*Bài viết được thực hiện bởi Lê Tuấn Anh, một cựu sinh viên RMIT.
Ba tôi kể lại với tôi rằng, khi tốt nghiệp cấp ba và không đủ điểm vào một trường đại học nổi tiếng trong nước mà lại vào RMIT để học, ba mẹ tôi nghe rất nhiều những lời ‘bàn ra tán vào‘ từ ‘những người khác‘. Chính tôi cũng nghe được những lời bàn tán như vậy vào thời điểm đó. Nào là ‘Chắc học dốt không thi đỗ đại học nên mới vào RMIT’, rồi thì ‘Ba mẹ nhiều tiền mới vào được RMIT học, không biết ra trường làm nên trò trống gì’, hay là, ‘RMIT toàn bọn con nhà giàu học dốt, vào đấy không cẩn thận lại ăn chơi đua đòi theo chúng nó’. Đại loại là như vậy. May mắn là, ba mẹ tôi không phải là những người dễ bị ảnh hưởng và tác động bởi dư luận bên ngoài, ba mẹ tôi tin rằng đầu tư cho việc học không bao giờ là quá đắt cả. Trong 4 năm học tại RMIT tôi luôn ghi nhớ một câu ba dặn dò từ những ngày đầu tiên: “Những người nói vẫn sẽ cứ nói, con hãy chứng minh cho họ thấy bằng những gì con làm được sau khi tốt nghiệp trường.”
Bây giờ đã ra trường đi làm gần 5 năm, là một chuyên viên tư vấn hướng nghiệp và là một tác giả sách về hướng nghiệp, tôi may mắn được gặp nhiều các em học sinh cấp ba và ba mẹ các em, rất nhiều trong số đó hoang mang trước những lựa chọn nghề nghiệp và trường để học. Tôi cũng nhận ra là, tuy RMIT đã ở Việt Nam hơn 10 năm rồi, vẫn có rất nhiều người hiểu nhầm những điều không đáng có về RMIT. Vậy nên tôi viết bài viết này, để phần nào giải thích lại những hiểu nhầm không đáng có, mong cha mẹ và các em có thêm được góc nhìn tốt và rõ hơn trong việc chọn trường tương lai.
“Loại học dốt không thi được đại học nên mới phải vào RMIT”. Trong đám bạn tôi chơi cùng ở ngành Truyền thông, có rất nhiều bạn đến từ những trường có tiếng như Amsterdam, Chu Văn An, Chuyên Ngoại Ngữ, thậm chí có cả những đứa đã thi đỗ vào một trường đại học Việt Nam top đầu với số điểm rất cao. Nếu bạn chưa biết, để học bằng cử nhân của RMIT, cần học bạ cấp ba trên 7.0 và IELTS trên 6.5 – cũng khó lắm chứ bộ. Mà cứ cho rằng một bạn học dốt bằng cách nào đó vào được RMIT đi, thì để ra được trường lại là cả một vấn đề khác. Tất cả các kỳ thi đều theo chuẩn quốc tế về sự minh bạch, chẳng có một sự gian lận, xin cho điểm nào có thể xuất hiện. Nếu bạn trượt, bạn học lại và đóng tiền lại. Số tiền cũng không nhỏ đâu nên phải ráng mà học thôi. Bạn có thể đi vào chưa giỏi, nhưng đã ra khỏi trường được thì cũng không hẳn là tồi.
