phẩm trước khi nạp vào người.
Ngoài ra, một chế độ ăn uống lành mạnh còn cần đi cùng thói quen ăn uống hợp lý: không ăn quá no, đừng kiêng quá độ, không bỏ ăn sáng, cũng đừng ăn quá muộn lúc đêm khuya…
🌱🌱 Vận động
Có thể bạn không nhận ra điều này nếu bạn ít vận động, nhưng luyện tập thể chất thực sự là liều thuốc tốt nhất cho sức khỏe của bạn. Vận động giúp tăng cường thể lực, tạo cảm giác hưng phấn, thoải mái, giảm tâm lý căng thẳng, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tùy lứa tuổi, thể trạng, sở thích và hoàn cảnh cá nhân, có rất nhiều môn thể thao cho bạn lựa chọn: đi bộ, đạp xe, bơi lội, thể dục nhịp điệu, gym, zumba, khiêu vũ thể thao, múa, cầu lông, quần vợt, bóng bàn, bóng đá…
Trong những ngày dịch Covid đang hoành hành trên thế giới và ở Việt Nam, khi những tin tức không vui mỗi ngày dội về trên truyền thông, đừng quên luyện tập hàng ngày để nâng cao sức đề kháng và giữ cho tinh thần luôn sung mãn.
Cảm xúc và tinh thần
Cơ thể chúng ta phụ thuộc rất lớn vào cảm xúc và suy nghĩ của mình. Khi bạn buồn bã, lo lắng hay căng thẳng, cơ thể phản ứng bằng những biểu hiện như chán ăn (hoặc ăn rất nhiều), cao huyết áp, mất ngủ, tim đập mạnh hay đau dạ dày… Khi bạn vui và phấn khích, não tiết ra endorphine – một loại hormone có thể ức chế cơn đau, giảm trầm cảm hoặc âu lo, tăng cường chức năng não bộ và khả năng miễn dịch…
Để giữ cho tâm lý ổn định, kiểm soát tốt tâm trạng bản thân, chống lại những căng thẳng và phiền muộn, các chuyên gia khuyên bạn hãy nhìn sâu vào chính mình, lắng nghe và tìm hiểu bản thân thật nhiều. Bạn cũng nên học cách suy nghĩ tích cực, tập thói quen chia sẻ cảm xúc với một/những người mà bạn tin tưởng, thực hành các biện pháp mang lại sự bình tâm, ví dụ như yoga, thiền định, nghe nhạc, tập thể thao, hoặc chỉ đơn giản là các bài tập thư giãn và hít thở sâu…
Quan hệ với những người xung quanh
Con người là một phần không thể tách biệt của xã hội. Ai cũng được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong một mạng lưới những mối liên hệ với nhiều người khác. Những mối quan hệ đẹp với người thân, bạn bè, bạn đời, con cái, đồng nghiệp… góp phần nuôi dưỡng tâm hồn ta, giúp ta vượt qua những thử thách trong học tập, công việc và cuộc sống.
Thế nhưng có một nghịch lý là xã hội hiện đại càng phát triển, cuộc sống ngày càng gấp gáp, cái tôi cá nhân càng cao thì con người lại càng có xu hướng thu mình và rời xa nhiều mối quan hệ. Chúng ta ngày càng trở nên cô đơn mà không nhận ra điều đó. Điều này về lâu dài rất nguy hiểm vì sự cô đơn có thể hủy hoại chúng ta từ bên trong và mang lại những hậu quả vô cùng tồi tệ với sức khỏe.
Vì thế dù bận rộn đến mấy, đừng quên dành thời gian cho người thân, bạn bè. Hãy bấm điện thoại gọi cho cha mẹ, dù chỉ để hỏi thăm đêm qua cha mẹ ngủ có ngon giấc không. Hãy gác những áp lực công việc ngoài cánh cửa gia đình, để tối nay cùng con xem trọn vẹn một bộ phim cho tuổi mới lớn. Hãy tâm sự với bạn bè nhiều hơn, vì có thể chính họ cũng đang cô đơn và cần một ai đó kéo ra khỏi những ưu tư khó dứt. Hãy thử tham gia một hoạt động tình nguyện như nấu cháo cho bệnh viện, chăm sóc các em bé mồ côi ở trung tâm bảo trợ xã hội, đăng ký một lớp học kỹ năng hay huy động đóng góp chống dịch Covid…
Mục tiêu cuộc sống
Nếu coi cuộc sống là hành trình thì mục tiêu là điểm đến. Mục tiêu rõ ràng sẽ cho bạn động lực để hành động, giúp bạn nhìn rõ con đường mình sẽ đi. Mục tiêu rõ ràng thúc đẩy ta phải suy nghĩ, vắt óc, sáng tạo hơn, tìm ra cách làm tốt hơn, tận dụng được tối đa các điều kiện sẵn có để đạt được mục tiêu.
Nếu con đặt mục tiêu học hết lớp 12 sẽ vào RMIT, hãy vạch ra được lộ trình học tiếng Anh, hoàn thiện hồ sơ cá nhân, và tìm hiểu các thủ tục để nhập học…
Nếu đặt mục tiêu năm tới đi du lịch Tây Tạng, thì từ trước đó cả năm bạn đã phải chuẩn bị tài chính, tìm hiểu hành trình di chuyển, dịch vụ, mua sắm, thậm chí phải rèn luyện thân thể đủ sức khỏe để trải qua chuyến đi trong điều kiện thiếu oxy ở độ cao trên 4.400m.
Các mục tiêu dù lớn hay nhỏ, ngắn hạn hay dài hạn, dù dễ đạt được hay khó hoàn thành đều có vai trò tích cực, mang lại ý nghĩa và truyền cảm hứng quan trọng cho cuộc sống của mỗi người.
👉 Đọc thêm các bài viết hay và bổ ích về cách Nuôi dạy con tại ĐÂY.
👉 Tham giaNhóm RMIT & Cha mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.