Đã bao giờ bạn tự hỏi mình đang nuôi dạy con theo phong cách nào? Liệu cách quan tâm của mình sẽ giúp con phát triển theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực? Sau khi đọc bài viết dưới đây, RMIT tin chắc rằng bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về những phong cách nuôi dạy con khác nhau và chọn ra cho mình một hướng đi phù hợp nhất.
1. Cha mẹ độc đoán
Nếu quy tắc và các hình phạt là điều đầu tiên bạn nghĩ tới khi nuôi dạy con, có vẻ như bạn rơi vào nhóm “cha mẹ độc đoán”. Đối với những ông bố bà mẹ này, kỷ luật là điều quan trọng nhất giúp con thành công và đứng vững trước sóng gió cuộc đời. Chính vì vậy, cuộc hội thoại giữa bạn và con chủ yếu là phương thức một chiều: bạn đưa ra mệnh lệnh, và con buộc phải nghe theo, dù thích hay không thích.
“Đi ngủ ngay. 11 giờ con phải nằm trên giường.”
“Gập máy tính lại ngay lập tức, nếu không một tuần tới đừng hòng mẹ cho ngồi máy tính.”
“Có thích cãi không? Con cái mà leo lẻo cãi bố mẹ.”
Không giải thích cho con hiểu tại sao phải làm như vậy, cũng không bận tâm tới cảm xúc và suy nghĩ của con, bạn cho rằng phận làm con nghiễm nhiên phải nghe lời cha mẹ. Nhưng có chăng bạn quên mất rằng, nỗi ấm ức và sự tức giận kìm nén lâu ngày có thể gây ra ảnh hưởng không tốt tới tâm lý và tính cách của con?
Con sẽ lớn lên trong tâm thế của một kẻ “lén lút”. Con lén lút xem tivi, lén lút chơi điện tử, lén lút trốn vài tiết học,… và tìm ra mọi cách bao biện để không phải chịu hình phạt từ cha mẹ. Con cho rằng việc nói dối có thể bảo vệ được bản thân mình.
2. Cha mẹ thờ ơ
Ngược lại với nhóm cha mẹ độc đoán, cha mẹ thờ ơ “thả lỏng” con trong mọi tình huống. Họ không đặt ra luật lệ, không theo sát để biết con đang làm gì, ở đâu, đi với ai, và cho rằng con nên “tự lớn”, tự khám phá cuộc sống này mà không cần sự dìu dắt của cha mẹ. Những hành động cụ thể như không kiểm tra bài vở của con, không biết hôm nay con đã làm được những gì, không rõ con chơi với bạn nào trên lớp,… là một trong những biểu hiện của nhóm cha mẹ này.
Điều này chắc chắn sẽ giúp con trở nên tự lập hơn khá nhiều so với các bạn cùng trang lứa, nhưng cũng là con dao hai lưỡi có thể gây phản tác dụng bất kỳ lúc nào. Con còn nhỏ, chưa đủ va vấp để biết nên làm gì trong những trường hợp cụ thể, nên có thể sẽ bị bạn xấu rủ rê lôi kéo, hoặc chểnh mảng học hành dẫn đến những lỗ hổng kiến thức đáng quan ngại, hay đơn giản hơn là thiếu thốn sự quan tâm từ cha mẹ. Con có thể không nói ra, nhưng sẽ không khỏi chạnh lòng khi thấy các bạn thường xuyên được cha mẹ đưa đón, mua cho đồ ăn lót dạ sau giờ học, hay cùng nhau đi mua sắm, cafe, ăn uống vào cuối tuần.
Nếu như tình trạng kể trên kéo dài, con rất có thể sẽ rơi vào trạng thái mất phương hướng, và cần nhiều thời gian để tự lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống. Không những thế, con lại chưa đủ thân thiết với cha mẹ để thoải mái tâm sự hay tìm kiếm sự giúp đỡ, từ đó cảm giác đơn độc ngày một tăng lên và để lại những dư chấn tâm lý nhất định.
