5 ngôn ngữ yêu thương cho gia đình hạnh phúc

Có khi nào bạn bị con trách “Ba không thương con!”, hay “Mẹ không hiểu con!” chưa? Bạn tự hỏi rằng lạ nhỉ, mình thương con còn không hết, làm đủ thứ việc vì con, sao con lại không cảm nhận là mình được yêu thương?

Theo chuyên gia tâm lý Gary Chapman, yêu thương có đến 5 ngôn ngữ – hay nói cách khác là 5 cách thể hiện hoặc đón nhận tình yêu và mỗi người sẽ có từ 2 đến 3 ngôn ngữ yêu thương nổi trội. Khi được yêu thương bằng ngôn ngữ của chính mình, người đó mới cảm nhận tình yêu trọn vẹn.

Vậy 5 ngôn ngữ yêu thương này là gì?

1. Lời nói động viên: Thể hiện tình yêu thương bằng cách nói ra. Nói với con những điều tốt đẹp bạn nhìn thấy ở bản thân con. Thường xuyên khuyến khích, cổ vũ, an ủi đúng lúc đúng chỗ. Hoặc đơn giản là nói lên bằng lời “Ba thương con”, “Mẹ thương con.”

2. Tiếp xúc cơ thể: Thể hiện tình yêu thương bằng cơ thể, một cái nắm tay, một cái ôm, những nụ hôn, xoa đầu, vuốt tóc, khoác tay, tựa vào vai…Ngôn ngữ này được nói thường xuyên khi con còn bé, giảm dần theo thời gian con lớn lên và khi con đến tuổi teen thì dường như mất hẳn. Ba mẹ hãy xem xét lại nhé, vì một cái ôm có thể gửi hàng ngàn tín hiệu yêu thương xoa dịu căng thẳng đến não bộ và dây thần kinh đấy.

3. Thời gian chất lượng: Thể hiện tình yêu thương bằng cách dành thời gian chất lượng cho nhau. Sắp xếp thời gian để có mặt khi con cần đến, không hẹn lần lữa. Dành một khoảng trống trong ngày của mình để hoàn toàn có mặt bên con.

4. Hành động giúp đỡ: Thể hiện tình yêu thương bằng hành động. Nấu cho con bữa ăn ngon, chăm sóc thú cưng của con khi con đi vắng, thảo luận bài tập về nhà với con…

5. Quà tặng: thể hiện yêu thương bằng cách tặng quà. Quà tặng không cần to hoặc đắt tiền, mà đó là những món quà nói lên bạn có nghĩ đến con, có nhớ và hiểu sở thích của con. Mua cho con quyển sách mà bạn nghĩ con sẽ thích, mua quà vặt cho con khi đi siêu thị, thậm chí chỉ tặng con một bộ sticker nhân vật phim hoạt hình mà con thích cũng đủ vui rồi.

Lắng nghe, thấu hiểu và học hỏi ngôn ngữ của nhau

Bạn có thể áp dụng 5 ngôn ngữ yêu thương này cho các mối quan hệ trong gia đình. Mỗi người sẽ có nhiều hơn một ngôn ngữ mà mình “nói” giỏi nhất, cũng chính là ngôn ngữ mình thích được “nghe” nhất.

Dù là người một nhà, nhưng ngôn ngữ yêu thương nổi trội của từng thành viên rất khác nhau do tính cách, hoàn cảnh tuổi thơ và nhiều yếu tố nữa.

Ví dụ mẹ là người thích thể hiện yêu thương  bằng “hành động giúp đỡ” nên mẹ thường nấu cơm cho cả nhà, ủi đồ cho ba, xếp giày cho con. Ba và con có thể cả năm không cần tặng mẹ một món quà, không cần thường xuyên ôm hôn hay nói lời động viên, nhưng chỉ cần phụ mẹ việc to nhỏ trong nhà, về đúng giờ cùng ăn cơm là mẹ đã cảm thấy mình được yêu thương trọn vẹn.

Con lại rất thích những “lời nói động viên”. Thi học kỳ được điểm cao, con mong đợi một lời ngợi khen và thừa nhận từ ba mẹ nhưng mãi chẳng thấy đâu. Chỉ thấy mẹ nấu cơm toàn món con thích, còn ba thì hứa sẽ bao cả nhà một chầu kem. Như vậy, dù ba mẹ đã thể hiện tình yêu thương nhưng con lại không cảm nhận được hết, chỉ đơn giản vì ba mẹ và con đang không “nói” cùng một ngôn ngữ yêu thương.  

Vì thế, để tình yêu thương được tuôn chảy không rào cản, không bị lãng phí bởi những hiểu lầm, ba mẹ và con cái hãy thấu hiểu và học hỏi ngôn ngữ yêu thương của nhau. Thay vì nhất định chỉ nấu món con thích, mua quần áo mới cho con và bắt con phải hiểu, ba mẹ hãy dùng thời gian và công sức đó tập nói ngôn ngữ yêu thương của con.  Ba mẹ cũng đừng ngại cho con biết ngôn ngữ yêu thương của ba mẹ, để con có thể hiểu và thể hiện tình yêu thương của mình. Sẽ có những ngại ngùng, trật vuột, cũng như khi học một thứ ngôn ngữ mới cần tập luyện để tiến bộ vậy. Vì thế ba mẹ và con hãy thật kiên nhẫn, bao dung để nhìn nhận những cố gắng của người kia. Khi cả gia đình đã hiểu được ngôn ngữ yêu thương của nhau thì việc giao tiếp và thể hiện tình cảm sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.  

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.