‘Ba mẹ nhiều tiền mới vào được RMIT học, không biết ra trường làm nên trò trống gì’. Vế đầu tiên xin thừa nhận, đúng là gia đình cũng cần khá giả một chút, vì học phí của RMIT khá cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, nếu gia đình chưa đủ điều kiện mà vẫn có ước mơ vào RMIT, bạn có thể thử tìm đến cơ hội học bổng. Quay lại với chuyện học RMIT xong có làm nên trò trống gì không, chắc chắn là có rồi. Tôi và các anh chị nhân sự hay đùa vui rằng Big 4 (4 công ty hàng đầu ngành Kế toán – Kiểm toán), Unilever hay một số công ty tập đoàn đa quốc gia lớn ở Việt Nam như một cái ổ của tụi RMIT vậy. Nhìn phòng ban nào cũng thấy sinh viên RMIT, rất nhiều người lại đang giữ những vị trí quản lý nữa. Ở RMIT có một điều rất kỳ lạ và sung sướng là, sinh viên RMIT rất yêu trường và bảo vệ trường. Đó là lý do khi sinh viên RMIT tốt nghiệp đi làm và giữ những vị trí quản lý ở các công ty, chúng tôi thường quay lại trường và ưu ái cho các đàn em của mình có những cơ hội việc làm cũng như thực tập. Cá nhân tôi, 5 năm qua cũng làm được khá nhiều trò rồi. Tôi sở hữu một blog hướng nghiệp với 2 triệu lượt truy cập, đã xuất bản 2 cuốn sách về hướng nghiệp và có cơ hội chia sẻ, thuyết trình tại nhiều trường đại học lớn tại Việt Nam về chủ đề hướng nghiệp.
RMIT toàn bọn con nhà giàu học dốt, vào đấy không cẩn thận lại ăn chơi đua đòi theo chúng nó’. Tôi nghĩ rằng bất kỳ trường học nào cũng là một xã hội thu nhỏ. Có những bạn rất ngoan, mọt sách. Có bạn thì thích tham gia câu lạc bộ này kia. Có bạn chẳng chịu học mấy chỉ lo đi bar, sàn, tiêu tiền vào những thú vui khác. Trở thành một người như thế nào, chơi với những người bạn ra sao, có lẽ chính mình mới là người hiểu rõ nhất và kiểm soát được việc này. Với một bạn trẻ đã trên 18 tuổi, thật khó cho ba mẹ có thể lúc nào cũng kiểm soát 24/24 bạn ấy đi đâu, làm gì, chơi với ai được. Thay vào đó, ba mẹ tôi học cách tin tưởng mọi quyết định của tôi, dù có thể đó là một quyết định chưa hoàn toàn đúng theo kinh nghiệm sống của ba mẹ. Ba mẹ tôi biết rằng, con trai của ba mẹ phải sống cuộc đời của nó, nó phải tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình, vấp ngã hay xuống bùn một chút cũng không sao, chịu bẩn một chút đứng lên sẽ mạnh mẽ hơn ở những lần sau. Vậy nên tôi nghĩ rằng, thay vì lo con vào một môi trường có thể ăn chơi đua đòi hư hỏng, ba mẹ có thể học cách lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của con, làm bạn với con để hiểu con hơn – như vậy là cách yêu thương tốt nhất.
Ba tôi dạy: Bản thân mỗi người hiểu rõ nhất điều gì là tốt và điều gì là phù hợp với chính mình. Xã hội ngoài kia sẽ luôn bàn tán, lời ra tiếng vào, khuyên bảo đủ điều – ta hãy xem đó như những lời tham khảo, chứ đừng để nó quyết định cuộc đời ta. Tôi mong bài viết này cũng như một trong những điều tham khảo tốt để giúp ba mẹ và các em có thêm những góc nhìn mới trong việc chọn ngành và chọn trường trong tương lai.
👉 Đọc thêm: Sinh viên RMIT có phải là “con nhà giàu học dốt”?
Về tác giả Lê Tuấn Anh
Lê Tuấn Anh là cựu sinh viên loại giỏi chuyên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp của Đại học RMIT và hiện đang theo đuổi lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp dành cho học sinh và sinh viên.
Tuấn Anh đã tham gia giảng dạy nhiều lớp kỹ năng dành cho sinh viên các trường đại học lớn; và là tác giả cuốn sách “Nhắm mắt bắt được việc” và “Định vị bản thân”. Anh hiện đang công tác tại công ty Tâm Lý Hồn Việt với vị trí Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp.