“Khi một vật tác dụng lực lên vật thể thứ hai, vật thứ hai sẽ tác dụng một lực cùng độ lớn và ngược chiều về phía vật thứ nhất.”
Cha mẹ có còn nhớ bài học vật lý này hay còn gọi là định luật 3 Newton? Điều đó đồng nghĩa với việc, mọi hành động ta làm đều sẽ nhận về một kết quả/hậu quả tương ứng có thể nhìn thấy trước.
Có thể dễ dàng nhận thấy điều này nhất là khi các con ở tuổi mới lớn muốn làm gì mà cha mẹ càng can ngăn và phản đối thì con càng có xu hướng cố tình làm sai, làm ngược lại.
Đối với cha mẹ, việc phải chứng kiến con mắc sai lầm trong khi bản thân có thể nhìn thấu trước hậu quả thật là một thử thách, đặc biệt là khi con lặp đi lặp lại cùng 1 lỗi sai nhiều lần.
Vậy cha mẹ có thể ứng xử như thế nào trước những vấn đề này để vừa có thể dạy được con môt cách bình tĩnh, vừa không can thiệp quá sâu vào vấn đề của con?
Duy trì mối quan hệ tốt với con
Nhiều nghiên cứu và thực tế đã chứng minh, những bạn trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên sẽ có nhiều khả năng đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn nếu các con có thể duy trì một mối liên hệ tốt với các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, sự đồng hành và hiện diện của cha mẹ xuyên suốt các sự kiện trong cuộc sống vẫn là điều quan trọng nhất.
Hãy dành thời gian mỗi ngày để trò chuyện, thể hiện nhiều tình cảm và sự quan tâm. Điều đó có thể được biểu hiện qua một số hành động như: kết bạn với những người bạn của con; thừa nhận những nỗ lực, thành tích và thành công trong những việc mà con làm hay không làm; khen ngợi những sự lựa chọn sáng suốt như khi con quyết tâm từ bỏ một thói quen xấu, v.v…
Đặt ra những giới hạn
Cha mẹ có thể đặt ra những quy tắc rõ ràng, nhất quán và hợp lý để con tuân theo. Điều quan trọng là: cha mẹ chỉ nên thực thi khi tất cả đã có sự đồng thuận với nhau, tức là cả cha mẹ và con đều đã hiểu rõ và đồng ý với những quy tắc đó. Việc làm này sẽ giúp con cảm nhận được rằng cha mẹ đang đối xử với con như với một người lớn: công bằng và bình đẳng. Rất có thể con cũng sẽ học hỏi theo và cư xử lại với những người xung quanh như vậy.
Khi cảm nhận được rằng con có thể sẽ mắc lỗi, cha mẹ có thể chỉ ra những hậu quả có thể xảy đến. Ví dụ, hãy nói với con rằng nếu không trân trọng những đồ dùng bản thân đang có, cha mẹ sẽ đem tặng chúng cho những người khác. Hoặc nếu con không nói lời xin lỗi sau khi đã làm sai, con sẽ có 3 ngày không được sử dụng mạng internet. Cần lưu ý rằng, cha mẹ không nên cấm đoán hay lấy đi những thứ con thật sự cần, ví dụ như đồ ăn hoặc thiết bị để làm bài tập.
Để con tự trải nghiệm hậu quả
Nếu con không làm điều gì đó quá nguy hiểm, cha mẹ có thể cứ để cho mọi chuyện xảy ra. Việc không can thiệp vào vấn đề của con là một giải pháp hiệu quả để ngăn chặn hành vi xấu. Những hậu quả xảy đến với con về sau có thể dạy cho con nhiều bài học đắt giá. Ví dụ như nếu con cố tình bỏ học, con sẽ phải tự nỗ lực học lại phần kiến thức đó. Hoặc nếu con cố ý không giữ gìn các đồ dùng của bản thân như điện thoại hay máy tính, con sẽ không có các thiết bị mới để sử dụng nữa.
Điều quan trọng là cha mẹ không được thỏa hiệp hay giúp con giải quyết hậu quả do chính con gây ra. Nếu không, sẽ chẳng có bài học nào cả, thay vào đó, rất có thể bên trong con sẽ hình thành một lối suy nghĩ chẳng mấy tốt đẹp rằng: “Dù mình có làm gì sai đi chăng nữa thì cha mẹ cũng sẽ giúp mình thôi”.
Thay vì ra tay “nâng đỡ” con khỏi những vấp ngã, cha mẹ có thể gợi ý trước cho con một số cách cư xử trước một số tình huống cụ thể. Ví dụ như liên tục nhắc nhở con rằng: nếu cảm thấy có lỗi với ai đó, thì hãy nhận lỗi và xin lỗi họ, ngay cả khi họ chưa tha thứ cho con thì cũng không sao cả, việc làm của con vẫn rất đáng khen ngợi!
Cho con thời gian suy nghĩ riêng tư
Khi một quy tắc chung nào đó bị phá vỡ, cha mẹ có thể áp dụng phương pháp này: cho con thời gian suy nghĩ riêng tư. Con càng lớn, thì thời gian cần suy nghĩ sẽ càng lâu. Ví dụ như nếu con năm nay 16 tuổi, cha mẹ có thể cho con 16 phút suy nghĩ, nếu là 17 tuổi thì là 17 phút. Với những lỗi sai nghiêm trọng hơn thì có thể mất 30 phút, hoặc thậm chí lâu hơn.
Cụ thể, cha mẹ có thể cảnh báo con rằng, nếu con không dừng lại hoặc không cam kết thay đổi, thì sẽ phải thực hành suy nghĩ riêng tư trong vòng 30 phút. Khi nào con sẵn sàng và cảm thấy có thể kiểm soát được cảm xúc lẫn hành vi của mình thì hãy quay trở lại để nói chuyện với cha mẹ. Phương pháp này có thể giúp con học cách kiểm soát nội tâm và tự quản lý bản thân tốt hơn.
Mấu chốt của việc thực hành tất cả các phương pháp mà RMIT đã gợi ý, chính là thái độ và cách truyền tải của cha mẹ. Ở giai đoạn chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành, các con rất nhạy cảm trước những lời nói và biểu hiện cảm xúc của người khác. Chính vì thế, nếu có thể, cha mẹ hãy cố gắng sử dụng một giọng nói thật bình tĩnh và trìu mến khi nói chuyện phải trái, đúng sai với con. Hãy cư xử với con theo hình mẫu mà cha mẹ muốn nhìn thấy ở con, cha mẹ nhé!
👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các bậc cha mẹ khác.