Ba mẹ à,
Mọi người vẫn thường nhận xét rằng con hay ngượng ngùng và nhút nhát. Con cũng tự nhận thấy điều này chứ, và con luôn thắc mắc tại sao mình không được tự tin như nhiều bạn khác. Con biết mình phải chủ động thể hiện bản thân nhiều hơn, nhưng giá như ba mẹ cùng giúp con thực hiện điều đó. Nếu ba mẹ thử một lần lắng nghe con, kiên nhẫn với những sai lầm của con, để ý hơn tới những lời nói “vô tư” khi trách mắng con, thì có lẽ con đã không cảm thấy tự ti nhiều đến vậy.
1. “Thằng Lâm nó bằng tuổi con mà làm được bao nhiêu việc rồi kìa!“
Không rõ “bao nhiêu việc” của Lâm là những gì, nhưng con cũng đã tự làm được kha khá việc rồi đó chứ. Cậu ấy có thể đã biết đi làm gia sư để kiếm tiền tiêu vặt, có thể đã lên chức Chủ tịch tại một Câu lạc bộ nào đó trong trường, có thể đã tự đi du lịch một mình tới một đất nước xa lạ. Nhưng con cũng có cuộc sống của riêng mình, cũng đạt được những thành tựu mà tự bản thân con cho là vẻ vang, cũng cố gắng tiến bộ so với ngày trước. Con tự học tiếng Anh, đạt giải một cuộc thi viết dù cuộc thi ấy không được nổi tiếng cho lắm, giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa vào mỗi cuối tuần. Những gì con làm được chẳng “to tát” như Lâm, nhưng đối với con của ngày trước, thì con đang dần lớn lên và ngày càng làm được nhiều việc hơn đó chứ. Vậy thì con với Lâm, thực chất vẫn có những cố gắng ngang bằng.
2. “Có mỗi việc học mà cũng không xong thì còn làm được trò trống gì.”
Đâu phải cứ điểm kém thì sẽ “không làm được trò trống gì”? Con có thể không học giỏi các môn tự nhiên, nhưng ở trường, con luôn được mọi người “trầm trồ” khen ngợi giọng hát. Con có thể không xếp trong top 5 hay top 10 của lớp, nhưng con hăng hái tham gia các hoạt động ngoại khóa ngoài kia, biết cách tổ chức một sự kiện nho nhỏ. Nếu ba mẹ cứ mắng con hoài bằng câu nói đó, con sẽ mãi cho rằng “học kém” thì chẳng làm được việc gì khác. Rồi con sẽ tiếp tục tự ti và cho rằng bản thân yếu kém. Con học với tâm trạng không thoải mái, và cũng chẳng thiết tham gia bất cứ hoạt động nào. Lúc ấy, con thực sự trở thành một người “không làm được trò trống gì”, ba mẹ ạ.
3. “Con cục tính giống y ba. Học cái hay không học, toàn học cái xấu.“
Mẹ ơi, con không hề chọn “học cái xấu”. Có thể con có những hành động và cách cư xử giống ba, nhưng không phải là do con cố tình bắt chước. Con yêu thương và tôn trọng ba mẹ. Con ở bên ba mẹ nhiều hơn bất kì ai khác. Bởi vậy nên tính cách của con, không giống ba mẹ, thì có thể giống ai được nữa? Khi mẹ nói như vậy với con, con lại lăn tăn trăn trở xem liệu mình có nên trở thành một người giống ba? Liệu… ba có phải là một hình mẫu tốt? Hay con là một “phiên bản lỗi” của ba? Giá như mẹ phân tích cho con hiểu “cục tính” là như thế nào, tính cách đó sẽ gây ra những hậu quả ra sao, thì con sẽ bớt tức giận, bớt buồn rầu và bớt tự ti đi một chút.
4. “Sao nói mãi rồi mà không khôn lên được hả? Con có biết suy nghĩ không?“
Có thể là vì con không dọn dẹp phòng hàng tuần. Có thể là vì ăn xong con không rửa bát ngay lập tức. Hay cũng có thể là vì con hay thức khuya, không nghe lời ba mẹ đi ngủ sớm. Con biết, ba mẹ phải nhắc con rất nhiều lần, nhắc đi nhắc lại những việc mà con mãi vẫn chưa chịu thay đổi. Nhưng con nghĩ để hình thành một thói quen thì cần nhiều hơn là những lời mắng mỏ hay trách móc. Đó đâu phải câu chuyện cứ “khôn” là làm được, cứ “biết suy nghĩ” là sẽ xong. Ba mẹ nói như vậy chỉ khiến con cảm thấy tức giận, cảm thấy không được tôn trọng, và không muốn tự mình thay đổi. Thêm bực dọc mà lại không giúp thay đổi hành vi, con thấy câu nói này không phù hợp.
Con đã lớn, con có những suy nghĩ và cảm xúc của riêng mình. Khi cảm thấy không hài lòng về một điều gì đó, ba mẹ hãy gọi con ra, nói chuyện, phân tích cho con hiểu và cùng con tìm cách giải quyết. Những lời trách móc “vô thưởng vô phạt” chẳng khác nào những “cái tát” vô hình, chúng làm tổn thương con nhiều lắm. Con biết mình còn cần hoàn thiện bản thân nhiều hơn, nhưng ba mẹ hãy kiên nhẫn cùng con đi từng bước một nhé? Chặng đường phát triển của con, mong rằng sẽ luôn luôn có ba mẹ kề bên.