Giữa tràn ngập quảng cáo và tin tức phù phiếm trên Facebook, vẫn có những ngòi bút chân thành, dung dị đang hàng ngày viết nên những câu chuyện nhỏ bé mà đầy ý nghĩa. Theo dõi những gì họ viết, chúng ta không chỉ bước vào thế giới tràn ngập năng lượng và niềm say mê cuộc sống mà còn có cơ hội nhận ra những góc nhìn rất khác trong việc nuôi dạy con gái. Bài viết dưới đây điểm lại 5 người mà cha mẹ nên theo dõi, để hiểu con, hiểu mình và tận hưởng mạng xã hội một cách thú vị hơn.
1. Chị Bích Hà Trần
Link tới facebook của chị: http://bit.ly/BichHaTran
Chị Trần Bích Hà là giám đốc của Transviet – top 10 công ty du lịch hàng đầu Việt Nam. Chị đã tới rất nhiều nước để nghiên cứu và học hỏi cách giáo dục của họ. Con gái chị đang theo học tại Đại học Brown, thuộc nhóm các trường đại học danh tiếng nhất của Hoa Kỳ. Chị cũng là tác giả của cuốn sách nuôi dạy con được nhiều cha mẹ yêu thích mang tên “Dạy con đôi khi thật đơn giản“.
Theo dõi trang cá nhân của bà mẹ này, người ta dễ dàng cảm nhận được một nguồn năng lượng vô tận. Dường như mỗi ngày thức giấc, chị đều cố gắng làm việc, yêu thương, suy ngẫm, trải nghiệm và tận hưởng trọn vẹn đến từng phút giây nhỏ nhất. Cuộc sống ấy hiện lên qua các status chia sẻ về chuyện ăn uống, chuyện chăm lo sức khoẻ hay những chuyến du lịch ngập tràn ánh nắng, nhưng nổi bật hơn cả vẫn là câu chuyện về con gái. Chị Hà là người có quan điểm về việc nuôi con rất nghiêm túc. Chị đọc rất nhiều sách dạy con, là một bà mẹ nuôi con độc lập và có cách nhìn nhận thấu đáo về việc một người trẻ sẽ cần gì trước khi thực sự bước vào cuộc đời.
Nếu đọc kĩ hơn, ta sẽ thấy đằng sau những câu chuyện nho nhỏ ấy là một cá tính, một triết lí sống đặc biệt. Ở chị có nét sắc sảo và quyết đoán của một người làm kinh doanh, cái nhạy cảm và ân cần của một người phụ nữ, và sâu thẳm, là sự bao dung và an bình của trái tim người mẹ. Bấy nhiêu điều đẹp đẽ ấy, lắng lại ở một hình ảnh đặc biệt tràn ngập khắp “tường nhà” Facebook – nụ cười của chị – ấm áp, chân thành và rất hạnh phúc.
2. Chị Phoenix Hồ
Link tới facebook của chị: http://bit.ly/PhoenixHoPhungHoang
Nếu tình cờ dạo qua trang cá nhân của chị Phoenix Hồ, một người đã dành hơn 10 năm làm công tác hướng nghiệp, người ta sẽ cảm nhận được một sự rộn ràng rất ấm áp. Các em học sinh, sinh viên cảm ơn rối rít. Phụ huynh lo lắng hỏi han, tâm sự. Đồng nghiệp trò chuyện, vui vẻ nhắc lại một kỉ niệm nào đó. Giữa những rối ren, mông lung của thế giới hướng nghiệp, có một người ân cần, bình tĩnh gỡ từng khúc mắc, hằng ngày cùng các em học sinh bước từng bước trên con đường khám phá nghề nghiệp.
Đó có thể là câu chuyện về ước mơ làm người chăm sóc cho những chú cá của con trai chị, câu chuyện về những người trẻ tuổi “thích đủ thứ” hay những chia sẻ về hành trình “hồi teen” qua từng lớp, từng trường chị đến tư vấn hướng nghiệp. Không chỉ là công việc, giúp các em khám phá năng lực bản thân, đi đúng, đi trọn vẹn con đường tương lai dường như là tâm huyết lớn nhất của chị. Tình cảm, dịu dàng mà sâu sắc, tinh tế, giữa “chốn Facebook” nhiều thị phi, “cô Phoenix” vẫn đang viết nên câu chuyện hướng nghiệp của mình một cách rất duyên dáng.
Chị Phoenix cũng là tác giả của cuốn sách hướng nghiệp “Cứ đi để lối thành đường” và rất nhiều bài viết về hướng nghiệp khác được đăng trên trang RMIT & Cha Mẹ.
