biểu hiện của cha mẹ độc hại

Thuật ngữ “cha mẹ độc hại” chưa thực sự được biết đến rộng rãi tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng này có tồn tại và đang ngày càng phổ biến trong bối cảnh xã hội hiện đại nhiều áp lực, vô tình mài mòn mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Khi bạn là một cha mẹ độc hại, con cái sẽ bị ảnh hưởng nặng nề cả về thể xác và tâm hồn. Việc nhận biết sớm những biểu hiện này và cố gắng cải thiện chúng sẽ giúp các con có cơ hội gần gũi cha mẹ hơn, sống lành mạnh và vui vẻ hơn. Bài viết này giới thiệu 7 biểu hiện thường gặp của “cha mẹ độc hại”.

1. Luôn muốn kiểm soát con

Bắt nguồn từ suy nghĩ “Mình sinh ra con nên có quyền sở hữu con”, cha mẹ luôn yêu cầu con ở trong tầm mắt của mình 24/24. Sinh nhật bạn bè, hoạt động câu lạc bộ hay sở thích riêng, tất cả đều không quan trọng bằng việc con dành thật nhiều thời gian “rèn giũa” trong gia đình. Với các bậc cha mẹ này, “con không bao giờ đủ lớn” để tự lập.

2. Sử dụng quyền uy “người lớn”

Sợ con “nhờn”, một vài bậc cha mẹ hạn chế tối đa các biểu hiện tôn trọng và gần gũi dành cho con. Thay vì coi con như một người bạn, chúng ta lại vạch sâu thứ tự vai vế trong gia đình và đôi khi còn lạm dụng chúng. Trong gia đình, con luôn phải nghe lời cha mẹ và mọi giải thích đều bị quy kết là “cãi”.

3. Chỉ trích liên tục 

Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn giữ quan điểm “Thương cho roi cho vọt”. Mẹ hổ – hiện tượng cách đây vài năm – là một minh chứng rõ nét khi cha mẹ nghĩ rằng, chỉ với kỉ luật sắt đá, con mới khiêm tốn, ngoan ngoãn và trở nên “cứng cáp” được. Với con trai, tình trạng này còn thường xảy hơn bởi lí luận: “Là con trai thì phải mạnh mẽ, một chút mắng mỏ sẽ chẳng sao cả”.

4. Mua chuộc con bằng những phần thưởng 

Tất nhiên, đưa ra các mục tiêu để con hướng đến là một điều tốt. Nhưng điều nguy hiểm là nhiều bậc cha mẹ bận rộn đang dùng các món quà để “mua” tình yêu và sự tôn trọng từ con. Xét đến cùng, điều con muốn không phải là những món đồ công nghệ hiện đại hay quần áo đắt tiền, chỉ bằng giao tiếp chân thành, chúng ta mới thực sự hiểu và được con coi như một người bạn thân thiết. 

5. Giải quyết vấn đề bằng sự im lặng

Đây là tình trạng phổ biến trong các cuộc nói chuyện. Khi gặp phải bất đồng khó hoà giải, chúng ta có xu hướng lờ nó đi hoặc dùng sự im lặng để “giận dỗi”, gây áp lực tinh thần lên đối phương. Điều này xuất phát từ việc cha mẹ cho rằng con chỉ là “trẻ con” hoặc không dám thừa nhận mình đã sai.  

6. Dùng con thực hiện giấc mơ của mình 

Đây có thể được coi là một trong những mong muốn “đáng sợ” nhất của các bậc cha mẹ. “Những điều cha mẹ chưa làm được, con sẽ tiếp tục hoàn thiện nó” là kỳ vọng mà chúng ta thường hướng đến khi dốc hết sức đưa con chạm đến giấc mơ ngày xưa của… bản thân cha mẹ. Một lí lẽ thường được các cha mẹ đưa ra là: “Con còn nhỏ nên không biết điều gì tốt nhất cho mình.” Thực tế là, dẫu còn non nớt, nhưng ngay từ những năm 12-13 tuổi, con đã cần phải học cách ra quyết định và sống có chính kiến. 

7. Bắt con chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của cha mẹ 

Nhiều bậc cha mẹ đã tạo nên áp lực cho con khi tuyên bố: “Hạnh phúc của cha mẹ là thấy con giành học bổng du học” hay “Cha mẹ chỉ nhẹ lòng khi thấy con có được việc làm ổn định”… Với cha mẹ, thành tựu, sự ổn định hay thái độ của con với mình là tất cả. Điều này tuy xuất phát từ tình yêu thương nhưng lại vô tình tạo nên áp lực rất lớn đối với con, thậm chí ngăn con thực hiện ước mơ của chính mình. 

Có thể thấy, bối cảnh hiện đại đã tạo ra nhiều thay đổi trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta có ít thời gian bên gia đình và phải chịu nhiều áp lực từ xã hội. Điều ấy khiến các thành viên trong gia đình trở nên xa cách và thiếu kiên nhẫn với nhau hơn. Trong khi, chỉ một phút suy nghĩ lại, cha mẹ cũng đã có cơ hội hiểu con, gần gũi con hơn rất nhiều. 

Vì thế, nếu các bậc cha mẹ thấy mình có một trong những biểu hiện trên, hãy đọc bài viết “Làm thế nào để không trở thành cha mẹ độc hại” để biết cách cải thiện tình hình ngay nhé!

Giang Nguyễn

Comments

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.