Trong quá trình làm việc tại RMIT, chúng tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều học sinh cấp 3 trong quá trình chọn ngành học. Một vấn đề chúng tôi nhận thấy, là rất nhiều con không biết mình muốn gì, thích gì, có thể làm được gì và bản thân các con rất khổ tâm với điều đó.
Việc thiếu kết nối với chính mình khiến các con rất mù mờ khi nhìn vào tương lai. Con không thể quyết định được con đường nào là phù hợp với bản thân, không biết đâu là đích cần đến, con đường nào cần đi. Điều này dẫn tới việc con sẽ có nhiều nuối tiếc với lựa chọn của mình sau một vài năm học sai ngành, làm sai việc.
Điều đáng nói là nhiều bậc cha mẹ đến khi con lớn mới nhận ra vấn đề này ở con, nhưng bất lực và bối rối không biết làm sao để cải thiện tình hình, bởi chính cha mẹ cũng thiếu hụt những kỹ năng tương tự.
Bởi lẽ, hiểu về bản thân là cả một quá trình dài cần thời gian để suy ngẫm và khám phá. Có thể thấy, một phần lý do các con không hiểu rõ mình nằm ở chỗ con thiếu những hoạt động định hướng cần thiết từ cha mẹ hay người chăm sóc.
Chúng tôi xin giới thiệu với cha mẹ 4 hoạt động dưới đây nhằm giúp cha mẹ hỗ trợ con tìm thấy chính mình dễ dàng hơn, cho dù con bạn ở lứa tuổi nào, kể cả đang ở năm cuối cấp 3, và thậm chí có ích với chính cha mẹ. Hành trình khám phá bản thân, cho dù bắt đầu khi nào, cũng không bao giờ là muộn.
Học thêm những điều mới
Khuyến khích con đọc, học, và thử những điều mới khi con có thời gian rảnh. Con không thể thực sự biết mình có năng khiếu gì, phù hợp với điều gì, mong muốn gì khi con chưa trực tiếp “nhúng” mình vào những hoạt động thực tế.
Làm các bài kiểm tra tính cách và tố chất
Hãy tận dụng các công cụ khoa học có sẵn để xem các chuyên gia nói gì về con. Có một loạt bài kiểm tra rất thiết thực và tương đối uy tín về tính cách, trí thông minh, thiên hướng nghề nghiệp… mà con có thể thử, ví dụ như:
– Trắc nghiệm hướng nghiệp RIASEC (Holland Code Test) Bài kiểm tra này chia tính cách con người thành 6 nhóm tương ứng với 6 nhóm công việc khác nhau bao gồm: Realistic (Nhóm Kỹ thuật: thích lao động thể chất), Investigative (Nhóm Nghiên cứu: thích tư duy tìm tòi), Artistic (Nhóm Nghệ thuật: thích sáng tạo, nghệ thuật), Social (Nhóm Xã hội: thích tương tác, hỗ trợ cộng đồng), Enterprise (Nhóm Quản lý: thích kinh doanh, khởi nghiệp), Conventional (Nhóm Nghiệp vụ: thích công việc ổn định, an toàn). Bài trắc nghiệm Holland rất hiệu quả để con xác định thiên hướng công việc của mình. RMIT đã có nhiều bài viết chuyên sâu về Hướng nghiệp cho con theo các nhóm Holland, cha mẹ có thể tìm đọc tại ĐÂY
– Trắc nghiệm MBTI là phương pháp sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm tâm lý để phân tích tính cách của con người. MBTI được sử dụng rộng rãi do mang lại kết quả khá chính xác, giúp con người hiểu rõ bản thân và xác định công việc phù hợp với mình.
– Trắc nghiệm 5 tính cách Bài trắc nghiệm này tập trung đánh giá vào 5 khía cạnh tính cách cơ bản của mỗi cá nhân bao gồm: sự cởi mở (khả năng thích ứng), sự tỉ mỉ tận tâm, khả năng tương tác với người khác, thiên hướng hướng ngoại hay hướng nội, và mức độ lo âu thất thường.
– Trắc nghiệm 7 loại trí thông minh Khoa học cho rằng mỗi người sở hữu một loại trí thông minh khác nhau (trí thông minh số học, ngôn ngữ, không gian, âm nhạc, vận động, tương tác và nội tâm). Bài kiểm tra này cho con biết con sở hữu loại trí thông minh nào để con tự tin về thế mạnh của bản thân và xác định nghề nghiệp tương lai một cách phù hợp..
Dành thời gian để tự suy ngẫm về bản thân
Cha mẹ nên hướng dẫn con dành những khoảng thời gian nhất định để tự ngẫm nghĩ về chính mình. Con hãy tự hỏi: những điều con từng làm đã thực sự nỗ lực chưa, nếu chưa thành công thì tại sao, nếu tốt rồi thì còn có thể làm tốt hơn không và bằng cách nào, những điều con thực sự muốn đạt được, con cần làm gì để biến những ước mơ thành sự thật?… Những suy nghĩ này con có thể viết ra giấy, hoặc đi dạo và nghĩ trong đầu. Cha mẹ cũng có thể hướng dẫn con thiền, hoặc cho con tham dự khóa học thiền để đầu óc trở nên minh mẫn, tỉnh táo hơn.
Duy trì đối thoại cha mẹ và con
Cha mẹ nên dành những khoảng thời gian định kỳ để tâm sự và trao đổi cảm nghĩ với con. Đây không phải là buổi góp ý về thái độ hay ứng xử của con, mà nên là buổi nói chuyện gợi mở để con tự suy nghĩ về bản thân.
Cụ thể hơn, cha mẹ nên đặt những câu hỏi mở để con trả lời, thay vì đưa ra nhận xét, đánh giá và càng không nên phán xét. Ví dụ: đừng nói: “Con cư xử thế là không được”, hãy hỏi “Tại sao con lại làm thế? Con nghĩ làm như vậy sẽ dẫn đến hậu quả gì?”. Thay vì nói: “Người đàn ông đó không xứng đáng”, hãy hỏi con “Con nghĩ ông ta có cần được giúp đỡ không? Điều gì làm con nghĩ vậy? Nếu con ở trong hoàn cảnh của ông ta, con sẽ làm như thế nào?”. Mỗi một lần tư duy để trả lời những câu hỏi này là một lần con rèn luyện chiêm nghiệm về bản thân mình.
Cha mẹ hẳn nhận thấy khi xã hội càng phát triển, con người càng trở nên cô đơn, sự kết nối với người khác đôi khi trở thành xa xỉ. Nhưng hãy luôn nhớ, kết nối bền vững nhất chính là kết nối với bản thân mình. Đó là nền tảng để mỗi con người vững vàng trước mọi biến cố, bởi vì nó mách bảo chúng ta làm điều đúng đắn, điều phù hợp nhất với chính bản thân mình.
👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.
👉 Đọc thêm các bài viết hay về cách nuôi dạy và làm bạn với con tại ĐÂY