5 hoạt động lành mạnh con nên duy trì hậu Covid

Thật tuyệt khi các con có thể tiếp tục đến trường, gặp lại thầy cô, bè bạn sau một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, thật khó để phủ nhận những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới nhiều khía cạnh trong cuộc sống, đặc biệt là đối với các con ở độ tuổi teen.

Sức khỏe thể chất bị ảnh hưởng hậu covid, tinh thần trở nên nhạy cảm hơn, nhiều dự định dang dở bị dồn nén, v.v… Tất cả đều có thể trở thành rào cản với con trong hành trình tìm lại nhịp sống trước đây.

Để có thể giảm thiểu những ảnh hưởng đó, bố mẹ và các con có thể tham khảo 5 gợi ý sau đây. RMIT hy vọng rằng 5 hoạt động này sẽ góp phần tiếp thêm năng lượng và cảm hứng cho hành trình sắp tới của con cũng như của cả gia đình.

Nói “Có” với các dự định còn ngủ yên

Con muốn học thêm một ngoại ngữ mới, có nên không?

Con có chuyện muốn tâm sự với bố mẹ dù rất lâu rồi không trò chuyện, có nên không?

Con muốn bắt đầu một kế hoạch mới của riêng mình, có nên không?

Nếu con thật sự khát khao và ấp ủ điều gì, đây chính là thời điểm con nên nói “có” với bản thân mình một cách quyết tâm và mãnh liệt nhất. 2 năm vừa qua là minh chứng cho thấy chẳng ai trong số chúng ta đoán trước được chuyện tương lai, cũng như chẳng ai chắc chắn được mình còn bao nhiêu cơ hội để thực hiện những điều bản thân mong muốn.

Chính vì vậy, để tương lai bớt đi một điều tiếc nuối, con hãy chớp lấy thời điểm này để thực hiện những dự định của mình.

Sống bình tĩnh và có chọn lọc

Ở thời điểm trước khi xảy ra đại dịch, đã có rất nhiều bạn trẻ có chung một lối sống khá vội vàng. Các con bận rộn với việc duy trì điểm số, tham gia hoạt động ngoại khoá, rèn luyện kỹ năng mềm, đồng thời nỗ lực chăm chút hình ảnh bản thân trên mạng xã hội cũng như trong đời sống hiện thực, v.v…

Khi dịch bệnh dần ổn định trở lại, rất nhiều bạn trẻ có mong muốn mau chóng quay trở lại nhịp sống vội vàng như vậy. Lý do rất đơn giản là bởi: các con muốn “cứu vãn” giai đoạn bị bỏ lỡ vừa qua. Đây là một động lực rất tốt, nhưng cũng rất dễ khiến con rơi vào trạng thái kiệt sức.

Chính vì vậy, ngay cả khi con đã rất nôn nóng được làm những điều mình muốn, thì cũng cần bình tĩnh cân nhắc về các yếu tố như: quỹ thời gian bản thân có, tình trạng sức khoẻ, và mức độ ưu tiên của mỗi công việc.

Trò chuyện về những cảm xúc của bản thân

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, ngay từ khi còn rất trẻ, các con đã chứng kiến rất nhiều sự kiện diễn ra trong nước và trên thế giới bất kể chúng là thông tin tiêu cực hay tích cực. Có thể kể đến như những vấn đề bất công trong xã hội, những cuộc tranh cãi hay đổ vỡ trong các mối quan hệ, hay thậm chí có những bạn còn phải trực tiếp trải qua các sự việc đau lòng.

Con thật sự cần được trò chuyện và chia sẻ với ai đó về những suy nghĩ của mình trước những vấn đề của bản thân và xã hội. Nếu được, cha mẹ nên đặc biệt dành nhiều thời gian tâm sự với con hơn trong khoảng thời gian này để tăng sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình, cũng như giúp con giải toả phần nào những dồn nén về mặt cảm xúc sau một thời gian dài không thể trực tiếp chia sẻ cùng bạn bè.

Tự tạo những khoảnh khắc vui vẻ

Không phải bất cứ thời điểm nào, con cũng có thể tìm được một ai đó để cùng tạo ra những niềm vui. Chính vì vậy, việc tự ý thức những hoạt động có thể giúp bản thân lấy lại tinh thần là rất quan trọng.

Con có thể làm cho bản thân một lọ niềm vui. Cụ thể là hãy viết ra những mẩu giấy nhỏ những điều có thể khiến con cảm thấy vui vẻ, ví dụ như quay video, ăn một bữa ngon, xem phim, v.v… và bỏ chúng vào một chiếc lọ.

Trong quá trình quay trở lại nhịp sống cũ, chắc hẳn sẽ khó tránh khỏi những lúc cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Khi đó, con có thể tìm trong chiếc lọ niềm vui đó một vài hoạt động để thực hiện nhằm lấy lại những năng lượng tích cực cho mình.

Chủ động kết nối với những người xung quanh

Tỷ lệ người cảm thấy cô đơn rất cao sau hậu covid, và trong đó rất có thể bao gồm cả bố mẹ, cả con, và rất nhiều người khác nữa. Nếu ai cũng cô đơn và chờ đợi một sự giúp đỡ nào đó, thì ai sẽ là người bắt đầu mọi thứ đây?

Việc chờ đợi không phải giải pháp tốt nhất để xua tan đi cảm giác cô đơn. Nhất là khi ai cũng đã phải chịu những tổn thương dù ít hay nhiều trong giai đoạn vừa rồi. Về phía bố mẹ, hãy cứ tiếp tục chủ động kết nối với con mỗi ngày. Về phía con, cũng đừng ngại mở lời chia sẻ với những người xung quanh.

Bước đầu, mọi người có thể sẽ chưa biết quan tâm nhau đúng cách. Nhưng nếu liên túc kết nối, lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau, có lẽ cảm xúc cô đơn bên trong mỗi người sẽ vơi dần theo thời gian.

Cuối cùng, việc thay đổi một thói quen hay lối sống chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, nếu mỗi ngày, chúng ta dần dần từ bỏ một điều xấu và thay vào đó bằng một điều tốt, thì chắc hẳn cuộc sống sẽ dần đi vào quỹ đạo của chính nó một ngày không xa!


Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.