tư duy tích cực thời Covid

Tình hình dịch bệnh kéo dài trong thời gian vừa qua đã gây ra nhiều lo lắng, bởi có quá nhiều vấn đề đang xảy ra ngoài tầm với của chúng ta. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để chúng ta, và các con trau dồi khả năng suy nghĩ tích cực. Khi suy nghĩ tích cực, chúng ta sẽ bình tĩnh hơn, khoẻ mạnh hơn, hạnh phúc hơn và làm mọi việc năng suất hơn. Hãy cùng RMIT điểm qua một vài cách thức giúp cả gia đình luyện tập lối tư duy tích cực trong giai đoạn “ở nhà phòng dịch” trong bài viết này.

1️⃣ Sử dụng từ ngữ tích cực trong những cuộc trò chuyện

Khi chúng ta “ra lệnh” cho bộ não sử dụng ngôn từ tích cực, tâm trạng và suy nghĩ của chúng ta cũng sẽ trở nên lạc quan hơn. Bởi vậy, cha mẹ hãy tạo ra “luật” dùng từ tích cực cho cả gia đình cùng chơi trong giai đoạn ở nhà tránh dịch. Ví dụ, thay vì nói rằng “món này hơi chán”, ta có thể nói “món này cũng khá ngon đấy chứ, chỉ cần thêm một chút vị chua nữa là tuyệt”. Nếu như có ai trót “vi phạm” luật chơi – nghĩa là trót nói điều tiêu cực – sẽ phải nhận một hình phạt nho nhỏ. Một từ tiêu cực bằng một lần rửa bát chẳng hạn!

2️⃣ Sưu tầm những tin tức tích cực mỗi ngày

Tuy rằng dịch bệnh đang diễn biến khá nghiêm trọng trên toàn cầu, nhưng nếu cha mẹ cùng con nhìn vào những điều tích cực, sẽ cảm nhận được cuộc sống này thật ý nghĩa biết nhường nào. Như việc Nhật Bản tặng cho Việt Nam hàng triệu liều vắc xin quý giá, hay giữa tâm dịch, người dân trên khắp cả nước vẫn ngày ngày gom góp nhu yếu phẩm, lương thực, khẩu trang để gửi tới những người dân khó khăn trong các khu phong toả, cách ly. Trên một phạm vi rộng hơn thì vừa qua tại Việt Nam, người dân và các doanh nghiệp đã quyên góp ủng hộ hàng ngàn tỉ đồng cho quỹ vắc xin để ai cũng có cơ hội bảo vệ bản thân khỏi đại dịch… Con người cùng chung tay giúp đỡ nhau vượt qua đại dịch, lòng tốt xuất hiện ở bất cứ đâu, và sự lạc quan đang nhân rộng trên toàn thế giới. Mỗi ngày, mỗi thành viên trong gia đình kể cho nhau nghe một tin vui vào bữa cơm, vậy là đủ.

3️⃣ Viết “nhật ký cảm ơn” mỗi tối trước khi đi ngủ

Đây sẽ là một thói quen tốt dành cho cha mẹ và con, không chỉ nên thực hiện vào giai đoạn nghỉ dịch, mà nên tiếp tục duy trì thói quen này. Mỗi tối trước khi đi ngủ, mỗi người sẽ viết vào sổ nhật kí của mình một điều làm mình cảm thấy biết ơn trong ngày, có thể là với cha mẹ, với con, với bản thân hoặc với một ai đó khác như bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp. Khi biết trân trọng những điều tử tế, ta sẽ dần hình thành suy nghĩ tích cực, ngay cả khi rơi vào tình huống xấu nhất.

4️⃣ Chơi trò “trong cái rủi có cái may” mỗi tuần một lần

Cha mẹ có thể dành ngày đầu tuần hoặc cuối tuần để cùng các con chơi một trò chơi tương tác ngắn giúp duy trì những suy nghĩ tích cực. Luật chơi rất đơn giản: người quản trò đưa ra một tình huống xấu, mỗi người chơi phải lần lượt nêu ra một “cái may” trong sự xui xẻo đó, ai không nghĩ ra được sẽ chịu phần thua. Ví dụ, tình huống là “đi học quên mang áo mưa, về nhà ngấm nước mưa nên cảm lạnh”. Tuy “cái rủi” là bị cảm lạnh, nhưng “cái may” có thể là việc học được bài học “nhớ đời” và không bao giờ quên mang áo mưa nữa, hoặc vì cảm lạnh mà được miễn bài kiểm tra một tiết môn Thể dục. Sau khi chơi trò chơi này nhiều lần, cả nhà sẽ dần hình thành thói quen nghĩ về những điều tốt đẹp dù gặp chuyện vui hay buồn.

Bên cạnh việc trở nên hạnh phúc hơn, khả năng suy nghĩ tích cực cũng giúp con được nhà tuyển dụng đánh giá cao khi đi xin việc sau này. Lí do là bởi khi lạc quan, con thể hiện được sự tự tin vào khả năng của mình. Đặc biệt, trong vòng đánh giá hoặc buổi phỏng vấn, điều này sẽ được nhìn thấy rất rõ qua những ý tưởng và câu trả lời của con, giúp nhà tuyển dụng hiểu hơn về điểm mạnh mà con có. Hơn nữa, ai cũng muốn có một nhân viên luôn suy nghĩ tích cực và biết cách làm tinh thần của đồng nghiệp trở nên phấn chấn hơn. Vào những thời điểm khó khăn của công ty, nếu con có khả năng khích lệ, động viên đồng nghiệp nhìn vào những điều tốt đẹp, hiệu suất công việc có thể sẽ tăng lên đáng kể. Không chỉ vậy, trong trường hợp con không được nhận vào làm, nhưng vẫn chủ động tích cực xin feedback (lời nhận xét) từ nhà tuyển dụng, con sẽ để lại ấn tượng tốt và có thể sẽ được cân nhắc cho các vị trí phù hợp hơn, hoặc thậm chí được giới thiệu cho cơ hội ở những công ty khác.

Nhìn chung, tư duy tích cực luôn khiến cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn và mang tới nhiều màu sắc tươi mới. Khi con nhìn mọi thứ bằng đôi mắt tích cực, con sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và đồng thời giúp những người xung quanh cảm thấy lạc quan hơn rất nhiều. Cha mẹ hãy cùng con rèn luyện thói quen suy nghĩ tích cực một cách đều đặn, và bắt tay ngay từ giai đoạn “rủng rỉnh” thời gian này!


👉 Đọc thêm các bài viết hay và bổ ích về cách Nuôi dạy con tại ĐÂY.

👉 Tham gia Nhóm RMIT & Cha mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.