Làm thế nào để xây dựng và phát triển con đường sự nghiệp từ những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học luôn là câu hỏi lớn dành cho các bạn sinh viên năng động. Mô hình 4 bước dưới đây sẽ là kim chỉ nam giúp cha mẹ và các con có thể xác định được mục tiêu ở từng giai đoạn, từ đó sẵn sàng cho mọi thử thách và chủ động nắm lấy các cơ hội của mình. Đây cũng là mô hình được Đại học RMIT sử dụng trong công tác hướng nghiệp trong nhiều năm qua, và mô hình này đã giúp các sinh viên của trường tìm được công việc mơ ước và thoả mãn với sự nghiệp và mình đã chọn lựa.
Bước 1: Đánh giá bản thân
Người ta có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Ở bước đầu tiên trong hành trình phát triển sự nghiệp, con cần hiểu rõ bản thân – mình thích gì, mình giỏi và chưa giỏi ở đâu, mình phù hợp với những môi trường như thế nào. Bên cạnh các trắc nghiệm tính cách để hướng nghiệp khá phổ biến hiện nay như MBTI, Holland… cha mẹ hoàn toàn có thể gợi ý cho con từ những câu hỏi rất đơn giản như sau:
- Con có năng khiếu tự nhiên nào?
- Con có kĩ năng nào nổi bật?
- Mọi người nhận xét về con mạnh ở điểm nào?
- Con cảm thấy thoải mái nhất khi ở môi trường như thế nào?
- Khi nào con thấy mình sống có ý nghĩa nhất?
Bước 2: Khám phá các lựa chọn
Sau khi đã nắm rõ những điểm mạnh – điểm yếu của bản thân, điều tiếp theo con cần xác định là liệu những lợi thế của mình có thể được phát huy tốt nhất ở môi trường nghề nghiệp nào. Hiện nay, việc định hướng cho học sinh ở các trường cấp 3 còn tương đối yếu. Tuy nhiên, cha mẹ và con vẫn có thể tìm được thông tin đa dạng và chuyên sâu ở chương trình định hướng hay hội chợ nghề nghiệp của các trường đại học. Thông qua chia sẻ và trao đổi trực tiếp với chuyên gia ở các sự kiện này, rất có thể con sẽ xác định được một vài lĩnh vực tiềm năng đối với bản thân mình. Một ngành tốt sẽ vừa tận dụng được các lợi thế của con, vừa có nhu cầu tuyển dụng và mức lương xứng đáng.
Bước 3: Tập trung phát triển
Sau khi nắm được ngành nghề phù hợp, con nên đào sâu về các cơ hội và lộ trình nghề nghiệp trong ngành đó để xác định được mục tiêu của mình khi ra trường. Trả lời 3 câu hỏi: con muốn làm tại công ty nào, vị trí gì, để đạt được điều này con cần đáp ứng những yêu cầu gì sẽ giúp phác thảo được những bước con cần đi.
Ví dụ, nếu con thích marketing trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, mục tiêu của con là trở thành brand manager (quản lý thương hiệu) trong tập đoàn đa quốc gia như Unilever hay P&G thì con cần có các kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm tốt, khả năng tiếng anh thành thạo cùng các kiến thức nền tảng về kinh doanh, đặc biệt là marketing – sales. Vì thế, con có thể đăng ký tham gia hoạt động ở các các câu lạc bộ, trau dồi khả năng tiếng anh của mình thông qua việc giao tiếp thường xuyên, nghiêm túc với các môn học chuyên ngành ở trường, học hỏi kinh nghiệm viết CV, phỏng vấn… Đôi khi, vẫn là những hoạt động ấy, nhưng hiểu được lí do tại sao mình cần làm sẽ là một nguồn động lực kì diệu giúp con luôn chủ động, tiến nhanh và học được nhiều hơn hẳn.
Bước 4: Dấn thân vào cuộc
Sau khi đã “mài giũa gươm giáo” sẵn sàng, việc con cần làm chính là thực sự dấn thân vào thế giới nghề nghiệp. Quan niệm “cứ học xong đại học rồi mới đi làm” đã lỗi thời. Hầu hết các nhà tuyển dụng ngày nay đều “săn” tài năng trẻ ngay khi các con còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Chính vì vậy, sinh viên luôn có rất nhiều cơ hội để thử sức:
- Các chương trình thi tuyển Thực tập sinh, Quản trị viên tập sự của các tập đoàn lớn như Unilever, P&G, Big 4, British American Tobacco, Heineken… tổ chức hàng năm mở ra cơ hội học tập và thăng tiến “thần tốc” cho các bạn sinh viên.
- Các cuộc thi chất lượng như Young Spikes Vietnam, Nielsen Case Competition, HSBC Case Challenge, Ứng viên tài năng… là bàn đạp danh giá giúp các con lọt vào “mắt xanh” nhà tuyển dụng.
- Các chương trình huấn luyện, sinh hoạt cộng đồng như Sponsors for Educational Opportunities (Vietnam), VietAbroader… không chỉ giúp các con có cơ hội được tiếp xúc và học hỏi từ các anh chị đi trước mà còn là nền tảng quan hệ quý báu của con sau này.
Có một câu nói rất đúng cho hành trình nhiều thử thách này: “Nếu bạn không chuẩn bị gì, thì bạn đang chuẩn bị cho chính sự thất bại”. Đường chinh phục giấc mơ sự nghiệp của con thì dài và nhiều khó khăn, nhưng với lộ trình được xác định rõ ràng ngay từ đầu cùng sự hỗ trợ sát sao từ cha mẹ, con chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiến xa và nhanh hơn.