Tận dụng công nghệ để gắn kết tình cảm gia đình

Trong nhiều năm gần đây, những món đồ công nghệ được xem như vật cản trở tương tác trong những bữa ăn và thời gian nghỉ ngơi của các gia đình. Mỗi người đều ôm lấy chiếc điện thoại/laptop riêng, không buồn trò chuyện, giao tiếp. Nhưng thời đại công nghệ lên ngôi, thói quen sử dụng smartphone/ipad/laptop không thể bị loại bỏ. Chi bằng, cha mẹ hãy thử “xoay tờ giấy theo một hướng khác” – biến những món đồ công nghệ tưởng chừng có hại này trở thành một thứ năng lượng có ích trong việc kết nối cả gia đình?

1. Lập nhóm kín dành riêng cho đại gia đình trên Facebook

Nếu như có một nơi để các thành viên trong đại gia đình dễ dàng tương tác và nắm bắt thông tin mới nhất về nhau, thì đó chính là nhóm kín trên Facebook. Tại đây, cả đại gia đình (bao gồm ông bà, cha mẹ, các cô chú và các con) có thể thoải mái đăng hình sau mỗi chuyến đi chơi, lập cuộc thăm dò ý kiến để rủ nhau đi ăn tối, “tình báo” một thông tin giật gân gây bất ngờ, và rất nhiều các hoạt động khác. Có nhóm kín rồi, các thành viên có thể liên tục cập nhật tình hình của nhau, thay vì chỉ gặp gỡ, nói chuyện vào mỗi dịp cúng giỗ. Nhờ cách này, các anh chị em họ sẽ gắn bó và thân thiết với nhau hơn rất nhiều. Thêm nữa, các con cũng học được cách quan tâm nhiều hơn tới ông bà, cô chú và bố mẹ.

2. Lập nhóm chat riêng cho gia đình trên Zalo, Viber hoặc Messenger

Đối với quy mô gia đình, cha mẹ có thể cân nhắc lập một nhóm chat nhỏ. Thay vì gọi điện hỏi con mấy giờ về ăn cơm, hay nhắn tin trong điện thoại để nhắc con quàng khăn giữ ấm, cha mẹ có thể nhắn vào trong nhóm chat này kèm những sticker (nhãn dán) đáng yêu để con cảm thấy gần gũi hơn. Nói chuyện bằng cách này, con sẽ dần cảm thấy cha mẹ như những người bạn thân thiết, xoá nhoà khoảng cách tâm lí giữa các thế hệ. Thi thoảng, cha mẹ có thể tự chụp ảnh mình theo phong cách của các teen, rồi gửi vào nhóm chat như một cách gợi chuyện với con: “Bố mẹ đang ra ngoài măm trưa, Mun với Tép ở trường đã được nghỉ chưa thế?”. Khi thấy cha mẹ ngày càng “trẻ ra”, con cũng dần nới lỏng sự dè chừng dành cho cha mẹ.

3. Tag con vào các bài viết bổ ích và thú vị

Những lúc rảnh rỗi lướt mạng, nếu như thấy một tin tức nóng hổi (chẳng hạn như tình trạng ở khu cách li mùa Covid-19) hay một bài viết mang kiến thức bổ ích (như bài phân tích về bệnh dịch và cách thức phòng tránh), cha mẹ hãy tag nhau và tag cả các con vào để cùng cập nhật tình hình trong nước và thế giới. Điểm mấu chốt ở đây là khi cả gia đình cùng chia sẻ những tin tức, kiến thức thú vị, cha mẹ và con sẽ có thêm nhiều chủ đề để bàn luận trong bữa ăn hay trước khi đi ngủ. Vừa khiến cuộc trò chuyện sôi nổi hơn, lại vừa hiểu nhau hơn thật nhiều.

4. Quay và chụp lại những hình ảnh thường ngày để giữ làm kỉ niệm

Điện thoại smartphone phát huy rất tốt tác dụng của mình khi nhắc tới chuyện ghi hình và chụp ảnh. Những chuyến du lịch thật xa, những bữa tiệc sinh nhật vui vẻ, những buổi đi ăn tối ở ngoài, những lần cả nhà cùng nhau vào bếp,… Cha mẹ hãy ghi hình/chụp ảnh lại những khoảnh khắc đáng nhớ này, rồi có thể sử dụng các ứng dụng tạo clip để “hô biến” thành những thước phim với nhạc nền sinh động. Đây sẽ là tư liệu quý giá giúp cả nhà trở nên gần gũi và thân thiết hơn rất nhiều.

5. Video call khi không ở cạnh nhau

Những dịp cha mẹ phải đi công tác, hoặc con sang nhà ông bà/cô chú chơi cùng các anh chị họ, hãy video call (gọi điện bằng video) để tương tác với con được nhiều hơn. Cùng là gọi điện, nhưng nói chuyện qua điện thoại sẽ gây nhàm chán và vì thế rất nhanh kết thúc. Ngược lại, video call giúp cha mẹ và con dễ dàng nhìn thấy những biểu cảm của nhau, nhờ đó giữ máy lâu hơn và cảm thấy thích thú khi được tương tác qua lại. 

Vậy là công nghệ không thực sự đáng lên án như chúng ta vẫn nghĩ. Cha mẹ chính là người quyết định xem nên tận dụng công nghệ như thế nào để giúp cả gia đình gần gũi với nhau hơn. Với những gợi ý chi tiết kể trên, RMIT hi vọng rằng cha mẹ sẽ có những khoảng thời gian tuyệt vời cùng con nhờ vào cách sử dụng công nghệ thật khéo léo. 

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.