Cha mẹ nào cũng dễ trở nên lo lắng khi nghe con nói lời đam mê ngành làm phim. Nổi tiếng vất vả và thu nhập bấp bênh, ngành làm phim có thể khiến phụ huynh e dè. Nhưng nếu ánh mắt con luôn ánh lên niềm vui khi được làm phim, đây là một số sự thật thú vị mà có thể khiến cha mẹ mở lòng hơn về nghệ thuật thứ 7 này.
1. Ngành làm phim rất rộng
Khác với suy nghĩ của cha mẹ về ngành làm phim, là chỉ có phim dài chiếu rạp hay phim truyền hình, ngành làm phim còn có cả phim quảng cáo, MV (video ca nhạc), video phỏng vấn hay những video ngắn lan truyền khắp mạng xã hội. Đối với nhiều doanh nghiệp hay tổ chức đa quốc gia như Unilever, P&G, UNDP (chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc),… việc sản xuất các video hoặc phim ngắn quảng cáo thu hút cũng đã trở thành một phần tất yếu trong các chiến dịch truyền thông sản phẩm.
Mỗi thể loại phim, video lại có độ dài ngắn và đặc thù khác nhau. Ví như phim chiếu rạp dài 2 giờ luôn cần một cốt truyện thú vị, chặt chẽ để kéo khán giả tới rạp. Trong khi đó, những video dạng ngắn 1-2 phút cần sự sáng tạo và ấn tượng để thu hút sự chú ý của người xem ngay từ những giây đầu tiên.
Thể loại phim đa dạng là vậy, các nghề nghiệp trong ngành làm phim cũng đếm không xuể. Nếu con hứng thú với việc viết lách và kể chuyện thì vị trí người viết kịch bản (biên kịch) hay người chỉ đạo diễn xuất và máy quay (đạo diễn) sẽ rất phù hợp. Nếu con yêu nghệ thuật nhưng vẫn có hứng thú với kinh doanh, con có thể trở thành nhà đầu tư, gọi vốn cho dự án với vai trò nhà sản xuất. Ngoài ra còn có các vị trí liên quan đến mặt thẩm mỹ của bộ phim như quay phim, chỉ đạo nghệ thuật hay thiết kế phục trang cũng sẽ làm con hứng thú nếu con là người có mắt thẩm mỹ tốt.
Dù sở trường của con là gì, miễn con đam mê, con sẽ luôn tìm được vị trí của mình trong thế giới điện ảnh rộng lớn.
2. Ngành làm phim rộng mở với tất cả mọi người
Hiếm có ngành nào “mở” như ngành làm phim. Chỉ cần con có đam mê học hỏi, cả theo lối chính quy hay tự học, thì đoàn làm phim nào cũng sẵn sàng nhận vào làm việc.
Nhiều người đánh giá cao việc tự học làm phim khi đi theo đoàn. Ở đó, họ được “thực chiến” làm việc ở nhiều vị trí trong đoàn và hiểu tường tận cách một đoàn làm phim làm việc: người viết kịch bản sẽ bàn luận với đạo diễn trước khi lên trường quay như thế nào, đạo diễn sẽ cần làm việc về các cảnh quay với người quay phim trước khi bấm máy ra sao…
Tuy vậy, việc học tập bài bản trên trường lớp để hiểu được lịch sử và nền tảng của điện ảnh cũng vô cùng quan trọng. Đây là môn nghệ thuật có chiều dài lịch sử ngót nghét hơn 100 năm với hàng ngàn bộ phim ra mắt mỗi năm. Con cần phải học tập chăm chỉ để nắm được sự phát triển của điện ảnh, qua đó tích luỹ hiểu biết để đối thoại, tranh luận với những người trong đoàn làm phim vốn đã dạn dày kinh nghiệm.
3. Ngành làm phim Việt Nam giàu triển vọng
Mức sống người Việt tăng đáng kể trong những năm qua nên nhu cầu giải trí cũng tăng cao. Phim chiếu rạp hay phim truyền hình đang nở rộ và luôn cần nhân lực trẻ để hỗ trợ. Không những vậy, quảng cáo và marketing thời đại số còn mở ra một “mảnh đất màu mỡ” là ngành sản xuất video quảng cáo, nơi mà người trẻ có thể thoả sức sáng tạo.
Nắm bắt được nhu cầu nhân lực làm phim trẻ tuổi, các hãng phim trong nước và nước ngoài đang ráo riết tổ chức các cuộc thi tìm kiếm người tiếp nối nền điện ảnh Việt. Trong đó có thể kể tới Cuộc thi làm phim ngắn của đài truyền hình HTV, Cuộc thi làm phim ngắn của tập đoàn giải trí Hàn Quốc CJV, Cuộc thi làm phim 48h do Đại học RMIT đồng tài trợ hay cuộc thi Nhà Biên Kịch Tài Năng được hỗ trợ bởi tập đoàn CGV.
