Áp lực, trong góc nhìn của nhiều bậc phụ huynh, thường là cái gì đó không tốt. Vì thế, nhiều bố mẹ ra sức thay con giải quyết những áp lực trong cuộc sống với lý do thương con mà không biết rằng, ở một mức độ nào đó, áp lực lại đóng vai trò rất lớn trong việc mài giũa con nên người. Điều quan trọng là, bố mẹ và con biết cách phân biệt đâu là áp lực nên có và đâu là những áp lực không cần thiết.
Vậy áp lực tốt là gì?
Đó là những sức ép khiến chúng ta cảm thấy khó chịu một cách vừa đủ để tạo ra động lực phát triển trong cuộc sống. Chúng ta đều biết rằng quá nhiều áp lực sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và kết quả, thế nhưng nếu biết cách tận dụng và kiểm soát mức độ căng thẳng nhất định trong việc học tập và cuộc sống của con thì điều đó hoàn toàn có thể mang lại lợi ích không ngờ cho bản thân con.
Làm sao để giúp con biến “áp lực” thành “động lực”? RMIT gợi ý với cha mẹ 5 cách tạo “áp lực tốt” cho con như dưới đây.
Cách 1: Tạo điều kiện để con thử sức trong nhiều lĩnh vực
Hãy đưa cho con những “lời đề nghị không thể chối từ”. Đó có thể là cơ hội tham gia một lớp học nhạc cụ mới, một ngôn ngữ mới, hay tham gia các buổi chia sẻ về định hướng nghề nghiệp tương lai tại các trường đại học. Có thể con không cảm thấy hứng thú ngay từ đầu, thậm chí cảm thấy áp lực khi phải dành thời gian cho những điều con chưa biết, chưa thích, nhưng bố mẹ hãy cứ tin rằng con sẽ nhận ra lợi ích của việc khám phá và trải nghiệm sớm thôi.
Ở độ tuổi của con, không phải bạn trẻ nào cũng ý thức được tầm quan trọng của việc ném mình vào thật nhiều thử thách mới. Bởi khi làm những việc con chưa từng làm, con sẽ có cơ hội khám phá rất nhiều khía cạnh của bản thân mà con chưa từng biết. Dù có thể sẽ căng thẳng, nhưng nhờ vậy, con sẽ sớm nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu; sở trường, sở đoản của bản thân để áp dụng vào định hướng sự nghiệp sau này.
Cách 2: Cho con lựa chọn và chịu trách nhiệm với hành động của mình
Thay vì kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của con, cha mẹ hãy để con được đưa ra những lựa chọn của riêng mình. Dù có thể con sẽ đi lầm đường hay thất bại, nhưng khi con tự trách nhiệm với quyết định của mình, cũng giống như con vấp ngã và tự tìm cách đứng lên bằng đôi chân của chính mình, con sẽ xây dựng được nền tảng thúc đẩy con tiến về phía trước mà không cần cha mẹ phải liên tục ở bên cạnh nhắc nhở, bảo ban, mà chỉ cần giảng giải con khi con mắc sai lầm. Việc cha mẹ cần làm là hãy luôn đồng hành cùng con, hãy coi trọng quá trình phấn đấu của con chứ không phải kết quả. Đây là cách truyền cho con ngọn lửa nhiệt huyết và niềm tin vào chính mình. Chỉ đơn giản là một phần quà nhỏ hoặc những lời khen thưởng sẽ là nguồn động viên vô bờ giúp con tiếp tục phấn đấu.
Cách 3: Giao cho con quán xuyến việc nhà
Sinh ra trong một môi trường đầy đủ về vật chất khiến thế hệ trẻ ngày nay hiếm khi phải “đụng tay đụng chân” vào các công việc gia đình. Khi bị giao phó trách nhiệm quán xuyến việc nhà, chắc chắn sẽ có lúc con cảm thấy không thoải mái chút nào khi có biết bao nhiêu cơ hội vui chơi giải trí ngoài kia thì ngày ngày lại bị ràng buộc vào các hoạt động như dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, đi chợ.
