Con đã sẵn sàng đi du học?

Du học khi chưa sẵn sàng là một sai lầm lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng tới quá trình học tập của con, đồng thời gây nên các xáo trộn tâm lý khi con mới bước vào tuổi trưởng thành. Bên cạnh đó, cuộc sống gia đình cũng sẽ có biến động nếu chuyến du học của con là “chín ép”. Vậy, lúc nào gia đình nên và không nên cho con đi du học, dưới đây là 5 câu hỏi cha mẹ cần trả lời trước khi đưa ra quyết định.

1. Điểm chứng chỉ ngoại ngữ của con là bao nhiêu?

Ngoại ngữ là yêu cầu đầu tiên khi đặt chân đến một đất nước xa lạ. Con sẽ cần nộp chứng chỉ ngoại ngữ để được xét duyệt vào các trường đại học. Thông thường điểm tối thiểu là 6.5 cho IELTS và 80 cho TOEFL. Các ngành ngôn ngữ, báo chí hay các trường đại học danh tiếng có thể sẽ yêu cầu mức điểm cao hơn. Trừ các bạn đã học chuyên Anh hay học tại trường quốc tế, thời gian ôn luyện cả 4 kĩ năng Nghe-Nói-Đọc-Viết cho các kì thi này sẽ rơi vào 6 tháng hoặc dài hơn. Vì thế, con nên lập kế hoạch ôn luyện trước để vượt qua “cửa ải” đầu tiên này.

2. Con có khả năng tự học và kết bạn đến đâu?

Cách học ở đại học sẽ yêu cầu con chủ động hơn nhiều so với bậc trung học phổ thông, đặc biệt nếu con đi du học. Ở Châu Âu, Châu Úc hay Bắc Mỹ, các lớp học thường có quy mô khá nhỏ, giáo sư luôn sát sao và khá thân thiết với sinh viên. Các con có thể thoải mái đến văn phòng để hỏi bài tập sau giờ lên lớp, tuy nhiên, sẽ không có ai đốc thúc hay kiểm tra sách vở của con. Con cũng cần học cách làm việc nhóm và thuyết trình. Điều này yêu cầu con phải giao tiếp nhiều hơn và cởi mở hơn với các mối quan hệ xung quanh mình. 

3. Con có thể tự sắp xếp cuộc sống của mình không?

Tự lập là câu chuyện lớn khi du học. Tự lập không chỉ là biết nấu cơm, dọn nhà, giặt quần áo – tôi biết có những em khi đặt chân tới London chẳng biết nhặt rau, rang thịt vẫn “sống sót” tốt. Cách con quản lý cảm xúc, chi tiêu và thời gian của mình mới thực sự quan trọng và cần được bố mẹ rèn giũa sớm. 

Con nên học cách chia sẻ cảm xúc của mình với cha mẹ để không “ngả tạm” vào vòng tay của ai đó giữa một đất nước xa lạ. Con nên được học quản lý “sổ tay chi tiêu” của mình trước để không tiêu hết sạch tiền ăn cả tháng sau tuần đầu tiên. Lên lịch làm việc và sinh hoạt như thế nào cho điều độ cũng là một kỹ năng quan trọng. Không có những “bí kíp” này, những tháng đầu tiên của con sẽ thực sự “rối như canh hẹ”. Lâu ngày, con có thể rơi vào trầm cảm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và học tập. 

Ngoài ra, du học sinh dưới 18 tuổi khi đi du học bắt buộc phải có một người giám hộ, cha mẹ có thể lựa chọn người giám hộ do trường sắp xếp hoặc giám hộ độc lập từ các tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ giám hộ nếu chưa thực sự yên tâm về con. 

4. Cần có bao nhiêu tiền để con đi du học?

Dù muốn hay không, để sẵn sàng du học, cha mẹ và con phải cân nhắc về tài chính đầu tiên. Mức học phí và sinh hoạt ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Úc thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Nếu quyết tâm đi du học mà chưa đủ kinh phí, cha mẹ và con nên lập kế hoạch để giành học bổng từ sớm. Bởi một bộ hồ sơ đẹp yêu cầu rất nhiều thứ – từ chứng chỉ ngoại ngữ, bài thi chuẩn hoá (SAT, ACT…), điểm số trên lớp đến tài năng nghệ thuật, hoạt động ngoại khoá, hoạt động cộng đồng… 

5. Con có đủ mong muốn và Cha mẹ có đủ tin tưởng?

Cho con đi càng sớm thì càng cần mạnh mẽ. Bởi nhìn con nhỏ bé bước qua sảnh ra phòng chờ máy bay quốc tế là một cảm giác không dễ dàng. Và sức mạnh duy nhất mà cha mẹ có lúc ấy là niềm tin – “Rồi thì nó sẽ quen, rồi… mình cũng sẽ quen”. Cha mẹ hãy đặt nhiều niềm tin hơn vào quyết định của con mình. Xét đến cùng, giấc mơ năm 18 tuổi của con – là giấc mơ đã bước vào tuổi trưởng thành. Đừng ép con đi du học sớm vì ai cũng làm như vậy, cũng đừng níu bước con vì “cháu còn non nớt”.

Con lựa chọn rồi, cha mẹ sẽ cùng con, từng bước biến điều đó thành sự thật.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.