Tháng 12 và tháng 1 là khoảng thời gian “ăn ngủ bóng đá” của những người yêu thể thao với hai giải đấu lớn World Cup 2022 và AFF Cup 2022 có sự tham gia của đội tuyển Việt Nam. Thể thao rất gần gũi với đời sống hàng ngày và ẩn chứa trong đó nhiều bài học. Trong bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ đến các quý cha mẹ 4 bài học từ thể thao có thể ứng dụng sang việc dạy và định hướng nghề nghiệp cho con.
1. Mỗi đội tuyển một sở trường và thế mạnh, con cái chúng ta cũng vậy
Trong bóng đá có rất nhiều phong cách chơi bóng khác nhau: các cầu thủ Brazil thì hoa mỹ đẹp mắt, các đội bóng châu Phi thường mạnh về thể lực, các đội châu Á có kĩ thuật cá nhân tốt tinh thần chiến đấu nhiệt huyết không từ bỏ. Các đội bóng dành chiến thắng bằng cách phát huy những sở trường riêng của họ. Không thể đòi hỏi các đội tuyển châu Á phải đua thể lực giống các đội tuyển châu Phi, vì thể chất mỗi đội mỗi khác.
Con cái chúng ta cũng vậy, mỗi đứa trẻ có những điểm mạnh, điểm yếu, sở thích và giá trị sống khác nhau. Là cha mẹ chúng ta không nên ép con cải thiện điểm yếu hoặc học những gì con không thích chỉ vì cha mẹ thấy như vậy là phù hợp hoặc xã hội đang chuộng những ngành nghề đó. Thay vào đó, cha mẹ nên dành thời gian quan sát và trò chuyện cùng con, giúp con nhận ra được điểm mạnh riêng của mình. Tiếp đó, cha mẹ hướng dẫn con kết nối những điểm mạnh riêng cùng với các ngành nghề phù hợp.
Để khám phá điểm mạnh của con, cha mẹ có thể sử dụng trắc nghiệm Holland.
2. Đừng sợ con thất bại, hãy biến thất bại thành những bài học
Mỗi đội tuyển hay câu lạc bộ bóng đá hàng năm đá hàng chục trận đấu khác nhau, có trận thắng, có trận thua – đó là điều hoàn toàn bình thường trong bóng đá. Thua một trận đấu không phải là điều gì quá ghê gớm, quan trọng là cả đội học được bài học gì, rút kinh nghiệm cho trận đấu tiếp theo.
Nhiều bậc cha mẹ trong cuộc sống đã trải qua nhiều vấp ngã và thất bại nên cố gắng tìm mọi cách để con không đi vào vết xe đổ của bản thân. Điều này dẫn tới những hành động như ngăn cấm, bắt ép con phải làm điều này, học cái kia – vì cha mẹ nghĩ như vậy mới tốt. Thực tế, có những thất bại sẽ là bài học tốt cho con trên hành trình trưởng thành, vì vậy cha mẹ hãy trao quyền cho con được sống cuộc đời của mình.
Cha mẹ đừng quá lo lắng khi thấy con thất bại trong một mối quan hệ tình cảm hay có một môn học điểm chưa cao. Hãy ở bên con để động viên, giúp con có những bài học từ thất bại này để làm tốt hơn lần sau.
Đọc thêm: Làm sao để giúp con đối diện với thất bại?
3. Không ai có thể đoán trước được tương lai
Điều thú vị của bóng đá là không ai đoán trước được 100% đội nào sẽ dành chiến thắng, dù cho đội bóng đó có mạnh thế nào đi chăng nữa, vẫn có những bất ngờ có thể xảy ra.
Thế giới nghề nghiệp hiện nay cũng như vậy, nhiều bất ngờ và biến động mà chúng ta không thể dự đoán trước. Dịch bệnh, sự phát triển của công nghệ, các ngành nghề mới xuất hiện mỗi ngày. Chính vì vậy, cha mẹ không nên chọn ngành nghề cho con theo lối suy nghĩ “ngành này hiện tại đang hot”, “nghề này có tương lai ổn định” – đơn giản vì chúng ta không biết trước chuyện gì xảy ra trong tương lai. Thay vào đó, hãy ứng dụng Thuyết con nhím đã được chúng tôi đề cập trong bài viết này, chọn ngành nghề dựa trên điều con thích, con giỏi và điều xã hội đang cần.
4. Sẵn sàng với công nghệ và những thay đổi bất chợt trong tương lai
Bóng đá ngày nay rất khác với bóng đá của 10-20 năm trước. Các điều luật thay đổi, công nghệ được ứng dụng vào nhiều hơn. Điều này đòi hỏi các cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài, bình luận viên và nhà báo phải cập nhật các kiến thức mới để theo kịp xu hướng.
Các nghề nghiệp khác cũng vậy, mỗi năm trôi qua là những nghề nghiệp mới, xu hướng mới và công nghệ mới. Điều này đòi hỏi mỗi cha mẹ chúng ta phải luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận những điều mới, không tự mãn rằng mình biết tất cả mọi thứ và sẵn sàng lắng nghe con khi con chia sẻ về những lĩnh vực mới mà mình chưa biết. Sự cầu thị này sẽ là cầu nối tốt nhất giữa cha mẹ và con.
👉 Tổng hợp Tài liệu hướng dẫn Hướng nghiệp nhanh cho con trong năm 2023
👉 Đọc thêm các bài viết bổ ích về Nuôi dạy con và Hướng nghiệp
👉 Tìm hiểu thêm về Đại học RMIT