4 yếu tố cần cân nhắc khi thuê nhà cho con

Bước vào đại học, nhiều sinh viên đã bắt đầu học cách sống xa nhà và phải tự lo nhiều hơn cho cuộc sống của bản thân. Điều này khiến gia đình nào cũng phải cân nhắc và “trăn trở” nhiều để có thể thu xếp ổn thỏa nhất cho các con. Sinh viên RMIT cũng không phải là ngoại lệ. Phần bình luận cho chủ đề “sống xa nhà” của các cha mẹ hai đầu cầu Hà Nội và Sài Gòn trong Nhóm RMIT & Cha Mẹ đã nhận được hàng trăm lượt tương tác. Bài viết này sẽ tổng hợp các băn khoăn thường gặp và giới thiệu với cha mẹ 4 yếu tố cơ bản cần cân nhắc khi bắt đầu thuê nhà cho con.

1. “Khu vực dân cư đó thế nào?”

Chọn nhà cho con, không thể xem nhẹ việc đánh giá chất lượng của khu dân cư. Yếu tố đầu tiên là sự an toàn. Vậy nên, những khu vực đảm bảo an ninh và riêng tư như chung cư, khu đô thị thường được cha mẹ ưu ái hơn. 

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa nhà tới trường học cũng rất quan trọng. Ở Sài Gòn, sinh viên RMIT thường được gia đình chọn thuê nhà tại khu Sài Gòn Mia (cách trường 800m) hay Hưng Vượng (cách trường gần 2km và cùng phía trên trục đường Nguyễn Văn Linh nên các con không phải sang đường). Ở Hà Nội lại có khu Ngọc Khánh Plaza chỉ cách khuôn viên RMIT một hồ nước, con được thoải mái đi bộ đến trường và tận hưởng không khí mát mẻ trong lành. 

2. “Các tiện ích sinh hoạt đầy đủ đến đâu?”

Bên cạnh vị trí, các tiện ích sinh hoạt nội khu và trong nhà cũng rất quan trọng. Các con sinh viên sẽ cần tới siêu thị, khu gửi xe, nhà thuốc, một vài cửa hàng ăn uống sạch sẽ gần nhà. Ở RMIT Sài Gòn, các con sinh viên từ Hà Nội chuyển vào học tập còn ưa chọn khu vực gần các quán ăn có món Bắc. 

Về tiện ích trong nhà, không gian học tập – ngủ và bếp nên được trang bị đủ và tách bạch với nhau. Các con có thể ở lại trường để học bài trên thư viện, tuy nhiên việc có một góc học tập tại nhà vẫn là điều lý tưởng hơn cả. Phòng bếp dù nhỏ nhưng cũng nên có bởi điều này sẽ giúp con học cách tự chăm sóc cho bản thân và tiết kiệm được nhiều chi phí đi ăn ngoài. 

3. “Có nên có bạn cùng phòng không?”

Với các con năm nhất, việc cả nhóm sinh viên ở chung một phòng ký túc xá là chuyện hết sức bình thường. Một cha mẹ chia sẻ: “Mình nghĩ năm đầu đăng ký ở ký túc xá cho an tâm, sau 1 năm tính tiếp khi cháu đã quen biết môi trường gần trường. Vì nếu ở ngoài sẽ có thêm các vấn đề: ăn uống, đi lại, an ninh… Mà thời gian đầu dành cho học tập quan trọng hơn, trọ ở ngoài chưa nói các vấn đề khác, chỉ do bị mất thời gian đi lại, ăn uống vì nơi ở trọ mà rớt 1 tín chỉ là tổng phí còn cao hơn nội trú.” 

Thế nhưng càng lớn, các con lại càng thích sở hữu một không gian của riêng mình. Bởi không chỉ có cuộc sống thoải mái hơn, không phải “giữ ý” trước mặt người khác 24/24 mà ngay cả chuyện chia sinh hoạt phí, chia không gian phòng cũng không còn làm con phải đau đầu tính toán nhiều. 

4. “Có nên ở nhờ nhà người thân không?”

Đây là lựa chọn vốn được các bậc cha mẹ hết sức tin tưởng, đặc biệt là đối với các gia đình có con gái. Bởi “ở nhờ” – tuy cha mẹ vẫn gửi tiền sinh hoạt cho con – vẫn luôn tiết kiệm và an toàn hơn các lựa chọn thuê nhà bên ngoài.

Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp mà việc ở nhờ nhà người thân lại đem đến những trải nghiệm khác nhau. Một số con may mắn sẽ được ở cùng với những cô dì chú bác dễ tính, dễ gần, sẵn sàng bảo bọc con và bỏ qua những “trái tính” của tuổi tập trưởng thành này. Nhưng nếu người họ hàng đó khó tính hoặc kinh tế chưa đủ vững, việc ở chung sẽ là điều bất tiện cho cả hai phía. Vì vậy, nếu con đã dần quen với cuộc sống ở một thành phố mới và gia đình có điều kiện, để con được sống tự lập và coi nhà người thân như một chỗ dựa cho con những lúc gặp khó khăn sẽ là một lựa chọn hợp lý hơn. 

Vậy, theo cha mẹ, còn điều gì cần đặc biệt lưu ý nữa khi cùng con chọn nhà?

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.