4 cách hỏi thăm teen vào ngày Tết

Bạn có biết, “bị người lớn hỏi thăm ngày Tết” là vấn đề thời sự của các teen mỗi dịp xuân về không? Đối với các teen, những câu chào hỏi, những lời đùa vui của người lớn dành cho mình rất vô duyên, khó đỡ, nhẹ thì còn cố gượng cười, nặng thì khiến teen buồn bực cả ngày đầu năm mới. Các teen còn dùng chủ đề này vẽ tranh biếm hoạ, hoặc bày nhau cách trả xéo xắc sao cho người hỏi cụt hứng. Thay vì đấu trí với teen, bạn hãy trở thành người lớn dễ thương nhất Tết này bằng những cách chào hỏi khác trong bài viết sau đây nhé!

1. Thừa nhận và cho phép mình được ngại ngùng

Một trong những lý do khiến bạn vô tình hỏi teen những câu “vô duyên” là bởi bạn không biết nói gì, im lặng thì ngại thế là cứ nghĩ được gì thì hỏi luôn cho nhanh. Để tránh hỏi bừa mất điểm, bạn hãy cho phép cảm giác ngại được hiện diện trong lòng mình. Ngại là hoàn toàn tự nhiên. Bạn và cô/cậu tuổi teen kia cả năm rồi chưa gặp, sao có thể trò chuyện trôi chảy ngay được? Khi bạn không có nhu cầu xua đuổi sự ngại ngùng, bạn cũng sẽ dừng việc cuống quýt tìm câu để hỏi. Thay vì vậy, hãy mỉm cười thật tươi với một lời chào chân thành, lịch sự “Chào con/chào cháu/chào em.” Teen chỉ cần một lời chào căn bản như vậy là đã quá đủ rồi.

2. Ái ngữ và những lời khen nhỏ

Bài viết về nói lời yêu thương trước đây có nhắc đến ái ngữ, là khái niệm trong đạo Phật chỉ những lời nói yêu thương chân thành gieo yên vui trong lòng người nghe. Vào những dịp như Tết lại càng cần ái ngữ hơn bao giờ hết. Khi gặp teen hay thậm chí là bất cứ ai, nếu không có câu hỏi gì, sao bạn không bắt đầu bằng một lời khen chân thành nho nhỏ? “Nay trông cháu cao quá!”, “càng lúc càng xinh nha” hay “đồ này hợp với con quá”, hoặc khen những chi tiết bạn bắt gặp trong lúc trò chuyện, như “con biết nhiều thứ ghê!” hoặc “cháu bày mâm ngũ quả đẹp này”. Khen những điều tích cực nho nhỏ bạn thật lòng trân trọng ở teen sẽ đem lại mùa xuân trong lòng các con, giúp teen tự tin hơn và bớt phòng vệ đi nhiều.

3. Hỏi về sở thích của teen

Tránh các câu hỏi mang tính phỏng vấn đời tư, như thành tích học tập năm qua, có bạn trai/bạn gái chưa, sắp tới định thi vào ngành nào, ngành đó dễ kiếm việc làm không?… Hãy đặt bạn vào vị trí của teen, bạn có dễ chịu khi một người đã lâu không gặp hỏi mình những câu đó? Và liệu bạn có đủ quan tâm hay yêu thương để nhớ câu trả lời không? Tránh hỏi những câu về ngoại hình, như “sao gầy/béo/cao/ốm/nhiều mụn quá vậy?”. Nếu bạn muốn hỏi để cho lời khuyên, hãy hỏi riêng thật tế nhị, hoặc hỏi ba mẹ của teen, không oang oang giữa chốn đông người.

Thay vì vậy, hãy hỏi về sở thích của teen, “năm rồi con có đọc được sách gì hay không?” nếu là teen thích đọc sách, “này cháu tự tết tóc xinh quá, học ở đâu bày bác với” nếu là teen khéo tay làm đẹp, hay “thi tốt nghiệp xong cháu có dự định đi chơi ở đâu không?” với teen thích đi du lịch. Nếu bạn không biết sở thích của teen, bạn có thể hỏi, như “ngoài học ra cháu thích làm gì khác?” và để câu chuyện bắt đầu từ đó.

4. Lắng nghe

Hãy để ý cảm giác bực mình khi bạn trò chuyện với một người có thói “hỏi chỉ để hỏi” mà không nghe câu trả lời, đừng trở thành người như vậy với người khác. Vậy nên với những câu bạn đã hỏi hay những chủ đề bạn trao đổi với teen, hãy lắng nghe teen nói, tập trung và chân thành như bạn lắng nghe một người lớn thực thụ. Bạn sẽ cảm thấy nhiều sự yêu mến và cởi mở từ cả hai phía hơn, đó là tác dụng của việc lắng nghe thật sự đấy.

Nếu bạn đọc bài viết này và cảm thấy phiền, rằng vì sao phải cầu kỳ rón rén như vậy khi hỏi thăm teen ngày Tết, rằng mình muốn hỏi gì chẳng được, teen là con cháu thì phải trả lời thôi, thì bài viết này không dành cho bạn. Còn nếu bạn muốn tìm cách giao tiếp với các con tốt hơn bởi bạn mong các con cảm thấy được yêu thương và tôn trọng, mong các con có một mùa Tết hạnh phúc bên gia đình thay vì phải đề phòng những câu hỏi khó đỡ từ phía người lớn và chuồn ra ngoài gặp bạn bè ngay khi có dịp, thì tin rằng bài viết này sẽ có ích.

Giang Trần

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.