3. Cha mẹ nuông chiều con
Nhiều người nhầm lẫn giữa phong cách “cha mẹ thờ ơ” và “cha mẹ nuông chiều con”, bởi hai hướng nuôi dạy này có những điểm chung nhất định, chẳng hạn như việc không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con. Tuy nhiên, nhóm “cha mẹ nuông chiều con” thực chất vẫn đặt ra những quy tắc và yêu cầu thực hiện theo. Vấn đề của họ nằm ở chỗ họ dễ dàng thỏa hiệp với con và bỏ qua những hình phạt khi con không tuân theo quy tắc ban đầu, vì cho rằng “chúng vẫn còn trẻ con lắm”. Có lẽ chính bởi thói quen này mà cái tên “nuông chiều con” được ra đời.
Những ông bố bà mẹ thuộc nhóm này thường có mối quan hệ rất thân thiết với con, đến mức chúng thậm chí coi họ như những người bạn. Điều này tưởng chừng như vô cùng đáng mơ ước, nhưng thứ gì đi quá giới hạn thường không mang lại lợi ích tuyệt đối. Khi con chỉ coi cha mẹ là bạn, con sẽ không nhìn nhận lời khuyên từ cha mẹ một cách nghiêm túc, và chính cha mẹ lúc này cũng không cố gắng phân tích để giúp con đưa ra lựa chọn hợp lý nhất. Họ đặt toàn bộ niềm tin vào cách xử lý vấn đề của con mình. Con làm gì cũng được – đó là tất cả những gì họ nghĩ.
Thiếu đi sự sát sao từ cha mẹ, con có thể hình thành nên những thói quen xấu gây ảnh hưởng tới sức khoẻ và khả năng học tập của mình. Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất mà những đứa con được nuông chiều gặp phải có lẽ chính là cảm giác choáng ngợp trước những luật lệ, quy tắc trong nhà trường và ngoài xã hội.
4. Cha mẹ đồng hành cùng con
Trong 4 phong cách nuôi dạy con, “cha mẹ đồng hành cùng con” có lẽ là phương pháp tối ưu nhất để giúp cha mẹ vừa là bạn, vừa phát huy nhiều nhất vai trò của mình. Không “thiết quân luật” một cách vô lý như “cha mẹ độc đoán”, không để con ngoài tầm mắt của mình như “cha mẹ thờ ơ”, cũng không thuận theo con mọi lúc như “cha mẹ nuông chiều”. Điểm đặc biệt ở nhóm “cha mẹ đồng hành cùng con” là họ biết cách dung hòa kỷ luật với sự thấu hiểu.
Đồng hành là khi họ đưa ra quy tắc, nhưng sẵn sàng giải thích tại sao con cần tuân theo quy tắc ấy. Đồng hành là khi họ đưa ra hình phạt, nhưng vẫn để con được nói ra suy nghĩ của mình. Đồng hành là khi họ ghi nhận cảm xúc của con, nhưng vẫn giúp con hiểu hành vi không nên bị ảnh hưởng xấu bởi những cảm xúc tiêu cực.
Khi được nuôi dạy với phong cách này, con sẽ trở thành một người hạnh phúc và thành công trong chính những quy tắc và định hướng được đưa ra từ cha mẹ. Không chỉ vậy, con còn biết đưa ra những quyết định đúng đắn và tự đánh giá các rủi ro có thể gặp phải, do được đối mặt với những hình phạt mang ý nghĩa tích cực từ nhỏ.
Đừng quá lo lắng nếu như phong cách của bạn đang có những hạn chế nhất định, bởi bạn vẫn có thể thay đổi dần theo thời gian để trở thành những cha mẹ biết đồng hành cùng con. Hãy tận dụng lợi thế của hướng đi cũ, và học hỏi thêm kinh nghiệm từ những phong cách nuôi dạy còn lại. Rất có thể chỉ trong một khoảng thời gian ngắn nữa thôi, bạn sẽ nhận thấy những thay đổi rõ rệt từ cách xử lý vấn đề từ mình cũng như cảm xúc, suy nghĩ và hành vi từ phía con. RMIT sẽ luôn đồng hành cùng cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con, vậy nên đừng ngần ngại chia sẻ nếu bạn cần bất cứ lời khuyên gì từ chúng tôi.
Để học cách thay đổi bản thân và trở thành cha mẹ đồng hành, hãy đọc bài viết “3 nguyên tắc để trở thành cha mẹ đồng hành cùng con”.