Nguyên tắc đặt giờ giới nghiêm cho con

Quản lý giờ giấc sinh hoạt của con khi bước vào tuổi “tập trưởng thành” là công việc tưởng đơn giản nhưng thực chất lại khiến các bậc cha mẹ rất đau đầu. Nếu quá nghiêm khắc, con sẽ cảm thấy bức bối, thậm chí hạn chế cơ hội khám phá thế giới của con. Nhưng nếu quy định giờ lỏng lẻo, cha mẹ sẽ khó sâu sát với con. Bài viết này sẽ chỉ rõ những điều nên và không nên đối với giờ giới nghiêm để cha mẹ tham khảo, từ đó rút ra được lựa chọn phù hợp nhất với gia đình mình. 

Nên 

1. Lựa chọn những mốc thời gian phù hợp 

Giờ giới nghiêm không chỉ là đặt ra thời gian con phải trở về nhà mà còn giới hạn khung thời gian cho nhiều công việc khác trong ngày: giờ thức dậy, giờ đi ngủ, giờ ăn tối, thậm chí có thể là cả giờ sử dụng điện thoại hay giờ giải trí. Cha mẹ nên cân nhắc đến 3 yếu tố quan trọng khi đặt ra những quy định này: lứa tuổi, tính cách và hoàn cảnh gia đình và điều chỉnh khi con dần lớn lên. Ví dụ, một bé gái 14 tuổi sống trong khu vực an ninh phức tạp chắc chắn sẽ phải có giờ về nhà sớm hơn nhiều so với một bạn 17 tuổi đã biết tự bảo vệ mình. 

2. Giải thích lý do cho con với thái độ tôn trọng

Một sai lầm phổ biến của cha mẹ là luôn muốn nhanh chóng “ép con vào khuôn khổ”. Điều này sẽ gây bức bối, đôi khi còn khiến con muốn lách luật, phá rào nhiều hơn. Bởi vậy, thay vì áp đặt “Con còn bé. Phải về giờ này, ngủ giờ này thì cả nhà mới yên tâm được!”, cha mẹ hãy giải thích với con lý do cụ thể cần phải có giờ giới nghiêm – giúp các thành viên nắm được lịch của nhau và thu xếp hài hoà giờ giấc. 

Ví dụ, cha mẹ có thể nói: “Việc con về giờ nào, ngủ giờ nào không chỉ quyết định nhịp sinh hoạt của con mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống chung của cả gia đình. Em con không thể ngủ khi con còn chơi điện thoại. Bố mẹ không thể thư giãn, chuẩn bị đi ngủ để dậy sớm đi làm khi con 9h, 10h tối vẫn còn chưa về.”

3. Cân nhắc ngoại lệ 

Giữa nghiêm khắc và tù túng chỉ là một đường ranh giới mỏng. Luôn cần có sự linh hoạt để con cảm thấy mình được cha mẹ hiểu và đồng hành chứ không phải giám sát, quản lý. Trong những dịp đặc biệt như sinh nhật, du lịch, dạ tiệc cuối cấp… hãy để cho con có không gian để tận hưởng tuổi trẻ của mình một chút. 

Không nên 

1. Bị ảnh hưởng bởi người khác

10h tối bạn con mới phải về nhà không có nghĩa giờ giới nghiêm 20h30 của con là vô lý. Mỗi gia đình và bản thân các con có các ưu tiên khác nhau, ở trong hoàn cảnh khác nhau. Cha mẹ không nên áp dụng y hệt quy định từ các gia đình khác, cũng không nên bị “lung lay” khi con kì kèo: “Trong câu lạc bộ của con, ai cũng được ở lại đến tận khuya để làm việc.” Chỉ những lý do xứng đáng nhất, được thông báo đàng hoàng từ trước mới được chấp nhận. 

2. Cứng nhắc thực hiện quy định

Khi con đang có nguy cơ hoặc đã trót đi quá giờ giới nghiêm hoặc có nguy cơ mắc phải. Cha mẹ hãy bình tĩnh xử lý. Chắc chắn không ai muốn con phải phóng xe “như bay” về nhà vào đêm khuya chỉ vì sợ cha mẹ mắng. Lúc này, điều cha mẹ cần làm nhất là giải thích quan trọng hơn cả – sự an toàn của con – và để mọi trách cứ cho một cuộc nói chuyện nghiêm túc sau này.

Giờ giới nghiêm không chỉ là quy định giờ giấc. Những khuôn khổ này còn giúp cha mẹ dạy con cách quản lý thời gian của bản thân, cách tổ chức cuộc sống của mình, đồng thời, có trách nhiệm với các thoả thuận mình đã chấp nhận. Từ việc tuân theo kỷ luật, tương lai con sẽ dần biết cách tự chăm lo cho chính bản thân mình. 

Giang Nguyễn

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.