tăng khả năng tập trung

Kỳ thi học kỳ 2 đang diễn ra tại nhiều trường phổ thông, đặc biệt đối với các học sinh cuối cấp thì trước mặt các con còn là những kỳ thi cực kỳ quan trọng. Vậy làm thế nào để giúp con tăng khả năng tập trung, giúp làm bài thi đạt kết quả cao hơn? RMIT gợi ý một số cách để cha mẹ giúp con tăng khả năng tập trung.

1️⃣ Tăng thời gian tập trung lên từng ít một

Khi mới bắt đầu quá trình luyện tập, con hãy đặt ra những mục tiêu nhỏ, vừa sức mình và tăng lên 5, 10 phút cho những lần sau. Ví dụ, hôm nay con đặt ra mục tiêu sẽ ngồi học môn Văn 20 phút và đặt đồng hồ đếm ngược. Hết khoảng thời gian đã đề ra, con có thể dừng lại và cho mình nghỉ ngơi khoảng 10 phút. Nếu sau đó con vẫn còn hứng thú, có thể tiếp tục học Văn, còn nếu không, con có thể chuyển sang học một môn khác.

Điều quan trọng con cần biết là đừng đặt ra những mục tiêu không tưởng ngay từ khi bắt đầu, ví dụ học liên tục 2 tiếng. Khi mục tiêu đặt ra ngoài tầm với thì tâm trí con sẽ tự thấy đây là thử thách quá lớn và sẽ tìm mọi cách trì hoãn. Không những vậy, khi không thể hoàn thành mục tiêu đề ra, con sẽ cảm thấy mình thất bại và không muốn cố gắng nữa. Hãy nhớ, đặt mục tiêu vừa sức và tăng lên dần dần. Điều quan trọng là con rèn luyện điều này hàng ngày, sau một thời gian nhìn lại con sẽ thấy mình tập trung lâu hơn hẳn.

2️⃣ Thiết lập lại thói quen đọc

Kể từ khi mạng xã hội và smartphone ra đời, các thói quen đọc cũ của chúng ta dần bị thay thế. Từ việc tập trung đọc cho xong một trang sách, một bài báo, chúng ta dần quen với việc đọc những đoạn ngắn, xen với hình ảnh và video. Môi trường này tạo cho não thói quen nhảy cóc, lướt từ thông tin này qua thông tin khác, quên ngay thông tin trước đó vừa đọc, đọc xong không lưu lại gì. Não dần mất khả năng đọc những bài viết dài, tiếp thu lượng thông tin lớn và khả năng tập trung lâu. Thế nên con có thể thiết lập lại thói quen này cho não, bằng cách đọc những bài viết dài, đọc sách, đọc những thông tin chuyên sâu và quan sát tâm trí của chính mình. Khi tâm trí bắt đầu ngọ nguậy, muốn con lướt điện thoại, hãy nhận biết cảm giác trong khi tiếp tục đọc. Sau một thời gian, con sẽ nhận thấy mình dễ tập trung hơn.

3️⃣ Tập thể thao, vận động cơ thể

Tâm và thân luôn kết nối sâu sắc. Con không thể có đầu óc sắc bén trong một cơ thể mỏi mệt. Vì vậy hãy vận động mỗi ngày, tăng nhịp tim, tăng tuần hoàn máu. Vận động kích thích cơ thể sản sinh tế bào mới trong đó có các tế bào thần kinh, giúp con làm việc trí óc dễ dàng hơn.

4️⃣ Viết lại những việc xen ngang vào tâm trí

Khi đang tập trung, con chợt nhớ ra mình cửa hàng mình thích đang giảm giá, hai ngày rồi chưa tưới cây, hoặc những việc lặt vặt tương tự, hãy ghi ra một danh sách riêng rồi tiếp tục làm việc chính. Sau đó khi đến quãng nghỉ hoặc đã xong việc chính, con có thể tự thưởng cho mình bằng cách làm những việc lặt vặt đã ghi ra. Vừa làm việc hiệu quả, vừa không bỏ lỡ những niềm vui nhỏ.

5️⃣ Tạo môi trường tập trung thuận lợi

Loại bỏ bớt nguồn cơn xao nhãng như để điện thoại im lặng, giữ không gian ngăn nắp sạch sẽ… khi cần tập trung học tập. Nhiều con có thể tập trung hơn khi học tập trong tiếng nhạc, vì thế, miễn là con cảm thấy thoải mái, con có thể học tập trên nền nhạc nhè nhẹ. Các âm thanh này có thể giúp não bộ của con làm việc tốt hơn.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.