4 khó khăn những đứa trẻ hướng ngoại thường gặp

Những đứa trẻ hướng ngoại luôn tạo được ấn tượng tốt và sự an tâm tuyệt đối từ người lớn: chúng tràn trề năng lượng, thích kết nối và đầy tự tin. Tuy nhiên, sự hướng ngoại cũng có những điểm yếu riêng của nó, thứ mà cha mẹ thường dễ bỏ quên đi bởi tính cách vốn sẵn năng động của con. Vậy đâu là những điểm cha mẹ cần lưu ý khi con có tính cách hướng ngoại?

1. Dễ bị dao động tâm lý 

Người hướng ngoại yêu việc giao tiếp với những người xung quanh. Họ được tiếp thêm năng lượng và sự tự tin khi đứng giữa một đám đông nào đó. Kết bạn, trò chuyện, hay thậm chí là tranh luận, đều khiến người hướng ngoại cảm thấy mình có giá trị và cuộc sống thật hữu ích. Tuy nhiên, điều này cũng khiến họ giống như “đặt cược” niềm vui của mình vào trạng thái các mối quan hệ. 

Cha mẹ có thể thấy các con sống hướng ngoại thay đổi cảm xúc thất thường hơn các con sống nội tâm. Đôi khi chỉ vì một xích mích tình cảm nhỏ, một câu nói ác ý từ người ngoài cũng có thể là nguyên nhân gây nên những xáo trộn tâm lý lâu dài. Vì thế, cha mẹ nên để ý hơn các cảm xúc của con để cùng con kịp thời giải quyết, đặc biệt là ở trong lứa tuổi dậy thì nhiều biến động này. 

2. Luôn mong muốn mình trở thành trung tâm của sự chú ý

Người hướng ngoại đặt nhiều tâm sức vào những mối quan hệ. Con có thể dành nguyên một buổi tối chọn lựa trang phục trước khi tham dự một sự kiện, không tiếc công sức đóng góp vào một chương trình tình nguyện nào đó ở trường. Nếu như những đứa trẻ hướng nội có thể giải trí và lấy lại năng lượng bằng việc ở một mình đọc sách, xem phim hay viết lách thì những đứa trẻ hướng ngoại làm cảm thấy vui vẻ và dễ chịu khi được “ở trong” một cộng đồng nào đó. 

Cũng chính vì sự “cống hiến” này mà người hướng ngoại cũng kỳ vọng nhiều hơn ở những người xung quanh. Con không chỉ mong muốn được tham gia, được trò chuyện hay chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ cùng bạn bè mà còn muốn mình trở nên nổi bật nhất, là ngôi sao sáng của bất kỳ đám đông nào. Nắm được tâm lý này, bên cạnh việc khuyến khích con phát triển cá tính của mình, cha mẹ cũng nên giải thích để con hình thành tính cách khiêm tốn và biết trân trọng điểm mạnh của cả những người khác. 

3. Khó tập trung 

Với bản tính năng động của mình, người hướng ngoại dường như thật khó để ngồi yên một chỗ. Điều này đôi khi gây nên những rắc rối nho nhỏ, đặc biệt là trong việc học tập như con nói chuyện trong lớp nhiều hơn, thời gian tập trung trên bàn học ngắn hơn hay đôi khi là mải tham gia vào các hoạt động ngoại khoá mà bỏ quên cả việc học. 

Nếu đã hiểu được tâm lý này của con, cha mẹ không nên trách con “lười học” hay quy kết là “chỉ thích đàn đúm” mà nên khéo léo tìm cách “cài cắm” việc học vào những hoạt động có tính cộng đồng hơn như: học theo nhóm, tham gia vào các cuộc thi, khuyến khích con nhận các vai trò như trưởng nhóm, phụ trách nhân sự trong lớp… Khi không còn phải đối diện với “sự cô đơn” và có sự cạnh tranh ngầm từ bạn bè, chắc chắn con sẽ có động lực để tập trung học hơn. 

4. Dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác

Thế giới bên ngoài là cả bầu trời của những đứa trẻ hướng ngoại. Các con rất coi trọng sự công nhận từ những người xung quanh. Cũng chính vì suy nghĩ này mà những đứa trẻ hướng ngoại thường khó giữ chính kiến của mình. 

Đặc biệt, điều này có ảnh hưởng rất lớn đến giai đoạn lựa chọn ngành nghề vào ngưỡng cửa đại học của con. Con có thể coi một ngành là tốt đơn giản chỉ vì đó là một cái tên thịnh hành, được nhiều người tung hô vào thời điểm đó mà quên hỏi chính mình muốn gì, giỏi cái gì. Vì vậy, con sẽ rất cần cha mẹ đồng hành để tìm và bảo vệ được sự lựa chọn phù hợp nhất với mình. Sự công nhận của xã hội quan trọng, nhưng sự công nhận từ chính bản thân con mới đem lại hạnh phúc dài lâu.

Một đứa trẻ hướng ngoại sẽ đem lại sự ấm áp cho bất cứ nơi đâu con đặt chân đến. Với sự thấu hiểu và sự định hướng đúng đắn của cha mẹ, chắc chắn con sẽ lớn lên tự tin, dễ gần và tràn đầy năng lượng tích cực. 

Giang Nguyễn

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.