Làm việc tại nhà, học tại nhà hay cách ly xã hội khiến chúng ta có nhiều thời gian online hơn. Vậy có những trang tin nào để cập nhật được những thông tin tích cực, khách quan, đa chiều? Bài viết dưới đây sẽ đem lại 4 gợi ý về 4 trang tin với những chủ đề khác nhau, trang nào cũng đầy ắp suy tư, chứa đựng những câu chuyện thời sự nóng hổi mà đôi khi, ta có thể thấy một phần cuộc sống của mình tại đó.
1. Chuyện y tế
Ở phần giới thiệu đầu trang cá nhân, chủ của trang Facebook có hơn 80,000 người theo dõi này đề dòng chữ: “Một người Sài Gòn yêu tổ quốc”. Ở đây, người ta có thể đọc về những vấn đề thời sự nhất, qua lăng kính “đời” nhất – từ chuyện tặng hoa cho người khỏi bệnh, chuyện cung cấp táo và nho cho người cách ly đến một mẩu tin nhắn với cô tiếp viên hàng không chuẩn bị bay… Những chuyện không vĩ mô nhưng là hình hài thực sự của “cuộc chiến COVID” mà chúng ta có thể nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy mỗi ngày.
Chủ trang Facebook không có một “quy định” về ngôn ngữ nào trên không gian mạng. Anh thường viết với một trái tim nóng hổi, một cá tính thẳng thắn, quyết liệt và có phần “đanh đá” rất giống với những gì mà người ta gọi anh – “anh Ba Sài Gòn”. Khi tức giận, anh chửi tục. Nhưng chính vì thế mà khi đã đọc dòng đầu tiên trong một bài viết của anh, rất có thể người ta sẽ đọc tới dòng cuối cùng. Những con chữ của anh đầy cảm xúc.
Điều đặc biệt là, dù những cảm xúc ấy có dữ dội đến đâu, đọng lại sau cùng, người ta sẽ luôn tìm thấy một đôi dòng mộc mạc, trầm lặng và thấm thía, tỉ như: “Dịch bệnh làm ta hiểu rằng, hoá ra loài người không cần nhiều tài sản như thế để được hạnh phúc.”
Liên kết đến trang: https://www.facebook.com/mrquockhanh7979
2. Chuyện văn hoá – kinh tế – xã hội
Có lẽ nhiều người đã quen thuộc với những gương mặt trên chuyên mục này. Hầu như ai cũng có thể đóng góp ngòi bút của mình trên đây, nhưng phần lớn là giới trí thức và doanh nhân. Mùa dịch COVID-19 này, trên “Góc nhìn” có nhiều bài viết mới. Tâm sự của một người mẹ thuyết phục con không về, lời kêu gọi cảm thông của một bác sĩ, trải lòng của một người mộ đạo giữa quy định “không tập trung đông người”… là những câu chuyện được quan tâm nhiều. Trong đó, bài viết với tiêu đề 3 chữ “Tôi nhiễm nCoV” của một du học sinh Anh ở top đầu, có cả trăm bình luận.
Ở đó, em kể về những biến động trong sức khoẻ và cảm xúc của mình khi virus xâm nhập cơ thể. Qua những dòng tâm sự ấy, chúng ta chợt hiểu hơn những đồng bào bay về nước trong những ngày này. Thay vì quy chụp họ như những “kẻ có tội”, “mang mầm bệnh về tổ quốc”, chúng ta nhận ra họ là con, em của một gia đình Việt nào đó, họ cũng muốn được đất nước dang rộng vòng tay đón vào những lúc hiểm nguy nhất, và hơn hết, đứng trước dịch bệnh, họ cũng là con người với những nỗi sợ, niềm đau chung.
Có cơ hội bước vào phía sau lăng kính của một người khác, chúng ta hiểu nhiều hơn, vì thế thận trọng và sống bao dung hơn. “Góc nhìn” là một chuyên mục đáng đọc, bởi nó được xây dựng bởi sự tử tế như thế.