Do bị tác động bởi yếu tố thời gian và áp lực từ phía bố mẹ, con sẽ phải tìm cách cân bằng và phân bổ mức độ ưu tiên hợp lý giữa những buổi tụ tập ngoài giờ học và gia đình. Việc duy trì thói quen chăm sóc cho gia đình như vậy sẽ rất tốt trong việc giúp con rèn luyện tính độc lập và năng lực tự lãnh đạo bản thân, đồng thời hạn chế việc con dành quá nhiều thời gian cho những hoạt động bên ngoài một cách không hợp lý.
Cách 4: Giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội
Khác với thế hệ của cha mẹ, thế hệ của con có cuộc sống gắn liền với mạng xã hội. Mọi hoạt động từ học tập, kết nối với bạn bè, hay giải trí đều được gói gọn trong chiếc màn hình điện tử.
Tần suất sử dụng mạng xã hội của con lại càng tăng thêm sau năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc phải thay đổi một thói quen chưa bao giờ là chuyện dễ dàng với bất cứ ai, tuy nhiên cha mẹ cũng không thể cứ để con đắm chìm vào mạng xã hội một cách thiếu kiểm soát.
Chắc chắn con sẽ không vui khi thời gian hoạt động trực tuyến của bản thân bị giới hạn. Con sẽ phải thay đổi thói quen và dần học cách tổ chức lại quỹ thời gian mà bố mẹ cho phép con hoạt động trên mạng xã hội.
Có thể con chưa nhận ra giá trị của việc này ngay, nhưng về lâu về dài, con sẽ thấy sức khỏe được cân bằng cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Sẽ có rất nhiều điều để con khám phá và học hỏi ở thế giới ngoài kia trong khi những người khác đang quay cuồng với những cú nhấp chuột.
Cách 5: Cố định những buổi trò chuyện gia đình
Không phải người con nào cũng cảm thấy thoải mới việc chia sẻ cùng bố mẹ. Đôi khi việc nói về bản thân với bố mẹ còn là một việc gì đó rất căng thẳng trong suy nghĩ của con. Bởi khoảng cách thể hệ đôi khi có thể khiến cách trò chuyện hoặc cách nhìn nhận vấn đề của hai bên không hợp nhau, dẫn đến nhiều tình huống khó xử.
Tuy nhiên, cho dù có hợp nhau hay không thì việc chia sẻ về cuộc sống giữa các thành viên trong gia đình vẫn là điều nên làm. Có thể ban đầu, con sẽ cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, nếu bố mẹ giữ được tâm thế cởi mở, không đánh giá, không phán xét khi trò chuyện, thì chắc chắn con sẽ dần cảm thấy thoải mái hơn.
Cả nhà hãy thống nhất dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày hoặc trong tuần với nhau. Điều này không chỉ giúp bố mẹ biết được những áp lực con đang gặp phải, mà còn giúp con phát triển kỹ năng giao tiếp, thuyết phục và trình bày vấn đề. Ngoài ra, việc thường xuyên phải trao đổi còn giúp con học được cách nhìn nhận sự việc sâu sắc hơn trước khi làm một việc gì đó thông qua ý kiến của thế hệ đi trước.
Linh hoạt trong các tình huống khác nhau
Một lời khuyên trước khi bố mẹ thực hiện bất cứ điều gì, chính là hãy luôn có sự trao đổi và linh hoạt với con. Ở độ tuổi thanh thiếu niên, con rất nhạy cảm, có phần bốc đồng và rất giàu cảm xúc. Bố mẹ đừng ngại là người mở lời trò chuyện với con, và cũng đừng ngại bao dung, tha thứ cho những điều chưa hoàn hảo của con.
Hiểu rằng áp lực sẽ mài giũa con người, nhưng bố mẹ cũng đừng quá nghiêm khắc mà quên lắng nghe cảm xúc của con. Nếu nhận thấy con có đủ áp lực rồi, hãy để con được nghỉ ngơi đúng nghĩa và giúp con thư giãn khi cần thiết. Chỉ khi con thật sự khỏe mạnh để cảm nhận được tình yêu thương và sự hòa thuận từ cả hai phía, mọi áp lực mới có thể biến thành động lực.