3. Anh Trương Anh Ngọc
Link tới facebook của anh: http://bit.ly/TruongAnhNgoc
Là một nhà báo, một bình luận viên thể thao nổi tiếng, Trương Anh Ngọc là một người đàn ông với “trái tim quyết liệt”. Với anh, làm gì cũng phải đẩy đến tận cùng, nhiệt thành, rốt ráo. Anh viết về thể thao với một niềm hứng khởi lạ kì, khiến người thậm chí không xem bóng đá bao giờ cũng phải dừng lại để đọc những dòng anh viết về Ronaldo, về Buffon, về những trận bóng đầy mồ hôi, nước mắt và hi vọng. Anh viết về du lich lãng mạn và say đắm. “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu” khiến người ta những muốn sắp ngay vali để đến thử “những thứ đồ ăn ngon không chịu nổi”, ngóng cổ nhìn lên những luôn cửa sổ được chăm chút xinh đẹp và thưởng thức ly rượu vang vùng Chianti Classico nồng đượm.
Và cũng với trái tim ấy, anh viết về giáo dục cho thế hệ kế tiếp bằng ngòi bút tràn đầy kì vọng “Bọn trẻ phải hơn chúng ta, đi xa hơn, giỏi giang hơn, thẩm mỹ cao hơn, chứ không phải là bản sao của chúng ta, là người mà chúng ta rập khuôn và cứ nghĩ là ta đang che chở bao bọc cho chúng, níu tay không cho chúng bước ra thế giới”.
Dạo qua trang Facebook này, bạn sẽ tìm thấy một Trương Anh Ngọc sâu sắc, hăm hở và rất đam mê. Đây có lẽ sẽ là một facebooker mà các “ông bố” yêu bóng đá và du lịch không ngần ngại ấn nút follow.
4. Chị Thu Hà
Link tới facebook của chị: http://bit.ly/ThuHa
Chị Thu Hà là cây bút nhiều năm ở báo Hoa học trò, là mẹ của hai đứa con và là tác giả của cuốn sách có tựa đề rất duyên – “Con nghĩ đi, mẹ không biết”. Có lẽ vì vậy mà những gì chị viết tràn ngập cảm xúc của một người mẹ. Như lời thủ thỉ nhẹ nhàng, chị Hà viết về hành trình ấy một cách rất tinh tế, duyên dáng và tràn ngập yêu thương.
Người ta dễ dàng bắt gặp những câu chuyện hết sức rắc rối của tuổi dậy thì ở trang cá nhân của chị. Từ những cơn cảm nắng học trò bị ngăn cấm, sự tự ti của các cô gái khi thấy mình chưa đủ xinh, ăn uống thế nào để khoẻ mạnh và ngon miệng, chị chạm vào những vấn đề lớn hơn về sự tự do trong tâm hồn, cách trân trọng vẻ đẹp bên trong của bản thân, sự quan trọng của giao tiếp… Đằng sau những câu chuyện nhỏ tuổi 15, là tâm hồn và tấm lòng rất đẹp của một người mẹ thời hiện đại – văn minh và sâu lắng.
5. Anh Giang Đặng
Link tới facebook của anh: http://bit.ly/GiangDang
Là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận, Đặng Hoàng Giang là cái tên có lẽ khá quen thuộc. Các bình luận xã hội của anh xuất phát từ các hiện tượng văn hoá, xã hội để chỉ ra những vấn đề liên quan đến bình đẳng, công lí và tương quan quyền lực trong xã hội.
Văn anh viết khúc chiết, sắc sảo, đôi khi tưởng như hơi lạnh lùng. Từ “Bức xúc không làm ta vô can”, “Thiện, ác, smartphone”, “Điểm đến của cuộc đời” đến những chia sẻ nhỏ trên Facebook, Đặng Hoàng Giang đóng vai trò như một đôi mắt lặng lẽ quan sát cuộc sống, lật lại những điều còn chưa đúng, chưa trọn vẹn. Người đọc cũng cuốn theo những quan sát đó, giật mình, trăn trở, và đôi khi thấy nhoi nhói, như chạm phải một chiếc gai nhọn từ sự thật, giữa những tin tức “nhung lụa” dễ dãi tràn ngập mạng xã hội.
Tuy không viết trực tiếp về giáo dục, nhưng những quan điểm không ngại đi ngược đám đông của Đặng Hoàng Giang có thể giúp cha mẹ có góc nhìn đa chiều hơn, bao dung và sắc bén hơn với các vấn đề trong cuộc sống. Không chỉ vậy, là một người từng trải nghiệm cả môi trường trong nước và nước ngoài, anh còn có nhiều chia sẻ khách quan về đúng – sai trong cư xử của người Việt. Những điều này có thể trở thành tấm gương để cha mẹ soi chiếu hành trình nuôi dạy con và cả chính bản thân mình.