7 dấu hiệu cho thấy con đang nói dối

Thực tế là, đôi lúc các con sẽ nói dối chúng ta. Vậy làm thế nào để biết những cô cậu này đang che dấu sự thật? Bài viết này sẽ chỉ ra nguyên nhân và 7 dấu hiệu khi con nói dối để cha mẹ có thể hiểu rõ hơn và tìm được cách giao tiếp hiệu quả với con. 

“Nhưng tại sao con lại nói dối?”

Người lớn có những bí mật riêng, các con cũng vậy. Đặc biệt, khi bước vào ngưỡng “sắp trưởng thành”, các con sẽ dần tách mình ra khỏi cha mẹ và thích tự khám phá thế giới theo cách của riêng mình. Nói dối vì thế mà trở nên phổ biến hơn ở lứa tuổi này. Các con sẽ muốn giấu đi những lần phá quy tắc, những thất bại hoặc bao che cho nhau. 

Thật khó để đảm bảo rằng chúng ta sẽ nắm hết được cuộc sống của con. Thế nhưng, với những bí kíp tâm lý nhỏ, cha mẹ có thể “bắt bài” con dễ hơn đôi phần. 

Dấu hiệu trên khuôn mặt 

1. Ánh mắt 

Đây chính là dấu hiệu dễ nhận ra nhất. Những cô cậu tuổi teen nghịch ngợm có thể chuẩn bị trước câu trả lời cho màn “thẩm vấn” của cha mẹ. Nhưng ánh mắt thì khó che giấu được – đảo mắt, né tránh ánh nhìn của cha mẹ hoặc liếc ngang liếc dọc. Một vài người còn có xu hướng chớp mắt nhiều hơn bình thường khi đang nói dối. 

2. Hơi thở

Khi nói dối, có người sẽ thay đổi nhịp thở của mình – nhanh và nặng nề hơn. Ngay cả tông giọng cũng trở nên khác thường – giọng cao vút hoặc lí nhí sẽ là biểu hiện cha mẹ cần lưu tâm. 

3. Tay chạm vào mặt/họng 

Đây là hành vi khá phổ biến khi chúng ta nói dối, bởi nó tạo cảm giác bảo vệ được các bộ phận dễ tổn thương và đồng thời tạo ra khó khăn cho việc giao tiếp hiệu quả. 

Dấu hiệu ở cơ thể 

4. Dáng điệu cứng nhắc

Con đang phải dồn hết tâm trí để nghĩ ra những lời giải thích hợp lí. Cơ thể cũng sẽ vô tình “bất động” theo. Tư thế kém thoải mái này chính là báo hiệu việc cha mẹ cần tìm hiểu kỹ càng hơn. 

5. Đung đưa tay chân 

Căng thẳng bởi áp lực đang đè nặng lên bộ óc, một vài người sẽ có thói quen rung tay, rung chân hoặc “hoa tay múa chân” minh hoạ sốt sắng hơn thường lệ. Cơ thể của chúng ta tin rằng, những hoạt động “rầm rộ” như vậy sẽ che dấu được sự thiếu chắc chắn mà lời nói dối đang tạo ra bên trong.

Dấu hiệu trong giao tiếp 

6. Nói ngập ngừng hoặc quá trôi chảy

Tuổi teen vốn không thích “tâm sự” quá nhiều với cha mẹ. Tuy vậy, việc trả lời nhát gừng hoặc suy ngẫm quá lâu giữa các câu trả lời sẽ là đấu hiện mà cha mẹ phải lưu tâm nếu nghi ngờ con đang che dấu chuyện gì đó. Ngược lại, một lời đáp quá lưu loát cũng có thể đã được “soạn và tập luyện” từ trước. 

 7. Tiểu tiết mập mờ 

Là một trong những cách hữu hiệu nhất để biết con có đang nói dối không và nói dối ở phần nào chính là việc hỏi sâu vào chi tiết. Một câu chuyên không được dựng lên luôn có lỗ hổng. Cha mẹ chỉ cần hỏi sâu hoặc hỏi lại một vài lần để xem câu trả lời của con có khớp với lúc đầu không, những đầu mối chắc chắn sẽ hé lộ ở đâu đó.

Thực ra, tôi tin cha mẹ đều có đủ sự tinh tế để nhìn ra khi nào thì đứa con bé bỏng của mình bắt đầu khôn lớn và có những mảng khuất cuộc sống của riêng mình. Vì thế, thay vì cố gắng khám phá hết bí mật của con, cha mẹ hãy tôn trọng sự riêng tư nhất định trong quãng đường đồng hành với con này. Tin tưởng cha mẹ rồi, chắc chắn các cô cậu tuổi teen sẽ chẳng ngại gì mà không dốc lòng tâm sự hết những băn khoăn, trăn trở mới lớn của mình.  

Giang Nguyễn

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.