– Ba mẹ nhìn này, con đi hội chợ đồ cũ mua được quần áo xinh ghê chưa!
– Hả, sao con lại mua đồ cũ? Nhà ta có thiếu thốn gì mà phải dùng đồ cũ hả con?
– Lỡ lần này thôi, lần sau con đừng mua nữa nhé!
Bạn có bao giờ trải qua cuộc đối thoại như thế này với các con chưa? Dù câu trả lời là có hay chưa, chúng tôi cũng xin được giải thích để ba mẹ có thể hiểu thêm về xu hướng dùng lại đồ cũ rất đáng hoan nghênh này của teen.
Khoảng vài năm trở lại đây, các bạn trẻ từ độ tuổi teen trở lên có xu hướng ưa chuộng dùng lại đồ second-hand (đồ cũ), từ những món đơn giản như sách vở, đồ trang trí, đến máy ảnh, laptop, và cả quần áo, giày dép, túi ví. Các bạn thành lập những diễn đàn trên mạng xã hội Facebook, Instagram… để mua bán hoặc trao đổi đồ cũ cho nhau, thỉnh thoảng còn tổ chức những hội chợ đồ cũ để mọi người đến xem và chọn mua thoải mái. Những bạn trẻ là “tín đồ” đồ cũ này đến từ mọi tầng lớp và hoàn cảnh khác nhau, không nhất thiết phải tìm đến đồ cũ vì kinh tế eo hẹp, mà dù cho điều kiện sống dư giả, các bạn vẫn hài lòng và vui thích khi sử dụng đồ cũ. Lý do là vì sao?
Trước hết là vì môi trường. Các bạn trẻ ngày nay ngày càng có ý thức môi trường cao, bởi ở thế hệ của các bạn, những vấn nạn liên quan tới môi trường ngày càng nghiêm trọng và khẩn thiết. Để làm ra một món đồ mới, người ta tiêu tốn rất nhiều tài nguyên thiên nhiên và thải ra môi trường nhiều chất thải độc hại. Bạn có biết, sản xuất một chiếc áo thun đơn giản cần đến 2700 lít nước sạch, đó là chưa kể các loại nhiên liệu và nguyên liệu khác như điện, xăng dầu hay các loại hoá chất nhuộm tẩy độc hại. Vậy nên, khi các bạn teen hạn chế mua đồ mới mà chỉ dùng lại đồ cũ, các bạn đang bớt đi nhu cầu mua sắm không cần thiết của mình. Các bạn đang nói lên ý kiến của mình bằng việc bỏ một lá phiếu “giảm nhu cầu” lại, về lâu dài, hy vọng “nguồn cung”, tức lượng sản xuất từ các công ty sẽ giảm theo. Nhưng tác động trực tiếp hơn, đó là khi dùng lại đồ cũ, là các bạn đã góp phần tái chế rất nhiều thứ, tránh cho chúng trở thành rác làm gánh nặng lên Trái Đất.
Thứ hai, là vì sự gắn kết giữa một cộng đồng. “Văn hoá đồ cũ” dạy cho các bạn rất nhiều thứ, kể cả việc lịch sự và tôn trọng nhau khi mua bán trao đổi. Không ai cảm thấy mình đang xin-cho hay xấu hổ vì dùng đồ cũ, mà mọi người đều hiểu mình đang giúp những sản phẩm vẫn còn tốt nối dài thêm vòng đời. Bên cạnh đó còn là cảm giác thú vị khi trao đổi đồ cũ, các bạn có thể tìm được món mình đang cần với giá mềm, hoặc những bộ quần áo, đôi giày rất đẹp và có gu mà mình không thể tìm thấy ngay cả trong shop xịn. Có những bạn biết cách phối hợp, tạo nên những trang phục rất chất mà hỏi ra mới biết toàn là đồ “cũ người mới ta”. Nhờ sự ngẫu nhiên và “tuỳ duyên” này mà đồ cũ thu hút và giữ chân không ít bạn trẻ.
Người trẻ chuyển sang dùng đồ cũ dễ dàng nhẹ nhàng, nhưng với người lớn thì khó hơn. Người lớn chúng ta vốn trải qua thời gian khổ, đã tự hứa với mình sẽ cố hết sức lo cho con đầy đủ không thiếu thốn một thứ gì, thế nên không ít ba mẹ dở cười dở mếu khi thấy con hớn hở dùng lại đồ của người khác. Nhưng ba mẹ biết không, có một cộng đồng toàn người lớn thành đạt đến từ những phần rất đủ đầy của thế giới hoàn toàn ủng hộ các bạn trẻ dùng lại đồ cũ, đó là đại học RMIT. Ngoài dùng đồ cũ ra, RMIT thường xuyên tổ chức các hoạt động vì môi trường nói không với đồ nhựa, dọn rác các khu vực sinh thái trong khu vực, và còn có câu lạc bộ môi trường của các sinh viên hoạt động rất sôi nổi. RMIT muốn sinh viên của mình có ý thức về môi trường ngang bằng các nước cấp tiến trong khu vực. Cho con theo học tại đây, hy vọng ba mẹ cũng sẽ quan tâm và hành động vì môi trường cùng thầy trò chúng tôi tại RMIT nhé.
Giang Trần