Mọi cuộc thi đều có nhiều tên tuổi lớn là những nhà làm phim gạo cội trong và ngoài nước làm ban giám khảo. Chưa lúc nào nền điện ảnh nước nhà lại nở rộ và hứa hẹn nhiều tới vậy.
4. Ngành làm phim rất… vui
Luôn tìm tòi sáng tạo cái mới mỗi ngày và đòi hỏi sự hợp tác ăn ý giữa các thành viên, đoàn làm phim là nơi gắn kết mọi người với nhau hiệu quả hơn bất kì khoá học teamwork nào. Cùng nhau dậy sớm đi quay phim, cùng nhau chia nhau phần cơm giữa giờ nghỉ ngắn ngủi, cùng nhau tiếc ngẩn ngơ khi cảnh quay hỏng và cùng nhau vui khi “đóng máy” sau ngày dài làm việc vất vả. Đã là thành viên của đoàn quay phim, con sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn và buồn bã.
Bản chất ngành làm phim không thể nói là không vất vả. Vậy nên những người bạn con tìm được trong ngành này chắc chắn là người tử tế, chăm chỉ và thẳng thắn vì vất vả vậy mà họ vẫn làm được đúng không?
5. Ngành làm phim rất chuyên nghiệp và lành mạnh
Đối với nhiều phụ huynh thì hình ảnh các nhà làm phim trên truyền hình thường bụi bặm, gắn liền với điếu thuốc phì phèo trên tay. Tuy nhiên, đó không phải là hình ảnh đại diện cho người làm phim. Trên trường quay, không ai được phép thư giãn. Ai cũng cần tập trung để công việc đi đúng tiến độ. Mỗi phút trôi đi là rất nhiều tiền bạc bị “tiêu” mất. Họ luôn cần đúng giờ và phối hợp ăn ý với nhau để phim ra đời có chất lượng tốt.
Không chỉ trên trường quay, giai đoạn tiền kỳ (trước khi phim khởi quay) và hậu kỳ (sau khi phim quay xong) cũng vô cùng cần sự chuyên nghiệp và nghiêm túc của đoàn để mọi việc diễn ra trôi chảy. Làm sao để lúc tiền kỳ đạo diễn và biên kịch thống nhất kịch bản với nhau kịp để lên trường quay mọi người yên tâm quay phim đúng theo sườn kịch bản? Làm sao để quay phim tốt để lúc hậu kỳ người biên tập có đầy đủ tư liệu để dựng thành phim?
Theo báo Zing.vn, thu nhập của đạo diễn cho một tập phim truyền hình là 8 – 12 triệu, và gấp 50 lần số đó cho một bộ phim chiếu rạp. Nhiều người chỉ nhìn vào mức cát xê “khủng” lên tới vài trăm triệu của các thành viên đoàn làm phim mà chưa hình dung trọn vẹn những áp lực đằng sau đó. Với khối lượng lớn trách nhiệm trên vai, chỉ những nhà làm phim nghiêm túc, tận tụy mới có thể bền lâu được với nghề.
Làm sao có khởi đầu vững chắc cho sự nghiệp điện ảnh của con?
Sắp tới, Đại học RMIT sẽ khởi động chuyên ngành Cử nhân Sản xuất phim kỹ thuật số kéo dài 3 năm nhằm cung cấp cho con nền tảng làm phim trong kỷ nguyên số trên Internet và mạng xã hội chứ không chỉ làm phim truyền thống. Đội ngũ giảng dạy của ngành là các giảng viên trong nước và quốc tế giàu kinh nghiệm. Trong 3 năm học, sinh viên có thể lựa chọn học tập trao đổi một hoặc hai học kỳ tại một trong các trường điện ảnh hàng đầu thuộc 200 đại học đối tác của RMIT trên toàn thế giới.
Đặc biệt, với một ngành còn thiếu hụt nhân sự giỏi Tiếng Anh như điện ảnh, con sẽ có thêm nhiều lợi thế khi theo học trong môi trường quốc tế, sử dụng 100% Tiếng Anh tại RMIT. Bên cạnh các môn học bắt buộc thuộc chuyên ngành làm phim, con cũng có thể đăng ký học thêm các môn như: kinh doanh, quản trị, nhân sự…, từ đó mở rộng thêm các cơ hội và lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, không chỉ có làm phim.
Để tìm hiểu thêm về chương trình, cha mẹ vui lòng xem tại Chương trình Cử nhân Sản Xuất Phim Kỹ Thuật Số.