Liên kết đến trang: https://vnexpress.net/goc-nhin
3. Chuyện làm bếp
Đây là trang Facebook được duy trì bởi một gương mặt quen thuộc và đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực ẩm thực. Trên trang cá nhân của chị, chúng ta không chỉ tìm thấy những công thức nấu ăn đơn thuần mà còn có thể tìm thấy ở đó những niềm vui nho nhỏ của một người mẹ, người vợ đang lan toả, reo tí tách. Một mâm cơm mừng tân gia… “không họ hàng”, một tấm đá kệ bếp “dấu yêu” bê nguyên khối từ Brazil về,… Phan Anh cứ túc tắc kể về gia đình nhỏ của mình một cách dí dỏm như thế. Giữa hàng chục tin xấu bủa vây mỗi ngày, trang cá nhân của chị là một nguồn lạc quan ấm áp.
Bên cạnh đó, nhóm “Yêu bếp” mà chị sáng lập cũng là một cộng đồng rất được lòng các tín đồ nấu nướng trong thời gian này. Hàng trăm công thức nấu ăn, từ cách dùng nồi chiên không dầu đến pha một bát nước chấm ngon đều có cả. Không chỉ vậy, “Yêu bếp” còn đem đến những phút giây thư giãn vui vẻ với nhiều phong trào như “khoe chồng đảm”, “làm bánh cuốn”, “đánh giá máy rửa bát”… lôi kéo nhiều màn trổ tài “gay cấn” của các thành viên. Đọc những câu chuyện gần gũi này, chúng ta đều sẽ mỉm cười mà đồng ý rằng “Kệ những bộn bề ngoài kia thôi nhỉ. Mỗi ngày về nhà quây quần dưới ánh đèn vàng này, đủ ấm êm rồi…”
Liên kết đến trang: https://www.facebook.com/esheep.esheep
4. Chuyện hoạt động cộng đồng
Nếu hứng thú với các chủ đề liên quan tới cộng đồng và phát triển cá nhân, trang cá nhân của chị Nguyễn Phi Vân – người đã từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp kinh doanh nhượng quyền đa quốc gia – sẽ là một gợi ý đáng theo dõi. Những bài viết trên trang cá nhân của chị súc tích, đúng và trúng, đi thẳng vào vấn đề.
Người trẻ và các bậc cha mẹ có con đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành có thể tìm thấy nhiều lời khuyên từ chị. Chị không đưa ra những lời nhận xét chung chung kiểu: “làm thế này thì tốt, làm thế này thì không tốt”, mà vạch ra cơ hội nếu chọn đúng, nguy cơ nếu chọn sai. Bàn về thái độ làm việc, chị chọn viết về bản “COVID JDs” (mô tả công việc thời COVID) với những nhân viên đòi hỏi chỉ làm đúng những công việc đã được ghi trong hợp đồng. Câu trả lời của chị rất rõ ràng: “Rồi sẽ đến lúc phải đưa ra quyết định rất khó khăn về việc cắt giảm nhân sự, và cũng không có cách nào khoa học hơn là bắt đầu từ những nhân sự phàn nàn về JD.” Chỉ vậy, là người đọc hiểu.
Những chia sẻ của chị Vân không chỉ đem đến những góc nhìn mới về kinh doanh, hoạt động cộng đồng mà còn là nơi các bạn trẻ tìm được những bài học hay trên con đường trưởng thành của mình. Vì thế, trang cá nhân này là địa chỉ tin tức hữu ích dành cho cả gia đình.
Liên kết đến trang: https://www.facebook.com/NguyenPhiVanVietnam
Đâu là cái tên mà anh chị ấn tượng nhất? Cha mẹ hãy chia sẻ với các bậc cha mẹ khác và RMIT trang thông tin yêu thích của mình nhé!