Bạn đã biết cách dạy con nhận diện và thấu hiểu cảm xúc?

Ai cũng biết những từ vựng mô tả bản thân như “vui”, “buồn”, “giận dữ” nhưng ít người có khả năng mô tả sâu hơn về cảm xúc của mình. Vậy đâu là những lợi ích khi con biết cách thấu hiểu cảm xúc của bản thân? Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con phát triển kỹ năng này ngay từ tuổi vị thành niên? Bài viết dưới đây sẽ đem đến những gợi ý cụ thể. 

Mọi cảm xúc đều đáng quý 

Cảm xúc có thể chia thành hai loại: cảm xúc mang tính tích cực như vui vẻ, tự tin, biết ơn… và cảm xúc mang tính tiêu cực như buồn bã, giận dữ, xấu hổ hay lo âu… Chúng ta thường có xu hướng né tránh loại cảm xúc thứ hai và cho rằng không nên thể hiện chúng trước mặt người khác. 

Tuy nhiên, trên thực tế, cả hai loại cảm xúc này đều là những diễn biến tâm lý hết sức bình thường với mỗi người. Không có cuộc đời nào toàn những cảm xúc tích cực. Cũng không có cảm xúc nào là xấu, khiến chúng ta phải kìm hãm hay hoàn toàn giấu đi. Đôi khi sự thất vọng hôm nay lại là động lực cho những nỗ lực vượt bậc sau này. Đây là điều các bậc cha mẹ nên nói với con càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong tuổi dậy thì nhiều “suy tư” này.

Sức mạnh của việc quản lý cảm xúc

Việc quản lý cảm xúc tốt sẽ đem đến cho con những lợi ích trên cả 3 phương diện – hạnh phúc cá nhân, các mối quan hệ và cả sự nghiệp.

  • Trong đời sống thường ngày, việc nhận thức cảm xúc của chính mình sẽ khiến con hiểu và yêu thương bản thân mình nhiều hơn. Ví dụ, khi nhận ra mình đang ở trong tâm trạng bực bội vì giao thông ùn tắc, con sẽ tự có những “món quà xoa dịu” nho nhỏ cho chính mình như một cốc nước mát hoặc 15’ nghỉ ngơi thay vì lờ cảm xúc kia đi, đem ngay tâm trạng “hầm hập” đó vào công việc và càng thêm căng thẳng, tức tối trong suốt cả buổi. 
  • Với các mối quan hệ, việc nắm được cảm xúc càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. “Điểm chết” của rất nhiều mối quan hệ, trong đó có cả liên kết giữa cha mẹ – con cái, là hai bên tự kìm nén hoặc không thể nói ra được cảm xúc của mình và khiến đối phương lâm vào tình trạng hiểu nhầm. Con cần học cách lắng nghe bản thân để biết được mình muốn gì, học cách gọi tên những cảm xúc của chính mình – dù chúng là yêu thương hay ghét bỏ, thất vọng – và giải thích nó với những người xung quanh. Có như vậy, các mâu thuẫn mới được giải quyết và tình cảm có cơ hội được tỏ bày. 
  • Trên hành trình phát triển sự nghiệp, những cá nhân có thể nhận thức được cảm xúc của bản thân, từ đó biết điều chỉnh để cư xử đúng mực sẽ có những lợi thế lớn. Con sẽ biết cách bày tỏ cảm xúc đúng lúc, đúng chỗ, biết khi nào mình đang trong tâm trạng không tốt để giữ lặng im. Có thể nói, quản lý cảm xúc cá nhân là một trong những bài học vô cùng quan trọng khi con bắt đầu bước chân vào môi trường làm việc phức tạp sau này. 

Xây dựng khả năng thấu hiểu cảm xúc 

Thấu hiểu cảm xúc không phải là điều có thể làm ngay trong 1-2 ngày mà cần có thời gian để con rèn luyện. Cha mẹ có thể gợi ý con hình thành 3 thói quen sau:

  • Tự hỏi bản thân về những cảm xúc đã trải qua trong ngày: Đây là bước đầu tiên – nhận diện cảm xúc. Con có thể thử đặt tên cho một ngày của mình, càng chi tiết càng tốt. Ví dụ, trước một bài kiểm tra quan trọng, cảm xúc trong con là lo âu, hồi hộp nhưng cũng có một phần háo hức vì sau đó là cả tuần xả hơi. Hay đơn giản là cảm xúc bâng khuâng, vui vẻ suốt cả ngày đơn giản vì hôm nay người bạn mà con để ý mua cho con một cốc sữa chua. Những cảm xúc tưởng chừng như nhỏ bé này là chìa khóa giúp con lý giải được hành động của chính mình.
  • Đánh giá độ mạnh – yếu của cảm xúc: Sau khi đã đặt tên được cho cảm xúc, hãy cố gắng đánh giá chúng trên thang điểm 10. Những cảm xúc đạt ngưỡng 9,10 rất có thể sẽ là báo động con cần được nghỉ ngơi, bình tĩnh lại hay giải quyết chúng. Dồn nén những cảm xúc mạnh, mang tính chất tiêu cực trong thời gian dài là mầm mống của stress và những mối quan hệ rạn nứt.  
  • Chia sẻ cảm xúc với những người thân thiết nhất: Đây là bước khó, nhưng cũng là một trong những cách giải tỏa cảm xúc hữu hiệu nhất. Không chỉ vậy, việc sẻ chia từng cảm xúc còn giúp chúng ta gần gũi hơn với những người thân yêu, để họ hiểu rằng đôi khi cơn tức giận của chúng ta chỉ đơn giản đến từ nhiệt độ quá cao ngoài trời chứ không phải mối quan hệ của đôi bên đang có vấn đề. Nếu cha mẹ có thể đặt mình vào “vòng tròn chia sẻ” này của con thì thật tuyệt vời.

Rất đơn giản thôi, hãy thử hỏi con “Hôm nay con cảm thấy thế nào?” vào ngay tối nay cha mẹ nhé!

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.